Sau nửa thế kỷ xây dựng một công ty chuyên về áo quần chống lạnh có cái tên quen thuộc Patagonia, gia đình tỷ phú Yvon Chouinard quyết định từ bỏ sản nghiệp trị giá tới $3 tỷ. Nhưng thay vì bán công ty cho người khác hoặc đưa nó lên sàn chứng khoán, họ đã quyết định chuyển toàn quyền sở hữu công ty cho một tổ chức phi lợi nhuận và một quỹ ủy thác (trust) thực hiện các dự án chống biến đổi khí hậu và bảo vệ các vùng đất nguyên sơ khắp địa cầu.
Với việc hiến tặng toàn bộ gia sản cho hoạt động xã hội ngay khi còn sống, gia đình Chouinard đã trở thành một trong các gia đình từ thiện (charitable families) lớn nhất nước Mỹ, theo tường trình của báo The New York Times.
Hành động hi hữu của gia đình Chouinard – gồm ông Yvon, vợ ông Malinda và hai người con đã trưởng thành Fletcher và Claire – xảy ra vào lúc xã hội ngày càng soi mói các đại công ty và các tỷ phú – những người nói rất hay về việc làm cho thế giới tốt đẹp hơn nhưng thực tế lại góp phần tạo ra những vấn đề mà họ muốn giải quyết. Nó cũng phản ánh quan niệm lâu đời của ông Yvon về các quy tắc kinh doanh và tình yêu bền bỉ của ông đối với môi trường sinh thái. “Hy vọng việc này sẽ ảnh hưởng tới một hình thức mới của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản sẽ không kết thúc với vài người giàu và vô số người nghèo. Chúng tôi đang cho đi số tiền tối đa đến những người đang làm việc tích cực để cứu hành tinh này,” ông Chouinard, 83 tuổi, nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Sau khi gia đình Chouinard chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu, công ty Patagonia vẫn tiếp tục hoạt động với tư cách một doanh nghiệp tư nhân, vì lợi nhuận, có trụ sở tại quận hạt Ventura, bang California. Mỗi năm công ty bán ra thị trường hơn $1 tỷ các mặt hàng áo khoác, mũ và quần mặc trượt tuyết.
Hồi Tháng Tám, gia đình Chouinard đã ký văn bản chuyển nhượng không hủy ngang chuyển toàn bộ cổ phần có quyền biểu quyết – tương đương 2% tổng số cổ phần của công ty Patagonia – cho một pháp nhân mới thành lập là Quỹ Tín thác Patagonia Purpose Trust (PPT) do các thành viên gia đình Chouinard và cố vấn của họ giám sát. Quỹ PPT bảo đảm công ty Patagonia sẽ làm đúng cam kết là một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và cho đi toàn bộ lợi nhuận của mình.
Gia đình Chouinard tặng 98% số cổ phần còn lại, gọi là cổ phần phổ thông, cho một tổ chức phi lợi nhuận cũng mới thành lập, có tên là Holdfast Collective. Tổ chức phi lợi nhuận này sẽ tiếp nhận toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh của công ty Patagonia, dự tính vào khoảng $100 triệu mỗi năm, để sử dụng cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu. Là tổ chức phi lợi nhuận theo quy chế 501(c) của luật pháp Mỹ, tổ chức này có thể đóng góp tài chính không hạn chế cho các hoạt động chính trị.
Theo ông David Callahan, người sáng lập trang web Inside Philanthropy, gia đình Chouinard là “một ngoại hạng”. Phần lớn các tỷ phú khác chỉ cho đi một phần nhỏ tài sản của họ mỗi năm. “Ngay cả những người đã ký Giving Pledge (Cam Kết Cho Đi – một hoạt động do hai tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng, vận động các tỷ phú khắp thế giới hiến tặng một phần tài sản cho các quỹ xã hội) cũng không cho toàn bộ tài sản như vậy, và mỗi năm họ lại càng giàu có hơn,” ông Callahan nói.
Công ty Patagonia đã trao cho tổ chức Holdfast Collective $50 triệu và dự tính sẽ đóng góp tiếp $100 triệu trong năm nay, biến tổ chức mới này thành một tác nhân quan trọng trong lĩnh vực từ thiện về khí hậu.
Ông Dan Mosley – một đối tác của ngân hàng thương mại BDT & Co, thường làm việc với các khách hàng siêu giàu như Warren Buffett và là người giúp công ty Patagonia lập các tổ chức mới – nói trong sự nghiệp hơn 30 năm làm quản lý tài sản, ông chưa từng gặp một câu chuyện như thế này. “Đây là một cam kết không hủy ngang. Họ [gia đình Chouinard] không thể lấy công ty lại. Và họ cũng không muốn lấy lại,” ông Mosley nói.
