Liên minh ma quỷ Nga-Iran đang hình thành

Cùng “cảnh ngộ” bị Mỹ cấm vận, Teheran và Moscow đang móc ngoặc tạo thành liên minh đối phó phương Tây – ảnh: Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (Fatemeh Bahrami/Anadolu Agency via Getty Images)

Theo các quan chức tình báo phương Tây, Nga bắt đầu sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất trong cuộc chiến Ukraine và Iran đã đề nghị chia sẻ mạng lưới tài chính “đen” của mình để giúp Nga né các lệnh trừng phạt.

Một liên minh bất đắc dĩ!

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chật vật để duy trì bộ máy chiến tranh ở Ukraine sau sáu tháng xung đột khốc liệt, sự trợ giúp mới của Iran có thể là một yếu tố “thay đổi cuộc chơi”. Một quan chức Mỹ cấp cao giải thích:

“Đây không chỉ là một liên minh chiến thuật đơn thuần mà Iran còn là nguồn cung cấp vũ khí và tiền bạc quan trọng khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều từ chối bán vũ khí cho Nga. Iran nắm giữ tất cả các mánh khóe trong ‘sách hướng dẫn’ né trừng phạt của phương Tây và có thể cho Nga khai thác mạng lưới cơ sở hạ tầng ‘đen’ của mình, gồm các công ty vỏ bọc và các tổ chức tài chính bình phong để vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt. Viện trợ tài chính của Iran cho Nga sẽ dễ dàng hơn nếu các lệnh trừng phạt Tehran được Mỹ dỡ bỏ để đổi lấy việc gia hạn thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015”.

The Washington Post cho biết, theo các quan chức tình báo, Iran bắt đầu bổ sung kho vũ khí cạn kiệt của Nga bằng hàng trăm máy bay không người lái “tự sát” kích thước giống chiếc Predator của Mỹ, từng được Iran đã sử dụng thành công ở Iraq và Syria. Thỏa thuận về máy bay không người lái của Nga với Iran là một dấu hiệu nữa cho thấy kho vũ khí của Moscow đang thiếu nghiêm trọng sau sáu tháng xâm lược.

Theo các quan chức tình báo, thoạt đầu Putin do dự tìm đến Tehran vì nghĩ một siêu cường không nên cần sự giúp đỡ từ một người hàng xóm “phiền phức”. “Thay đổi suy nghĩ cho thấy sự tuyệt vọng của người Nga, nhưng họ không còn chọn lựa nào khác – một quan chức Mỹ cấp cao nói – Nga cần bổ sung kho vũ khí từ Iran nhưng bằng cách này Nga cũng tự đặt số phận mình vào một quốc gia bị cô lập và nguy hiểm hơn”.

Được Nga chống lưng để… dọa Mỹ!

Căng thẳng Mỹ-Iran đang leo thang mạnh mẽ, ngay cả khi hai nước dường như sắp đạt được thỏa thuận khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Ngày 15 Tháng Tám, các nhóm khủng bố được Iran hậu thuẫn đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái phức tạp vào một căn cứ của Mỹ ở al-Tanf, miền Nam Syria. Không có người Mỹ nào thiệt mạng hoặc bị thương nhưng đây là cuộc tấn công liều lĩnh. Dĩ nhiên, Mỹ không ngồi yên.

Ngày 23 Tháng Tám, Bộ tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (U.S. Central Command) ra thông báo cho biết đã trả đũa bằng cuộc không kích chính xác vào một căn cứ gần Deir-ez-Zor được sử dụng bởi các nhóm cấu kết với Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (Islamic Revolutionary Guard Corps-IRGC). “Chúng tôi sẽ bảo vệ người dân của mình và tấn công những kẻ có trách nhiệm, kể cả IRGC, nếu chúng tiếp tục khiêu khích” – một quan chức Mỹ cấp cao nói. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo trong hơn một tháng nay về nguy cơ Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga.

Tháng Bảy qua, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói với CNN: “Iran đang chuẩn bị cung cấp cho Nga vài trăm UAV, gồm cả UAV mang vũ khí và một phái đoàn Nga đã đến tham quan một khu trưng bày máy bay không người lái tại một sân bay của Iran”. “Trên thực tế, người Nga đang gấp rút đưa các máy bay không người lái của Iran ra chiến trường. Trong vài tuần qua, binh lính Nga đã sang Iran để tập vận hành UAV theo thỏa thuận chuyển giao” – một phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) nói và lưu ý trong tháng này Nga đã phóng vệ tinh do thám Khayyam của Iran lên quĩ đạo.

Theo một bài báo đăng ngày 23 Tháng Tám trên trang Politico, để mở rộng quan hệ kinh tế với Iran và xây dựng kế hoạch chung né các lệnh trừng phạt, Nga đã cử các giám đốc điều hành của Gazprom và một số công ty khác đến Tehran. Các quan chức kinh tế Iran cũng đến thăm Moscow trong các chương trình trao đổi. “Iran nhập khẩu dầu thô của Nga đến bờ biển phía Bắc Biển Caspi và sau đó bán giùm Nga lượng dầu thô này bằng các tàu chở dầu của Iran rời Vịnh Ba Tư” – Politico viết.

Khởi động lại thỏa thuận hạt nhân còn xa vời

Liên minh Moscow-Tehran đang hình thành được xem một trở ngại mới cho việc gia hạn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Các quan chức Mỹ vẫn tin rằng việc  ngăn cản Iran làm giàu uranium sẽ giúp bảo vệ an ninh của cả Hoa Kỳ và Israel. Tuy nhiên, Tehran đã yêu sách một số nhượng bộ nằm ngoài khuôn khổ của thỏa thuận mà chính quyền Biden không đồng ý thực hiện. Yêu cầu quan trọng nhất của Iran với Mỹ là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA ở Vienna phải ngừng điều tra các địa điểm hạt nhân chưa được khai báo. “Sẽ không có thỏa thuận nào được thực hiện nếu IAEA không đóng vĩnh viễn các hồ sơ cáo buộc giả” – phát ngôn viên đoàn đàm phán Iran viết trên Twitter ngày 13 Tháng Tám.

Một ngày trước đó, ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc IAEA khẳng định cơ quan của ông sẽ không dừng cuộc điều tra trừ khi Iran hợp tác đầy đủ. “Phía Iran hãy cho chúng tôi những câu trả lời cần thiết cả con người và địa điểm liên quan để chúng tôi có thể làm rõ những điều phải làm rõ” – Grossi nói. Rõ ràng, Mỹ không sẵn sàng nhượng bộ Iran cuộc điều tra của IAEA. Điều phối viên NSC của Toà Bạch Ốc John Kirby tuyên bố vào ngày 24 Tháng Tám:

“Chúng tôi đã thông báo với Iran, cả công khai và riêng tư, rằng họ phải trả lời các câu hỏi của IAEA. Quan điểm của chúng tôi vẫn không thay đổi”. Hai yêu cầu khác của Iran cũng không được đáp ứng: Tehran yêu cầu Washington loại IRGC khỏi danh sách các nhóm khủng bố và Iran muốn chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ không rút khỏi thỏa thuận, như cựu Tổng thống Donald Trump đã làm (Tổng thống Biden không có quyền làm điều này và Quốc hội Hoa Kỳ cũng không thể).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: