Stalin đã giết thảm Trotsky như thế nào?

Vén màn bí mật cộng sản Liên Xô
Leon Trotsky (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Năm 1927, Joseph Stalin cùng với các cộng sự tìm mọi cách loại bỏ Leon Trotsky ra khỏi ban lãnh đạo đảng Bolshevich, mặc dù ông là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng của cuộc Cách mạng Tháng Mười, chỉ sau Lenin, đồng thời là người thành lập và xây dựng Hồng quân thành một lực lượng hùng mạnh, đánh thắng Bạch vệ trong cuộc nội chiến sau cách mạng. Họ đã đày ông đến Kazakhstan ở vùng Trung Á. Bấy giờ, Stalin chưa dám thẳng tay sát hại Trotsky, vì trong đảng vẫn còn có rất nhiều chiến hữu ủng hộ ông.

Bằng mọi giá phải khử Trotsky!

Bị khai trừ khỏi đảng, Trotsky (người có biệt danh Nhà cách mạng không ngừng nghỉ) vẫn không ngừng móc nối liên lạc với những người ủng hộ mình, nhiều người trong số họ cũng bị lưu đày. Ngoài ra, ông còn thường xuyên trao đổi thư từ với nhiều nhà lãnh đạo của cộng sản quốc tế, do đó từ Tháng Mười 1928, Stalin đã cấm Trotsky viết thư và yêu cầu ông ngừng mọi hoạt động chính trị. Nhưng Trotsky vẫn bất tuân. Vì thế, vào Tháng Một 1929, Stalin quyết định trục xuất Trotsky ra khỏi đất nước.

Khi đi ra nước ngoài lưu vong, Trotsky mang theo nhiều tài liệu mật. Trong số quốc gia được lựa chọn, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tiếp nhận ông. Ban đầu, Trotsky sống ở Istanbul. Nhưng sau đó, vì sợ rằng Stalin có thể phái thích khách đến đoạt mạng (và cả các thủ lĩnh Bạch vệ lúc đó sống lưu vong ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể làm như thế để trả thù việc bị đội quân của Trotsky đánh bại trong Nội chiến), ông chuyển đến đảo Buyukada, nằm gần Istanbul. Vào đầu Tháng Ba 1931, một trận hỏa hoạn xảy ra trong tòa biệt thự của ông, hậu quả là kho lưu trữ bị hư hại hoàn toàn.

Năm 1933, bị tước quyền công dân Liên Xô và được cấp thị thực Pháp, Trotsky chuyển đến Marseille. Nhưng giới chính khách Pháp không thích điều này, họ buộc tội ông cố gắng khơi dậy kích động “bạo lực cách mạng” ở Pháp và lôi kéo quốc gia này vào mối xung đột với Liên Xô và Đức. Ngoài ra, vào đầu năm, sự việc con gái của Trotsky là Zinaida tự tử đã ảnh hưởng đến các hoạt động của ông.

Joseph Stalin – lãnh tụ cộng sản tàn ác của lịch sử Liên Xô (ảnh: Fototeca Gilardi/Getty Images)

Sống sót sau 200 phát đạn

Ngày 27 Tháng Mười Hai 1933, Trotsky hoàn thành dự thảo chương trình “Quốc tế thứ tư và cuộc chiến” và gửi cho những người ủng hộ. Tháng Sáu 1935, Trotsky đến Na Uy theo lời mời của Đảng Dân chủ Xã hội mới lên nắm quyền. Tuy nhiên, Stalin đã gây áp lực buộc chính quyền Na Uy phải áp dụng chế độ quản thúc tại gia đối với Trotsky.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Mexico, Lazaro Cardenas ngay lập tức mời Trotsky đến nước mình. Ở Mexico, Trotsky được tiếp đón nồng hậu. Ông sống trong biệt thự của họa sĩ Diego Rivera, một người tích cực ủng hộ cánh tả và là chồng của nữ họa sĩ Frida Kahlo. Trong thời gian sống ở Mexico, giữa Trotsky và Frida Kahlo xuất hiện mối tình vụng trộm, nhưng họ đã kịp thời dừng lại…

Tháng Chín 1938 tại Paris, các đồng chí của Trotsky thành lập Quốc tế thứ tư, với tôn chỉ phát động một “cuộc cách mạng thế giới”. Sự việc không thể không làm cho Stalin khó chịu, và ông đã chỉ thị cho trùm mật vụ Liên Xô Lavrentiy Beria loại bỏ “nhà cách mạng không ngừng nghỉ”. Những nỗ lực tương tự đã được thực hiện trước đây, nhưng chưa lần nào thành công. Bây giờ, người của Stalin quyết định “thanh lý” Trotsky với sự giúp đỡ của các cựu binh du kích Tây Ban Nha. Chiến dịch này do phó tổng trưởng tình báo Liên Xô Pavel Sudoplatov và trinh sát Naum Eitingon chỉ huy.

