Sáng ngày 15 Tháng Mười 2022, lễ trao giải cuộc thi viết Muôn Nẻo Đường Đời đã được tổ chức long trọng trong không khí thân tình tại tòa soạn báo Người Việt/Saigon Nhỏ.
Gần 80 người đã đến dự buổi lễ phát giải trong đó có Chánh án Nguyễn Trọng Nho, Giáo sư Vân Bằng, ông Phạm Phú Minh, cùng nhiều các nhà văn, nhà báo trong cộng đồng. Và đặc biệt có sự góp mặt của một số tác giả dù ở xa nhưng cố gắng về dự, trong đó có ông bà Nguyễn Công Khanh ở tiểu bang Washington, ông bà Triều Phong ở Ohio, ông bà Trần Thị Nhật Hưng ở Thụy Sĩ…
Bà Hoàng Vĩnh, Tổng Giám Đốc Công ty Truyền thông Người Việt cho biết, hầu hết những người nhận được thơ mời đều hiện diện, trừ một số người tham gia cuộc thi đoạt giải ở xa không đến được.
“Dù có lời khuyến cáo dịch bệnh COVID-19 vẫn còn, nhưng sự hiện diện đông đảo của quý vị là niềm khích lệ để chúng tôi tiếp tục tổ chức những cuộc thi kế tiếp nhằm giữ gìn, lưu truyền và phát huy nền văn học VNCH tự do, sáng tạo và nhân ái,” bà Hoàng Vĩnh nói.
Khi công bố kết quả (được giữ bí mật đến phút cuối), Giáo sư Quyên Di, Chánh chủ khảo cuộc thi chia sẻ: “Đọc gần 170 tác phẩm dự thi, chúng tôi cùng vui buồn với từng câu chuyện, nhưng có lẽ rơi nước mắt nhiều hơn những nụ cười”.
Bác Nguyễn Công Khanh đến từ tiểu bang Washington cho biết, khi nghe bài của mình vào vòng chung kết, bác cùng vợ vội book vé máy bay để có mặt trong ngày công bố giải thưởng; và càng bất ngờ khi biết rằng mình là người đoạt Giải Nhất với giải thưởng trị giá $5,000. “Bài viết của tôi là câu chuyện thật, tôi không thêm thắt, thậm chí còn làm nhẹ bớt nhiều chi tiết. Tôi nghĩ các tác giả khác cũng viết trong tâm trạng như tôi, rất đời thường, khiến đọc bài dự thi nào đăng trên Saigon Nhỏ, tôi đều không cầm được nước mắt”.
Từ Thụy Sỹ đến California dự buổi lễ, tác giả Trần Thị Nhật Hưng (bút danh TTNH) kể, bạn bè biết tác phẩm của bà được chọn vào vòng chung kết, và thấy bà mua vé, khuyên bà suy nghĩ kỹ, vì nếu bà chỉ được giải thấp thì sẽ… lỗ nặng, nhưng bà nói: “Tôi viết văn vì đam mê. Mà niềm đam mê là vô giá.” Bà rất vui vì cuộc thi tạo cơ hội cho bà trải lòng – một chứng nhân cho trang sử Việt Nam ở giai đoạn đau thương nhất. “Hơn nữa, nhờ bài được đăng trên Saigon Nhỏ mà tôi tìm lại được nhiều người thân, bạn bè sau nhiều năm xa cách,” bà nói.
Tường thuật của phóng viên SGN Đoan Trang
_______________
Muôn Nẻo Đường Đời là chương trình thi viết do Saigon Nhỏ tổ chức từ ngày 15 Tháng Bảy 2021 đến ngày 15 Tháng Bảy 2022. Với 169 bài viết đăng trên saigonnhonews.com, Muôn Nẻo Đường Đời gồm nhiều đề tài, từ những ký ức đắng cay trong trại tù cộng sản; những hồi tưởng vượt biển tìm tự do; những năm tháng vất vả trong trại tỵ nạn; những ngày đầu tha hương mà hành trang, ngoài bàn tay trắng, không gì hơn là nỗi nhớ nhà lẫn người thân; những hành trình vượt qua nghịch cảnh; đến những hồi tưởng về cha và mẹ… Dù chủ đề đa dạng nhưng nội dung lớn nhất vẫn là sự thể hiện hai chữ “Khát Vọng” – khát vọng dựng lại đời trên muôn nẻo dặm trường.
