Sau cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II, nhiều người Ấn Độ đang đòi trả lại viên kim cương Kohinoor. Nhưng không dễ dàng như thế!
Lịch sử của Kohinoor
Ngay sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời, từ “Kohinoor” bắt đầu thịnh hành trên mạng xã hội Twitter của Ấn Độ. Đó là tên quen thuộc của một trong những viên đá quý nổi tiếng nhất thế giới. Viên kim cương Kohinoor là một trong 2,800 viên đá được gắn trên chiếc vương miện được chế tác cho mẹ của Elizabeth II. Có màu rực rỡ hình bầu dục 105 carat, đây là viên ngọc quý nhất trên vương miện. Khi được tìm thấy ở nơi hiện nay là bang Andhra Pradesh trong triều đại Kakatiyan thế kỷ 12-14, viên đá kích cỡ đến 793 carat.
TIME cho biết, những người sở hữu đầu tiên viên đá quý là các Mogul vào thế kỷ 16. Sau đó, người Iran chiếm giữ nó, rồi đến người Afghanistan. Rồi Ranjit Singh mang viên đá trở lại Ấn Độ sau khi lấy nó từ nhà lãnh đạo Afghanistan Shah Shujah Durrani trước khi nó được người Anh mua lại trong lúc thôn tính và thuộc địa hóa bang Punjab. Công ty Đông Ấn làm chủ viên đá quý vào cuối thập niên 1840, sau khi buộc tiểu vương 10 tuổi Maharajah Dunjeep Singh phải giao nộp đất đai và tài sản của mình.
Sau đó công ty tặng viên đá quý cho Nữ hoàng Victoria. Hoàng thân Albert, chồng bà, yêu cầu đẽo gọt viên đá quý và gắn trên vương miện của Hoàng hậu Alexandra (vợ vua Edward VII) và Hoàng hậu Mary (vợ của Hoàng đế George V) trước khi được đội lên vương miện của Thái hậu Elizabeth (vợ vua Gerge VI) năm 1937. Thái hậu đã đội vương miện tại lễ đăng quang của con gái bà, Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1953.
Kohinoor thuộc sở hữu kho trang sức Hoàng gia Anh kể từ đó, nhưng các chính phủ ở Iran, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ đều tuyên bố sở hữu viên kim cương này nên việc xác định chủ nhân Kohinoor là một vấn đề gây tranh cãi về ngoại giao của Vương quốc Anh. Mặc dù không có kế hoạch nào cho tương lai của viên đá quý được tiết lộ, nhưng triển vọng về việc nó sẽ tồn tại ở Vương quốc Anh đã khiến nhiều người dùng Twitter ở Ấn Độ đòi trả lại.
Một người viết: “Nếu Nữ hoàng không còn mang Kohinoor, hãy trả lại nó”. Một người khác nói rằng viên kim cương đã bị đánh cắp bởi người Anh, đất nước đã “tạo ra của cải từ cái chết nạn đói và cướp bóc”. Đây không phải là lần đầu tiên có người đòi trả lại viên kim cương. Sau khi Ấn Độ độc lập vào năm 1947, chính phủ Ấn đã yêu cầu trả lại nó. Ấn Độ đưa ra một yêu cầu khác vào năm đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II nhưng Vương quốc Anh cho rằng không có cơ sở pháp lý nào để trả Kohinoor cho Ấn Độ. Tác giả người Anh-Ấn và nhà bình luận chính trị Saurav Dutt nhận định: “Cơ hội để Vương quốc Anh trả lại viên đá quý là rất mong manh!”.
Cuộc phiêu lưu của Kohinoor
1739: Viên kim cương Kohinoor ngự trên đầu một trong những con công trên Ngai vàng Peacock (Peacock Throne) của vua Shah Jahan. Trước đó, Nader Shah xâm lược Delhi, Ấn Độ và quay về quê hương Iran cùng với chiến lợi phẩm vô giá, trong đó có Peacock Throne và tất cả kho báu của tám thế hệ Mughal rồi trưng bày tại thành phố Herat.
