Ở Los Angeles, hàng ngày người ta thấy có nhân viên đi kiểm tra xem nhà nào xài lãng phí nước. Ai vi phạm bị cảnh cáo lần đầu, lần sau bị phạt tiền.
Hàng ngày, Damon Ayala – chuyên viên bảo tồn của Sở điện nước thành phố Los Angeles có nhiệm vụ đi tuần tra quanh đường phố. Los Angles là khu vực đang trong tình trạng hạn hán nặng. Ayala nhìn kỹ ở các vỉa hè. Mỗi lần thấy có vũng nước, anh sẽ dừng lại kiểm tra xem nước rò rỉ từ đâu. Ayala cũng là người chuyên xem xét hàng trăm đơn khiếu nại của cộng đồng mỗi tuần về cảnh hàng xóm lãng phí nước.
Lần đầu cảnh cáo, lần sau phạt tiền
Ayala ghi lại địa chỉ ngôi nhà mà anh tìm thấy bằng chứng vi phạm. Người vi phạm lần đầu bị dán giấy cảnh báo. Tái phạm sẽ bị phạt từ $200 – 600. “Chúng tôi làm vậy không phải để kiếm tiền đâu, vì có tiền cũng không giúp chúng ta có thêm nước. Chúng tôi đang cố gắng thay đổi hành vi của người dân, để mọi người đều có ý thức tiết kiệm nước,” Ayala nói trên AFP.
Nếu vi phạm quá năm lần, chính quyền sẽ lắp đặt thiết bị hạn chế nguồn cung cấp nước cho gia đình đó. Nhưng theo Ayala, rất hiếm người bị phạt tới mức ấy.
Công việc tuần tra của Ayala diễn ra khi California và miền Tây nước Mỹ trong cảnh hạn hán nặng nề vài năm nay. Các nhà khoa học cho biết hiện tượng ấm lên toàn cầu do tác động của con người, bao gồm sử dụng nhiên liệu hóa thạch không kiểm soát, đang gây ra nhiều hiện tượng cực đoan.
Các hồ chứa nước và sông ngòi ở Los Angeles đang ở mức thấp nhất từng ghi nhận, buộc chính quyền ban hành hạn chế sử dụng nước, như hạn chế thời gian tưới cỏ tối đa tám phút một lần và hai lần mỗi tuần. Bước đầu, lệnh này đạt kết quả tốt. Nhu cầu nước của người dân trong Tháng Sáu giảm so với cùng thời gian năm ngoái. Nhưng vì hạn hán ngày càng nghiêm trọng hơn, nên công tác chăm sóc cảnh quan thành phố phải thay đổi, nghiêm ngặt hơn.
Tình hình thiếu nước ngày càng nghiêm trọng
Do hạn hán nghiêm trọng, ở miền Bắc, quận hạt Santa Clara cũng áp dụng quy định mới từ hôm 24 Tháng Năm, yêu cầu người dân giảm 15% lượng nước sử dụng, và áp mức tiền phạt từ $100 tới $10,000 cho những ai xài lãng phí nước tưới cho các bãi cỏ chỉ để trang trí.
“Chúng tôi tính toán rằng 50% lượng nước mà người dân sử dụng là dành cho tưới cây ngoài trời”, Pamela Berstler, Giám đốc điều hành công ty cảnh quan đô thị G3 Garden Group, nói. Bà và đồng nghiệp Marianne Simon đang phụ trách các lớp học nằm trong chương trình của thành phố nhằm khuyến khích người dân chuyển từ trồng cỏ sang trồng cây chịu hạn.
Giới chức tiểu bang California cũng áp dụng quy định chống hạn mới, cấm tưới nước cho các bãi cỏ ở trụ sở công ty, trung tâm công nghiệp, thương mại… Lệnh cấm không áp dụng với bãi cỏ ở sân nhà dân hay nơi người dân thường xuyên tụ tập.
Tiểu bang California trải qua ba tháng đầu năm 2022 khô hạn nhất trong lịch sử, khi lượng mưa trên toàn tiểu bang chỉ ở mức trung bình 15%. “Tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn, vậy mà chúng tôi chẳng thấy bất kỳ động thái tiết kiệm nước nào,” Kirsten Struve, trợ lý tại cơ quan quản lý nước của hạt, nói với CBS.
Giảm xài nước, trồng cây chịu hạn
Gabriel Golden và Danielle Koplinkase, hai người dân sống ở phía Nam Los Angeles, tham gia chương trình từ vài năm trước. “Chúng tôi tìm cách truyền cảm hứng cho hàng xóm và khu phố bằng cách biến vườn nhà thành vườn trồng cây bản địa chịu hạn,” họ cho biết.
Còn ở miền Bắc, vợ chồng anh John Geise sống tại Willow Glen, gần thành phố San Jose, quyết định cải tạo khu vườn bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, thay vì vòi phun như trước đây, để ứng phó tốt hơn với hạn hán. “Mọi thứ bây giờ dựa vào hệ thống tưới nhỏ giọt này thôi,” Geise nói. “Chúng tôi đã thu nhỏ diện tích bãi cỏ lại hơn một nửa, nửa còn lại tôi lát đá trang trí và trồng những loại cây chịu hạn”. Geise tin rằng thu nhỏ diện tích bãi cỏ sẽ giúp ông đạt được mục tiêu tiết kiệm 15% nước và giảm hóa đơn tiền nước.
“Một số nơi ở miền Nam California bắt đầu giảm lượng nước tưới còn mỗi tuần một ngày,” Simon nói. “Thực tế là những khu vườn kiểu này chỉ cần tưới như vậy hoặc ít hơn, nhưng kiểu vườn trồng cỏ trước đây thì không.” Một số người lựa chọn thay thế cỏ thật bằng cỏ nhân tạo hoặc sỏi, nhưng Simon cho rằng duy trì trồng cây có lợi cho môi trường hơn.
Đọc thêm: