Hổm rày vụ Steve Bannon phải ra hầu toà đang nóng, nhiều người thắc mắc về một số thuật ngữ pháp lý dùng trong các bản tin. Chẳng hạn như “charged” khác “indicted” ra sao? “Convicted” nghĩa là gì? Xét thấy đây là một đề tài thú vị, xin gởi bà con một ít thông tin về vụ này để tham khảo thêm.
Steve Bannon là một thường dân hành nghề truyền thông độc lập. Năm 2016 ông ta từng cố vấn cho ứng cử viên Donald Trump. Sau khi Trump đắc cử, ông ta làm cố vấn cho tổng thống được vài tháng thì được/bị cho nghỉ việc.
Steve Bannon chưa bị kết tội gì cả. Ông ta chỉ mới bị cáo buộc – “charged,” tội “Contempt of Congress”. Tội này có thể tạm dịch là “Khinh thường Quốc Hội”, và được định nghĩa là làm cản trở công việc của Quốc Hội hoặc của một uỷ ban do Quốc Hội lập ra. Được soạn ra vào cuối thế kỷ 18, tội “Khinh thường Quốc Hội” bắt chước theo tội “Contempt of Parliament” bên Anh. Đây là tội hình sự, nếu bị kết án có thể bị phạt tù không dưới một tháng nhưng không quá 12 tháng, và phạt tiền không dưới $100 nhưng không quá $100,000.
Uỷ ban Đặc trách Điều tra vụ tấn công Điện Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng (January 6 Committee) trong quá trình điều tra sự việc đã tống trát – “issue a subpoena” đòi Steve Bannon ra trước Uỷ Ban để trả lời một số câu hỏi liên quan đến vụ tấn công và giao nộp một số tài liệu. Nhưng vì ông Bannon từ chối hợp tác nên Uỷ Ban buộc lòng phải yêu cầu Bộ Tư pháp xử lý.
Chiếu theo luật pháp Hoa Kỳ, Quốc Hội không có quyền truy tố bất cứ ai vì đó là trách nhiệm của Hành Pháp; cụ thể hơn nữa là của Bộ Tư Pháp, tức Department of Justice mà báo chí hay gọi tắt là DOJ.
Tuy nhiên, Tối Cao Pháp Viện trao cho Hạ và Thượng Viện quyền điều tra bất cứ chuyện gì liên quan đến quy trình làm luật của họ [Watkins vs United States, 1957] miễn là được đa số dân biểu hoặc thượng nghị sĩ đồng thuận. Một khi được chấp thuận, Viện sẽ gởi đơn cho Biện Lý Quận (District Attorney) District of Colombia, yêu cầu họ truy tố người đó tội “Contempt of Congress.”
Nhận được đơn của Uỷ Ban hồi tháng 10, 2021, Biện Lý D.C. đã triệu tập một đại bồi thẩm đoàn – thuật ngữ tiếng Anh là “seat a grand jury”, để xét xem có đủ chứng cớ khả tín – “probable cause”, hay không. Ngày 11 tháng 11 năm 2021, đại bồi thẩm đoàn ra quyết định khởi tố (“indict”) Steve Bannon tội từ chối trả lời và nộp hồ sơ cho Uỷ Ban 6 tháng Giêng.
Sau khi có lệnh khởi tố, Steve Bannon đã bị bắt giữ (arrested). Nhưng sau đó luật sư của Bannon đã thuyết phục toà án quận D.C. cho ông ta nộp tiền thế chân (bail) để tại ngoại hầu tra.
Chuyện gì kế tiếp sẽ xảy ra?
Phiên toà xét xử Steve Bannon sẽ diễn ra bắt đầu từ ngày 18 tháng 7. Tuy nhiên, vào nửa đêm ngày 10 tháng 7, 2022, luật sư của ông Bannon bỗng gởi thư cho Uỷ Ban 6 tháng Giêng, thông báo thân chủ của họ đã đổi ý và sẽ ra điều trần để khỏi phải ra toà.
Biện lý D.C. lập tức yêu cầu toà án bác bỏ lá thư này như một bằng chứng trong vụ xử. Họ viện lý do nghi can đã có hơn tám tháng để nộp các hồ sơ mà Uỷ Ban yêu cầu trong trát đòi nhưng ông ta vẫn cố tình làm ngơ. Không những vậy, cách đây không lâu ông Bannon còn nói dối với Ủy ban điều tra vụ 6 Tháng Giêng rằng ông đã được luật sư của cựu Tổng thống Trump hứa sẽ viết một lá thư xác nhận rằng ông được bảo vệ bởi cái gọi là “Executive Privilege” – tức được miễn tố vì từng làm việc cho trong nhánh Hành Pháp – Executive Branch. Biện lý D.C. khẳng định luật sư của ông Trump đã phủ nhận câu chuyện hư cấu này.
Ngày 11 tháng 7, thẩm phán Carl Nichols của Toà Án D.C. tuyên bố lá thư vào giờ thứ 25 của ông Bannon hoàn toàn vô giá trị. Nghĩa là Steve Bannon sẽ phải ra hầu toà vào thứ Hai tuần tới để được luật pháp xét xử một cách công minh. Tất nhiên nghi can Steve Bannon vẫn được xem là vô tội (innocent) cho đến khi có phán quyết của bồi thẩm đoàn (jury). Nhưng mặc dù thẩm phán Carl Nichols là người được bổ nhiệm bởi Tổng thống Trump, khả năng ông Bannon sẽ bị kết án – convicted, và ngồi tù phải nói rất là cao!