1747: Khi Nader Shah bị sát hại bởi người quản gia cũng là trưởng cận vệ của gia đình, một cuộc cướp bóc và giết người điên cuồng diễn ra sau đó. Số phận của Kohinoor ra sao vào thời điểm này từ lâu đã là một bí ẩn. Nhưng một nguồn tin Afghanistan chưa được biết trước đây đưa ra câu trả lời:
Ahmad Khan Abdali, vị tướng Afghanistan đáng tin cậy và cao cấp nhất của Nader Shah, được tặng viên kim cương Kohinoor và viên ruby Timur, cả hai đều được gỡ từ Ngai vàng Peacock bởi đệ nhất phu nhân trong hậu cung như phần thưởng cho việc canh giữ hậu cung an toàn và chế ngự những tên cướp nổi loạn sau vụ ám sát. Ahmad Khan Abdali đeo Kohinoor trên băng tay khi chuyển đến thành phố Kandahar. Ở đó, ông lên ngôi và thành lập một vương quốc mà theo thời gian trở thành một quốc gia mới, Afghanistan, nơi Kohinoor tồn tại trong 70 năm tiếp theo.
Khoảng 1772: Ahmad Shah Abdali qua đời. Timur Shah, con trai kế vị và là chủ mới của viên kim cương Kohinoor.
1793: Timur Shah chết, có thể là do bị đầu độc; 24 người con trai sa lầy vào cuộc chiến tranh giành quyền kế vị. Dưới sự cai trị của người kế vị Shah Zaman, đế chế bắt đầu tan rã. Shah Zaman đặt Lahore dưới quyền thống đốc của Ranjit Singh.
1800: Shah Zaman bị bắt, tống vào ngục tối và bị làm mù mắt bởi một thủ lĩnh người Afghanistan. Ông giấu Kohinoor vào vết nứt trên tường phòng giam.
1803: Shah Shuja, anh trai của Shah Zaman lên nắm quyền. Một trong những hành động đầu tiên của ông ta là tìm kiếm Kohinoor và viên đá quý được tìm thấy trên bàn làm việc của một cô gái sử dụng nó làm cái chặn giấy. Shah Shuja đeo viên đá quý trên tay khi đến Kabul.
1809: Sau đó Shah Shuja và người anh mù Shah Zaman sống trong cảnh lưu vong ở nước ngoài. Shuja mang theo Kohinoor mọi lúc mọi nơi.
Khoảng 1810: Shah Shuja bị thống đốc Kashmir bắt giam. Vợ của Shah Shuja, ở Lahore đạt được thỏa thuận với Ranjit Singh: Kohinoor sẽ thuộc về Ranjit nếu ông ta giải cứu được Shuja.
1813: Ranjit Singh giải cứu thành công Shah Shuja, nhưng Shuja muốn giữ Kohinoor. Tất cả các chiến thuật gây áp lực được triển khai, gồm cả việc nhốt Shuja vào lồng và tra tấn con trai trước mặt ông ta. Cuối cùng, Shuja cũng giao Kohinoor cho Ranjit Singh để đổi lấy một tình bạn, tiền bạc và gia sản. Viên kim cương vẫn ở bên người Sikh trong 36 năm tiếp theo và trở thành biểu tượng cho chủ quyền của họ.
1849: Cậu bé 10 tuổi Duleep Singh, con trai của Ranjit Singh, người kế vị ngai vàng của cha sau khi ba người anh em cùng cha khác mẹ thiệt mạng, bị buộc phải giao Kohinoor cho người Anh như một phần của Hiệp ước Lahore.
Tháng Hai, 1850: Kohinoor đến Bombay và được cất giữ tại kho bạc Bombay chờ đến London.
Tháng Tư, 1850: Kohinoor được đưa lên con tàu The Medea. Con tàu dừng lại ở Mauritius trên đường đến Plymouth.
Tháng Sáu, 1850: Medea chuyển sang Plymouth. Kohinoor được đưa đi trên một chuyến tàu đặc biệt đến London, nơi nó được lưu giữ tại trụ sở chính của Công ty Đông Ấn trên phố Leadenhall trước khi được trình lên Nữ hoàng Victoria hai ngày sau đó.