Họ lập kế hoạch giết Trotsky với sự giúp đỡ của một nhóm chiến binh do họa sĩ người Mexico Jose David Alfaro Siqueiros đứng đầu. Ngày 24 Tháng Năm 1940, nhóm này kéo đến nhà của Trotsky. Do cải trang trong sắc phục của các sĩ quan cảnh sát Mexico, họ dễ dàng tiếp cận khuôn viên ngôi biệt thự nơi Trotsky sống. Những kẻ tấn công nã khoảng 200 viên đạn súng máy từ đường phố về hướng phòng ngủ, nhưng Trotsky may mắn không hề hấn gì.

Cú đập của cái cuốc chim

Cuối cùng, Cơ quan tình báo của Stalin quyết định lựa chọn phương án khác: Chiến dịch ám sát Trotsky sẽ được thực hiện bởi Ramon Mercader, một tên cộng sản Tây Ban Nha được tuyển mộ từ năm 1937. Mercader từng tham gia nội chiến ở Tây Ban Nha và có đủ kinh nghiệm để khử gọn Trotsky. Cơ quan mật vụ Liên Xô móc nối với Mercader thông qua mẹ anh ta, Caridad Mercader del Rio, một nhân vật cộng sản lão thành của Tây Ban Nha. Chính bà ta đã khuyến khích con trai tham gia thực hiện việc loại bỏ Trotsky.

Leon Trotsky trên giường bệnh (ngày 18 Tháng Chín 1940) sau cú đập của chiếc cuốc (ảnh: Keystone/Getty Images)
Giảo nghiệm chiếc sọ của Leon Trotsky (ảnh: Galerie Bilderwelt/Getty Images)
Nhân viên điều tra Mexico với tang vật chiếc búa (ảnh: Archiv Gerstenberg/ullstein bild via Getty Images)
Leon Trotsky (trái) sau khi bị tấn công; vợ của ông phản ứng trước vụ việc (giữa) và Ramon Mercader (bản thân cũng bị thương) – ảnh trong tạp chí TIME ngày 2 Tháng Chín 1940 (nguồn: Hulton Archive/Getty Images)

Trước tiên, Mercader đến Paris, làm quen và rồi quyến rũ Sylvia Ageloff, người từng là phiên dịch và là thư ký riêng của Trotsky khi ông còn hoạt động ở Pháp. Mercader đóng giả doanh nhân người Canada dưới cái tên Frank Jackson trong hộ chiếu. Mercader cùng với “người yêu” của mình là Sylvia Ageloff mua vé du lịch đến Mexico và tới thăm nhà của Trotsky. Sylvia Ageloff giới thiệu với chủ nhà rằng chồng chưa cưới của cô, Mercader, là một đảng viên cộng sản, rất ngưỡng mộ tư tưởng Trotsky. Trotsky rất vui mừng khi có thêm chiến hữu mới.

Ngày 20 Tháng Tám 1940, Mercader đến biệt thự của Trotsky để đưa cho ông xem bài báo của mình về việc nước Pháp đầu hàng phát xít Đức. Bên trong chiếc áo choàng, Mercader giấu một chiếc cuốc chim cán ngắn. Trong khi Trotsky mải mê đọc bản thảo bài báo, Mercader từ đằng sau rút vũ khí ra, dùng hết sức bình sinh bổ đầu nhọn của chiếc cuốc chim vào đầu nạn nhân. Mũi cuốc bổ vào sâu đến 7 cm, nhưng Trotsky không chết ngay tức khắc. Ông vồ lấy kẻ giết người và bóp cổ hắn cho đến khi các vệ sĩ chạy đến. Tuy nhiên, ngày 21 Tháng Tám 1940, Trotsky trút hơi thở cuối cùng.

