Khi vừa hạ cánh xuống phi trường College Park, cô gái rời chiếc phi cơ, cầm gậy dò từng bước về phía những người ủng hộ.
Đó là phi công Kaiya Armstrong, 22 tuổi, một cô gái khiếm thị, vừa hoàn thành hành trình xuyên Mỹ kéo dài năm ngày một cách thành công. Cô được gia đình, bạn bè và những người cổ vũ tán dương, hò reo chúc mừng.
Chuyến hành trình của Armstrong trên chiếc Cessna 172 Skyhawk 4 chỗ ngồi, một động cơ – một loại phi cơ hạng nhẹ, từ Phoenix, Arizona đến New Mexico, qua miền Trung Tây rồi theo hướng Đông Nam, và ở chặng cuối, từ tiểu bang Kentucky đến College Park, Maryland, tổng cộng gần 2,000 dặm.
Tất nhiên một người khiếm thị không thể tự lái phi cơ một mình. Đồng hành với Armstrong là Tyler Sinclair-phi công phụ nhưng là thầy của cô, cung cấp các thông tin quan trọng để từ đó cô điều khiển phi cơ. Armstrong đưa chiếc phi cơ hạ cánh an toàn vào ngày 12 Tháng Mười vừa qua, sớm hơn một ngày so với kế hoạch vì cô muốn đẩy nhanh lịch trình do dự báo thời tiết xấu. Theo kế hoạch, chuyến hành trình của cô gái khiếm thị kết thúc vào ngày 13 Tháng Mười – Ngày Thị giác Thế giới.
Giám đốc điều hành Cơ quan Phòng chống Mù lòa Quốc tế (IAPB), Marc Ashton cho biết chuyến bay của Armstrong được Tổ chức vì Trẻ em Khiếm thị tài trợ, được thiết kế để truyền cảm hứng cho người mù hoặc người gặp hạn chế về thị giác nếu cố gắng có thể làm được những gì họ muốn, như Armstrong đã bay ngang dọc đất nước một cách thành công.
IAPB tại Arizona hoạt động được 70 năm, dạy cho khoảng 2,000 học sinh ở mọi lứa tuổi cách sinh hoạt khi bệnh về thị giác. Giám đốc Ashton cho biết chuyến bay của Armstrong thật sự mang đến cho các em bị khiếm thị một khoảnh khắc vinh quang, từ đó gieo niềm tin rằng các em cũng có thể làm được như người sáng mắt.
Armstrong được sinh ra với đôi mắt bình thường như bao trẻ nhỏ khác, cho đến năm 14 tuổi, thị lực của cô bỗng nhiên giảm sút. Cô đã trải qua ba cuộc phẫu thuật, nhưng tình trạng ngày càng tồi tệ. Armstrong trải qua thời trung học mà không hề nhận được sự hỗ trợ nào về y tế hay phương tiện học tập. Cha mẹ của cô cho biết, cô hay bị ngã, đi đứng thường xuyên va vào các đồ vật. Đến năm cuối cấp, họ mua cho cô một cây gậy dò đường và xem trên YouTube để học cách sử dụng cây gậy này như thế nào, rồi chỉ lại cho con mình.
Phải mất mấy năm sau, các bác sĩ mới kết luận rằng một căn bệnh tự miễn dịch đã khiến Armstrong trở thành người khiếm thị.
Armstrong sống cô đơn vì mặc cảm bệnh tật, nhưng ngày càng trở nên gần gũi hơn với gia đình hơn, nhất là với mẹ, bà Kamla – người mà Armstrong gọi là “đôi mắt” của mình. Mẹ Armstrong luôn thuyết phục con gái đi chơi golf, trượt băng cùng gia đình và luôn đặt niềm tin vào Chúa.
Năm 19 tuổi, cuộc đời Armstrong rẽ hướng, khi cô biết Tổ chức vì Trẻ em Khiếm thị, nơi giúp cô học chữ nổi Braille để cô có thể theo học ngành tội phạm học tại một trường đại học cộng đồng.
Tổ chức này cũng tạo cơ hội cho Armstrong học bay, điều mà trước đây cô nghĩ bản thân mình sẽ không bao giờ làm được. Armstrong tham gia một khóa học chuyên sâu kéo dài nhiều tháng. Người thầy Tyler Sinclair giúp cô hiểu tất cả những thao tác trong khoang lái, nói Armstrong điều khiển suốt chặng đường, anh chỉ ở bên cạnh để trò chuyện và điều hướng, chứ không hề chạm vào nút điều khiển nào.
Bây giờ, hoàn thành chuyến bay, Armstrong nhớ lại, nói :”Bầu trời rất yên bình”. Cô mô tả vì bị mù nên lúc nào cô cũng cảm thấy như mình đang ở trong đường hầm. Dù vậy, cô vẫn có thể lờ mờ, và khi ở trên cao, cô cũng có thể nhận ra mảng xanh của những khu rừng và hồ nước.
Kế hoạch sắp tới của Armstrong là theo học trường luật. Cô hy vọng chuyến bay của mình sẽ tạo được động lực cho những người khiếm thị không ngừng cố gắng để đạt được ước mơ hay những điều mong muốn thực hiện.