Điều đọng lại lớn nhất của chương trình Muôn Nẻo Đường Đời, nhìn ở góc độ rộng, là cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại một lần nữa cho thấy rằng, một khi cùng chung sức, chúng ta không chỉ gìn giữ di sản văn hóa mà còn góp phần xây dựng nên một nền văn chương “Việt Nam Mới” bên ngoài Việt Nam, một nền văn chương phi cộng sản, một nền văn chương đậm đặc tinh thần tự do vốn tưởng chừng biến mất sau thời điểm 1975. Một số bài viết thật sự mang đến cảm giác đó là những tác phẩm văn học – những tác phẩm phi hư cấu mang nét màu văn học. Có rất nhiều bài viết như vậy trong Muôn Nẻo Đường Đời.
Trong quá trình thực hiện chương trình thi viết Muôn Nẻo Đường Đời, Saigon Nhỏ không thể không có khiếm khuyết. Chúng tôi chân thành xin lỗi nếu có bất kỳ sai sót nào phiền lòng các tác giả lẫn độc giả. Một lần nữa, chúng tôi cám ơn tất cả tác giả và độc giả đã theo dõi và ủng hộ chương trình. Và như chúng tôi có nhắc trong Lời giới thiệu của tuyển tập 50 tác phẩm xuất sắc nhất của chương trình, chúng tôi đặc biệt cám ơn tất cả nhân vật được nhắc đến trong những bài viết của Muôn Nẻo Đường Đời.
Thay mặt Ban tổ chức
Mạnh Kim
__________
__________
Tác phẩm đoạt Giải Nhất là Câu chuyện của một Người Chị. “Người chị” trong bài viết không chỉ là một con người cụ thể với số phận trôi nổi mà còn là hình ảnh một con thuyền nhỏ mang theo nhiều thân phận khác, một cách trực tiếp hay gián tiếp, trôi trên dòng sông lịch sử Việt Nam suốt từ những năm chống Pháp đến những ngày sau 1975. Mái chèo thời cuộc không chỉ đưa con thuyền trôi giạt theo những phương hướng bất ngờ mà còn đẩy con thuyền xa khỏi quê hương. Những gì được kể trong bài viết – như tác giả nói, rất xứng đáng dựng thành kịch bản điện ảnh – cho thấy một câu chuyện tình nhưng những ly hợp trong đó đều đến không hẳn từ sự chọn lựa cá nhân mà từ những hỗn loạn thời cuộc tạo ảnh hưởng đến không biết bao nhiêu số phận. Đó là một câu chuyện “phim” mà những “diễn viên” được dẫn dắt bởi một “đạo diễn” mang tên Lịch-Sử-Việt-Nam…
Tác phẩm đoạt Giải Nhì là Hoa rụng ven đường, kể lại giai đoạn mà “thế hệ chúng tôi bị liệng vào chiến trường Tây Nam mịt mù khói lửa, ngập tràn thuốc súng này như người ta quăng miếng thịt lên vỉ nướng vậy”. “Hoa rụng ven đường” là những thước phim sống động miêu tả một Sài Gòn sau 1975 trong đó những người trẻ tuổi bỗng chốc đối mặt những gì họ chưa bao giờ có thể hình dung và nhận ra rằng tương lai họ là một khoảng trống vô định. Câu chuyện bắt đầu từ những tình tiết nhẹ nhàng lãng mạn của một thời học trò nhưng kết thúc vô cùng bất ngờ, với một “đóa hoa” rơi…
Tác phẩm đoạt Giải Ba là Một người không chân nhưng đứng rất cao. Đây là câu chuyện điển hình của yếu tố “muôn nẻo đường đời”: Kể về một nạn nhân chiến tranh do mìn cộng sản; về một cuộc tình “cổ tích”; và về một nghị lực phi thường…
_____________
5 tác phẩm đoạt Giải Khuyến khích
–HỒN THIÊNG SÔNG NÚI ĐÃ ĐÓN ANH VỀ ĐẤT MẸ
–TỪ CẬU BÉ CHĂN TRÂU ĐẾN TIẾN SĨ KINH TẾ
_____________
8 tác giả đoạt chung kết cuộc thi Muôn Nẻo Đường Đời
Tôi sanh năm 1936 tại Hà Nội. Tốt nghiệp khóa 6 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1962. Sau đó, tốt nghiệp khóa 3 Chuẩn Úy Hiện Dịch tại Quân Trường Đồng Đế cùng năm. Đã hồi hưu và cùng gia đình sống ở Seattle nhiều năm.