Nhưng đối với ông Chouinard, vấn đề thật đơn giản. “Tôi không biết phải làm gì với công ty bởi vì tôi chưa bao giờ muốn sở hữu một công ty. Tôi không muốn làm một doanh nhân. Bây giờ thì tôi có thể chết trong ngày mai mà công ty vẫn tiếp tục làm những điều đúng đắn trong 50 năm nữa mà tôi không cần phải có mặt,” ông nói từ nhà mình ở Jackson, bang Wyoming.
***
Không giống các tỷ phú khác, ông Chouinard sống một cuộc đời thật giản dị. Từ thập niên 1960 ông đã là người leo núi tiên phong ở Thung lũng Yosemite của California; ông thường ngủ trong xe và ăn những món đồ hộp hư hỏng dành cho mèo mà ông mua với giá 5 xu (cent) mỗi hộp. Ngay cả hiện nay, khi đã là một trong những người giàu nhất thế giới, ông vẫn mặc quần áo cũ sờn, lái một chiếc Subaru cổ lỗ, không có cả máy computer và điện thoại di động. “Tôi được tạp chí Forbes liệt kê là một tỷ phú, điều đó thật sự làm tôi bực mình. Tôi không có tới $1 triệu trong nhà băng và tôi cũng không lái xe Lexus,” ông nói.
Công ty Patagonia mà ông thành lập năm 1973 phản ánh lý tưởng của chính ông và cả của vợ ông. Đây là công ty tiên phong làm các việc mới lạ như sử dụng vải cotton hữu cơ và lập cơ sở giữ trẻ ngay trong nhà máy. Trong nhiều thập niên qua, Patagonia đều biếu tặng 1% doanh thu mỗi năm cho các nhà hoạt động môi trường ở cơ sở, thậm chí đã đứng đơn kiện chính phủ của Tổng thống Donald Trump để bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên Bears Ears National Monument ở tiểu bang Utah khi chính phủ muốn lấy đất khu bảo tồn để cho thuê khai thác dầu khí.
Rồi khi doanh số của Patagonia tăng vọt, tài sản của ông Chouinard cũng tăng theo và ông trở thành “tỷ phú bất đắc dĩ”. Bực mình với việc nêu tên trong danh sách tỷ phú, rồi sự thảm khốc của đại dịch COVID, ông bày tỏ với các cố vấn ý định từ bỏ công ty. Nhiều lựa chọn được đội ngũ cố vấn thân cận đem ra bàn bạc: họ muốn ông giao công ty Patagonia cho hai người con Fletcher và Claire [nhưng hai người này không nhận]; họ muốn biến công ty thành hợp tác xã mà công nhân đồng thời là chủ sở hữu, đưa công ty lên sàn chứng khoán biến thành công ty đại chúng, biến thành một tổ chức phi lợi nhuận v.v… nhưng không có lựa chọn nào là tối ưu.
Ông Chouinard thì chỉ muốn Patagonia vẫn là doanh nghiệp đặt ưu tiên vào những chuyện như chăm lo đời sống cho người lao động và đóng góp vào các chương trình chống biến đổi khí hậu – những thứ không có trong hoạt động của một doanh nghiệp thông thường. “Tôi không chút nào tôn sùng thị trường chứng khoán. Một khi đã trở thành đại chúng, bạn sẽ mất quyền kiểm soát công ty, bạn sẽ phải mang lại lợi nhuận tối đa cho các cổ đông. Và thế là bạn trở thành một trong những công ty vô trách nhiệm ở ngoài kia”, ông Chouinard nói.
Cuối cùng, sau một cuộc họp kéo dài suốt ngày tại trụ sở công ty ở Ventura, cả bốn thành viên gia đình Chouinard và ban cố vấn đã đi đến quyết định như trình bày trên: Công ty Patagonia vẫn là một doanh nghiệp làm ra lợi nhuận nhưng đồng thời thực hiện những tham vọng cao cả của nhà sáng lập và tham gia chống biến đổi khí hậu.
Ông Chouinard cho biết thêm rằng, lợi nhuận của Patagonia sẽ được tổ chức Holdfast Collective phân bổ cho các giải pháp chống biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên như bảo tồn các vùng đất hoang và không loại trừ việc tài trợ cho các chiến dịch chính trị chống ô nhiễm môi trường sinh thái.
“Với tôi, đó là một giải pháp lý tưởng,” ông Chouinard nói.
Đọc thêm: