Ngày 11 Tháng Bảy, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cảnh báo thuốc kháng sinh cefuroxim 500 mg giả xuất hiện tại nhiều địa phương, với vẻ ngoài khó phân biệt với thuốc thật.
Tại các địa phương như Hà Giang, Sài Gòn, Tiền Giang, Cục Quản lý Dược phát hiện những lô thuốc kháng sinh cefuroxim 500 mg không đạt chất lượng, không có hoạt chất kháng sinh. Đối chiếu ghi nhận này với báo cáo của công ty sản xuất có trụ sở tại Bình Dương, người ta phát hiện mẫu thuốc giả và thuốc thật khác nhau không rõ ràng, chỉ phân biệt được khi đặt cạnh nhau.
Do đó, Cục Quản lý Dược quyết định thu hồi hai lô thuốc cefuroxim 500 mg số 5241121 và 3490621 (kể cả thuốc thật), để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. “Loại thuốc giả này quá giống thuốc thật, không phân biệt được giả với thật, nên buộc phải yêu cầu thu hồi tất cả thuốc thuộc hai lô trên để đưa về nhà sản xuất phân biệt”, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết. Công tác thu hồi tiến hành trong 18 ngày. Sở Y tế Bình Dương kiểm tra, giám sát việc thu hồi thuốc do trụ sở công ty sản xuất thuốc đóng tại tỉnh này.
Cefuroxim là thuốc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, ví dụ viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn tiết niệu… Cục Quản lý Dược cũng thông báo thu hồi giấy đăng ký thuốc Zinnat Suspension do hai lô vi phạm tiêu chuẩn chất lượng. Đây là thuốc kháng sinh trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng nấm. Hai loại thuốc kháng sinh trên được bán theo đơn của bác sĩ.
Thời gian qua, tình trạng thuốc giảm đau giả, thuốc giả mạo hồ sơ, thuốc dạ dày nhập lậu… xuất hiện tràn nan và Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế phải ra khuyến cáo người dân cảnh giác, mua thuốc ở các địa chỉ uy tín và tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ.
Ngày 9 Tháng Sáu, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng phát hiện năm loại thuốc có hồ sơ đăng ký lưu hành giả và ra quyết định thu hồi. Các thuốc bị thu hồi gồm Pompezo 40 mg, Pompezo 20 mg, Choludexan 300 mg, Etacid 0,05% của Công ty cổ phần Dược phẩm Minh Kỳ; và Ulsepan 40 mg của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên DP Altus. Đây là các thuốc nhập khẩu, dùng điều trị bệnh dạ dày, gan mật, mũi họng.
Cần nhắc lại, ông cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã bị ngồi tù vì giúp công ty VN Pharma nhập thuốc ung thư giả.