___________
Tôi tên Trần Phương Ngôn, sinh tại Bình Hòa Xã, Gia Định, Sài Gòn. Học sinh trường Lasan Taberd 1966-1976; học sinh trường Trần Quốc Tuấn (Lasan Đức Minh cũ) sau khi Taberd bị giải thể cuối năm 1976. Trong 10 năm, từ 1979-1989, tôi nhiều lần vượt biển thất bại và có gần sáu năm ở trại cải tạo sau ba lần bị bắt. Năm 1989, tôi đến bến bờ tự do và ở trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) của Phi Luật Tân gần mười một năm.
Cuối năm 1999, tôi định cư tại Hoa Kỳ qua sự bảo lãnh của Hòa Thượng Thích Giác Lượng cùng các ân nhân khác như TS Nguyễn Đình Thắng, giám đốc tổ chức BPSOS; anh Trần Quang Nhân, cô Hằng Phương, Linh Mục Joseph Vũ Đảo, LS Nguyễn Hoàng Vũ, LS Nguyễn Quốc Lân, LS Trịnh Hội… Hiện gia đình tôi cư ngụ tại Ohio. Sở thích: Viết văn, đánh đàn, du lịch… Bút hiệu: Triều Phong.
___________
Tôi không phải là người cầm bút chuyên nghiệp. Tôi chỉ viết lại những ý tưởng mộc mạc khi có cảm xúc chân thành trước những cái đẹp trong cuộc sống. Mỗi con chữ của tôi luôn là tiếng lòng chân tình. Ngoài sở thích viết đôi ba hàng vụn vặt, hạnh phúc của tôi đơn giản chỉ là việc bếp núc, trồng cắm hoa, chăm chút cho ngôi nhà nhỏ của mình luôn ấm áp; hoặc là những lúc được trầm mình trong cái đẹp thiên nhiên. Tôi nghĩ Thượng đế không ban cho ai mọi điều mà cũng không lấy của ai tất cả. Mong mỗi người trong chúng ta cảm nhận được điều hạnh phúc và may mắn của riêng mình, để luôn thấy cuộc đời có biết bao nhiêu điều để mến, để thương.
___________
Tôi sinh năm 1953; học Đại học Văn khoa Sài Gòn niên khóa 1974-1975; định cư tại Thụy Sĩ năm 1982; hiện về hưu. Từ 1984 đến nay, tôi cộng tác với Phụ Nữ Diễn Đàn, Việt Nam Tự Do, Đẹp (Hoa Kỳ); Lửa Việt (Canada); Tin Văn (Pháp); Viên Giác (Đức). Tác phẩm đã xuất bản:
– 1991: Truyện Hay Hải Ngoại – Tập truyện viết chung với những cây bút hải ngoại.
– 1993: Giấc Mơ Xưa – Tập truyện ngắn.
– 2002: Giải nhất và hai giải khuyến khích trong cuộc thi Viết Về Âu Châu do chùa Viên Giác Đức quốc tổ chức – Tập truyện viết chung với nhiều cây bút Âu Châu.
– 2008: Những Cây Bút Nữ Báo Viên Giác (Tập 1) – Tập truyện viết chung với những cây bút nữ báo Viên Giác.
– 2012: Tuổi Hồng Con Gái – Truyện dài.
– 2014: Những Cây Bút Nữ Báo Viên Giác (Tập 2) – Tập truyện viết chung với những cây bút nữ báo Viên Giác.
– 2017: Cô Gái Gò Công – Truyện dài.