Bà Sylvia Ageloff (trái) cùng người chị Hilda đến Newark, New Jersey; sau khi được thả khỏi nhà tù Mexico (ảnh: Hulton-Deutsch/Hulton-Deutsch Collection/Corbis via Getty Images)

“Một người đã xuống mồ, kẻ bị nhân dân lao động trên toàn thế giới coi thường và nguyền rủa, một người trong nhiều năm đã chiến đấu chống lại chính nghĩa của giai cấp công nhân và đội tiên phong của nó là Đảng Bolshevik. Giai cấp thống trị của các nước tư bản đã mất đi tên đầy tớ trung thành. Các cơ quan tình báo nước ngoài đã mất đi một điệp viên lâu năm, khôn ngoan, kẻ tổ chức những vụ khủng bố, giết người… Đó là một kẻ không từ chối bất cứ biện pháp nào để đạt được mục tiêu phản cách mạng”- số báo Pravda của Đảng Cộng sản Liên Xô ra ngày 24 Tháng Tám 1940 viết.

Bài báo này có tựa Cái chết của một điệp viên quốc tế, do đích thân Stalin biên tập. Chính ông ta đã bổ sung đoạn cuối: “Trotsky trở thành nạn nhân của những âm mưu và sự phản bội của chính mình. Đây là cách mà người đàn ông đáng khinh này kết liễu cuộc đời mình một cách xứng đáng, xuống mồ với con dấu của một điệp viên quốc tế trên trán”.

Diễn viên Pháp Alain Delon, với vai Ramon Mercader, trên phim trường ‘The Assassination of Trotsky’ của đạo diễn Mỹ Joseph Losey (ảnh: Alain Dejean/Sygma via Getty Images)

SỐ PHẬN CỦA MERCADER

Ramon Mercader bị lính bảo vệ của Trotsky bắt tại trận. Trước tòa, hắn phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với Liên Xô, một mực khẳng định Trotsky đã can thiệp vào ý định kết hôn của anh ta với Sylvia Ageloff và cố lôi kéo anh ta vào một tổ chức khủng bố bí mật nhằm lật đổ rồi giết chết Stalin; chính vì những lý do đó nên anh ta phải tìm cách hạ sát Trotsky.

Mercader trải qua 20 năm trong nhà tù Mexico, trong đó sáu năm đầu bị giam trong xà lim không có cửa sổ và thường xuyên bị đánh đập. Sau đó, các điều kiện giam giữ có thay đổi, Mercader được sống trong một phòng giam VIP. Các nhà chức trách Mexico đã cố xác định danh tính và quốc tịch của anh ta, nhưng chỉ có thể đưa ra kết luận rằng Mercader không phải là người Bỉ, không phải người Pháp, cũng không phải Canada. Và cho đến ngày cuối cùng ngồi trong tù, Mercader vẫn nhất quyết không khai ra động cơ thực sự khiến anh ta giết Trotsky.

Ramon Mercader (còn được viết là “Jaime Ram-n Mercader del R’o”; được chôn với cái tên “Ramon Ivanovich Lopez” trong nghĩa trang Kuntsevo, Moscow (ảnh: Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images)

Ngày 6 Tháng Năm 1960, kẻ giết người được trả tự do: Ông ta có hộ chiếu Tiệp Khắc và một vé máy bay đến Cuba, rồi từ đó đến Liên Xô. Khi đến Moscow, ông ta nhận được hộ chiếu mang tên Ramon Ivanovich Lopez. Và vào ngày 31 Tháng Năm, Ramon Mercader được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô và được đích thân Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô, Leonid Brezhnev, gắn ngôi sao Anh hùng lên ngực.

Sau đó, Mercader trở thành nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chủ nghĩa Marx-Lenin, nơi ông ta nghiên cứu lịch sử Nội chiến Tây Ban Nha. Ngoài ra, ông ta còn nhận được tiền trợ cấp từ KGB, một căn hộ nội thành và một biệt thự ở ngoại ô Moscow. Giữa những năm 1970, Ramon Mercader chuyển đến Cuba, làm việc cho Bộ Ngoại giao. Đương sự chết năm 1978, tro cốt được đưa về Moscow chôn cất trong danh dự.

_________

Nguồn: Pуссиан7

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: