Căn hộ khiêm tốn toạ lạc trong khu chung cư yên tĩnh ở vùng Falls Church, Virginia. Đã hẹn trước, nên khi tôi đến trước cổng, đã thấy chị đứng chờ. Gian phòng nhỏ được bài trí gọn gàng, như một phòng khách đơn giản. Mùi hương thuốc Bắc thoang thoảng. Bức tường bên trái là những kệ trắng, cao gần sát trần nhà, phủ kín sách và sách.
Đây chính là Tiệm sách Saigon, một nơi đang được nhiều người Việt vùng Đông Bắc và các tiểu bang khác tìm đến.
Chiếc ghế sofa nhỏ màu xám, thân mật, được sắp xếp ý tứ, duyên dáng đối diện với bức tường sách. Nơi này cũng là nơi chủ và khách mua sách hàn huyên về những câu chuyện bên trong và bên ngoài trang giấy. Chị Trang Phạm, chủ cửa hàng sách, đã từng có nhiều cuộc gặp gỡ như thế từ khi Tiệm sách Saigon ra đời cách đây chỉ khoảng năm tháng.
Câu chuyện được chị bắt đầu với tuổi thơ “thích đọc nhiều loại sách khác nhau.” Chị Trang không nhận mình là “mọt sách”, “tôi không thích từ đó” – chị nói, “tôi chỉ là người thích đọc sách. Tôi thích sách hơn mạng internet.” Đối với chị, sách là một nội dung có hệ thống, câu chữ rõ ràng. Chị thích đọc cách hành văn, thích câu cú đầy đủ, từ ngữ phong phú, “đắt giá” trong những cuốn sách. Từ sách, chị tìm thấy được những ngôn từ, thái độ, cách hành xử của học giả xưa. Tôi hỏi chị nghĩ thế nào về từ ngữ của thời đại kỹ thuật số này? Chị Trang nói, “cách dùng từ bây giờ phô trương, ít khiêm tốn, mà chính sự khiêm cung làm cho văn chương hay hơn, truyền tải đến người đọc nhiều hơn.”
Mê sách như thế, nên từ khi sang Mỹ bốn năm trước, chị luôn thèm được đọc sách. Mỗi khi biết nhà xuất bản trong nước có sách mới, hay, chị đặt mua và gửi sang Mỹ. Đọc được một cuốn sách hay, chị lại muốn giới thiệu cho mọi người. Từ khi biết nhu cầu đọc sách của một số đông người Việt hải ngoại, chị nghĩ đến việc mở một cửa hàng sách nhỏ, đáp ứng sở thích đọc sách của đồng hương ở khắp các tiểu bang. Tiệm sách Saigon ra đời như thế.
Cửa hàng sách trong căn phòng nhỏ được bài trí ngăn nắp theo hạng mục. Từ tiểu thuyết, văn học, sách dịch, sách về tác giả cho đến những cuốn sách xưa được tái bản. Tôi băn khoăn hỏi chị có lo lắng về văn hoá đọc ngày nay đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi mạng xã hội không? Cửa hàng sách này có “cạnh tranh” được với những đoạn phim nhanh, biểu cảm thay cho câu chữ, hoặc những “YouTuber” chăm chỉ sáng tạo nội dung mới lạ mỗi ngày không? Chị Trang cười và nói, đúng là bây giờ người ta “đọc” qua audio (sách nói), đọc trên mạng, trên YouTube, Kindle. Nhưng vẫn có rất nhiều người khách tìm đến hỏi về một quyển sách sau khi đã nghe từ sách nói, với lý do “mua về để đọc lại kỹ hơn.”
Phần lớn khách tìm đến Tiệm sách Saigon lại là những bạn trẻ. Đó là những bạn lớn lên ở Mỹ không rành tiếng Việt, đến đây hỏi “muốn học tiếng Việt nên bắt đầu từ đâu?”. Chị nói với các bạn, “nếu thích văn học thì đọc vài cuốn ngắn thôi, nhưng mà phải thích cái đã.” Chị giới thiệu những cuốn của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thuỵ, hoặc sách dịch như Chicken Soup…là những tiểu thuyết ngắn, từ ngữ đơn giản, trong sáng, dễ hiểu.
“Bất ngờ là các bạn đó thích đọc sách dịch thể loại tiểu thuyết, chăm sóc sức khoẻ bản thân, phát triển tâm hồn, như cuốn ‘Tâm tĩnh lặng miệng mỉm cười’” chị nói.
Một người khách tìm được cuốn sách ưng ý, với chị đã là một niềm vui. Nhưng chị Trang sẽ vui hơn nữa, khi người khách đó đọc xong cuốn sách, gọi đến cho chị và nói rằng “ôi, cuốn sách hay quá.”
Tất cả những sách trong Tiệm sách Saigon, chị Trang đã đọc hết. “Chính vì vậy mà tôi rất dễ giới thiệu sách nếu có người hỏi,” chị nói. Sách văn học, tiểu thuyết, sách dịch, sách học làm người,…chỉ cần khách hỏi về nội dung muốn tìm là chị có thể tư vấn ngay một cuốn sách đúng ý. Thậm chí, có người khách, cũng là một bạn trẻ, có lần tìm đến hỏi về sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chị đã giới thiệu và tặng cho người khách ấy một cuốn kinh dịch nhỏ. “Sau khi đọc xong, bạn đó gọi lại tôi và hỏi xin mua thêm để tặng cho người thân. Tôi còn ba cuốn, nhưng tôi tặng cho cô bé ấy chứ không bán,” chị kể lại.
Ở thời đại của mạng xã hội ngày nay, nhất là ở một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ kỹ thuật số, kinh doanh cửa hàng sách tiếng Việt là một sự can đảm không nhỏ. Chị Trang và Tiệm sách Saigon của chị vừa là một khởi đầu can đảm, vừa là một lựa chọn mang bản sắc “khiêm cung”, như thể “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ.”
Chị thừa nhận cuộc sống bây giờ cái gì cũng nhanh, ngay cả chính chúng ta, vì nếu không thì chúng ta bị thụt lùi so với những tiến bộ của nhân loại. Do đó, theo chị, đọc sách làm cho chúng ta chậm lại.
“Mỗi ngày nếu chúng ta giành một chút cho việc đọc sách, thì cái nhanh đó sẽ bị kềm lại. Nó kềm lại như vậy, mình sẽ hiểu được những giá trị khác, ví dụ như một chữ “Buông” sẽ làm cuộc đời nhẹ đi nhiều, làm cho mình hạnh phúc hơn. Những cái đó là những suy ngẫm từ sách mà ra,” chị Trang nói. “Không cần đọc gì cao siêu đâu, vài trang sách một ngày cũng có thể làm cho chúng ta chậm lại một chút trong cuộc sống.”
“Không cần đọc gì cao siêu đâu, vài trang sách một ngày cũng có thể làm cho chúng ta chậm lại một chút trong cuộc sống.” |
Một Tiệm sách Saigon nhỏ giữa Hoa Thịnh Đốn, nơi có những trang giấy giúp cho chúng ta “chậm lại” để biết và hiểu thêm nhiều khía cạnh muôn màu của cuộc sống. Nơi đây có một hy vọng, đó là văn hoá đọc chưa bị chôn vùi giữa rừng nền tảng công nghệ của thời đại.