– 2019-2022: Đặc San Văn hóa Phật giáo Việt Nam (Tập 1,2,3,4) – Đặc san viết chung với nhiều cây bút hải ngoại.
– 2021: Das Mädchen aus Gò Công (tiếng Đức, do Dr. Thành Nguyễn – Brem và Phí Thị Lan Hương, nhà xuất bản Hương Sen dịch từ tác phẩm “Cô Gái Gò Công”).
– 2022: Đoạt ba giải sơ kết trong cuộc thi “Muôn Nẻo Đường Đời” do báo Saigon Nhỏ tổ chức, với các bài: Ký Ức Về Ba Tôi- Ông Tổ Bánh Mì Quảng Ngãi (bút hiệu Hoa Hướng Dương); Nghịch Cảnh Ở Ai (bút hiệu TTNH); Từ Cậu Bé Chăn Trâu Đến Tiến Sĩ Kinh Tế (bút hiệu TTNH).
___________
Tôi hiện sống tại Montreal, Canada, chưa bao giờ trở về thăm lại quê hương Việt Nam, vì những nỗi ám ảnh, sợ hãi không bao giờ dứt trong tôi khi còn trẻ, và những ngày tháng vượt biển khó khăn… Tôi vừa về hưu non đầu năm 2022, vì muốn dành thời gian riêng để đi du lịch, viết sách báo…, nhất là chăm sóc gia đình… Tôi đã được giải của hội Văn Thơ Lạc Việt ba lần. Ngoài ra tôi cũng được một số giải khác như của Thời Báo Montreal, Thời báo Toronto và Việt Báo (Mỹ). Tôi là chủ bút báo Ngọn Đuốc tam cá nguyệt ở Montreal từ 15 năm nay.
___________
Tôi sinh năm 1950. Hiện về hưu. Cư trú tại Escondido (San Diego). Trước 1975, tôi là sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, tôi bị bắt đi “học tập cải tạo”. Năm 1993, tôi định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Tôi từng tham gia chương trình Viết Về Nước Mỹ của tờ Việt Báo và nhận giải Danh Dự-Viết Về Nước Mỹ 2012.
___________
Tôi sinh năm 1959, quê quán Điện Bàn, Quảng Nam; theo học Nữ Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng (trước 1975); Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng (sau 1975). Đến Hoa Kỳ cùng thân phụ và ba người em năm 1994, diện H.O. Hiện là nhân viên kiểm tra bản in (Proof Reader) cho Công ty Scientific Games. Tôi thích đọc sách, viết văn từ bé. Nhiều năm qua, tôi tham gia sinh hoạt văn chương của trường xưa lớp cũ; góp bài cho Đặc San Sông Thu Atlanta GA, tuần báo Trẻ GA, Saigon Nhỏ, Việt Life GA, Việt Báo… Tất cả các bài viết xoay quanh đời sống, kỷ niệm thời đi học, những gian nan từng trải qua với thái độ lạc quan. Tôi từng nhận Giải Đặc Biệt cuộc thi Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo bình chọn năm 2017.
___________
Tôi sinh năm 1959, hiện sống tại San Jose, Bắc Cali và làm kỹ sư điện tử cho công ty Enel. Bài viết của tôi trong chương trình Muôn Nẻo Đường Đời (Hồn thiêng sông núi đã đón anh về đất mẹ) là câu chuyện có thật, xảy ra vào thập niên 1980, và tôi chỉ là người thuật lại. Tôi mong những sự hy sinh vì hai chữ Tự Do cao quý sẽ không bị quên lãng theo dòng thời gian. Tôi xin báo Saigon Nhỏ gởi tặng hiện kim mà bài viết này đạt được, cho dù nhiều hay ít, cho chương trình trùng tu lại mộ bia những chiến sỹ đã nằm xuống tại nghĩa trang Quân Đội. Dù thế nào đi nữa thì khoảnh khắc này sẽ vẫn là một bóng mát trên con đường đời tôi đang đi, xin chân thành cám ơn Saigon Nhỏ đã cho tôi có được cơ hội này. Cảm ơn tòa soạn thật nhiều, và mong Saigon Nhỏ luôn được vững mạnh, vững tâm trên con đường dấn thân phục vụ cộng đồng. Trân trọng.
___________