Vợ chồng tôi hiện ở Việt Nam, chồng tôi có người chị, vợ chồng chị ấy đi Mỹ đã gần hai năm. Trước khi đi, vợ chồng anh chị khẳng định là qua đấy để các con có cơ hội học hành, khi lo cho con cái ổn định, nhất quyết anh chị sẽ về sống tại Việt Nam. Đó là lý do khiến khi ra đi anh chị không bán nhà.
Căn nhà khá lớn, ở ngay mặt tiền của một con đường buôn bán sầm uất, anh chị không muốn cho thuê, phần vì sợ người ta phá, phần vì anh chị khá giả không cần tiền. Khi sắp sửa ra đi anh chị muốn vợ chồng tôi dọn về ở, coi nhà cho anh chị.
Thật sự thì tôi có ngại và sợ trách nhiệm, nên cứ lần lữa mãi chưa chịu dọn. Dĩ nhiên là chỉ mình tôi ái ngại, chứ chồng tôi nghe chị nói vậy thì vui lắm, anh thấy hợp lý khi có thể giúp chị mình chăm sóc nhà cửa, mà con cái lại có chỗ ở tốt không còn chui rúc trong cái nhà thuê, chật hẹp tồi tàn như lâu nay chúng tôi vẫn sống. Các con tôi cũng hùa theo ba nó để áp lực mẹ.
Tôi thì thấy trước những khó khăn sẽ đến khi mình phải sống nhờ vào anh chị, dù là chị ruột nhưng còn anh rể thì sao (do tài sản có được là nhờ công việc của anh rể). Mới đây, anh chị lại thúc hối một lần nữa khi nghe tôi bệnh nặng và không còn khả năng đi làm. Anh chị nói, nay gia đình tôi chỉ còn một đầu lương, anh chị không muốn chúng tôi sống thiếu thốn, hàng tháng phải bỏ một số tiền ra để trả tiền thuê nhà, trong khi căn nhà của anh chị bỏ không.
Thưa cô Nguyệt Nga, nói ngay ra thì ý kiến của mọi người đều đúng, nhưng phần mình, tôi vẫn thấy mơ hồ những điều không hay trước mặt sẽ xảy ra. Cô cho tôi xin một lời khuyên để biết hướng đi, cũng như cách thuyết phục gia đình riêng của mình, xin rất cám ơn. (Ý Thảo)
GÓP Ý
-Ngại
Nếu chỉ giữa hai chị em thì thoải mái hơn, nhưng đằng này có chồng của chị ấy thì mình nên cân nhắc cũng đúng, nhất là tài sản phần lớn là nhờ vào ông chồng mới có được (như chị đã nói) mặc dù có câu: “của chồng công vợ.”
Dĩ nhiên ở trong trường hợp này thì hầu như ai cũng ngại. Nhưng nếu chồng của chị ấy cũng đã lên tiếng thì chị cũng đừng nên ngại nữa, và luôn nhớ đây chỉ là mình “ở tạm” nhà người ta; khi mình vô nhà nó như thế nào thì khi trả lại nhà nó phải như thế đó.
Trách nhiệm của mình chỉ có vậy! Các chuyện khác, không phải chuyện của mình thì mình để anh chị giải quyết. Ngoài ra, bất cứ chuyện gì nó tới thì để nó tới, những chuyện tương lai ngoài tầm tay mình, bây giờ thì mình biết thế nào được. Sống ở đâu cũng có “những điều không hay trước mặt sẽ xảy ra.”
-Nhi
Cái chuyện chị nên hay không nên dọn qua nhà người chị, theo em còn tuỳ vào rất nhiều tâm tính, tình cảm của người chị chồng. Nếu người chị chồng là người cởi mở, rộng rãi, thương em dâu (chứ không phải thương em ruột nghe vì chỉ thương em ruột mà xéo xắc với em dâu là cũng không nên đâu.) Nếu người chị chồng mà sắc sảo, khôn ngoan thì về đó cũng mệt vì về ở nhà chị ấy chẳng khác gì đi làm dâu. Thà cứ ở nơi cái xó xỉnh mà tự do, còn hơn về coi nhà! Chị nên coi lại lời đề nghị, cũng chẳng phải chỉ thuần tuý là thương vợ chồng người em khó khăn, mà còn giao cho trách nhiệm giữ gìn nhà cửa nữa.
-Tuyết Ng.
Theo cô thì cháu không nên về nhà chị, dù là chị có năn nỉ ỉ ôi, tạo bao nhiêu điều kiện thuận lợi cho vợ chồng cháu. Bây giờ thì chưa đụng chạm gì nên tình chị em rất tốt đẹp, khi về ở nhà chị, trăm thứ xảy ra mà mình không lường trước được đâu cháu.
Trong quá trình ở, làm sao mà gia đình cháu, con cái cháu, không làm hư hao, trầy xước một vật dụng gì trong nhà. Nhà mà không người ở còn hư hao, huống chi có người ở, rồi bếp núc cháu xài thường xuyên sẽ khiến bếp cũ, tủ lạnh trầy, son chảo hư hỏng. Rồi cả bàn ghế, giường tủ, sofa, TV… trăm thứ có thể để không cũng hư theo thời gian, nhưng nay nó hư là do gia đình cháu làm. Nhiêu khê lắm!
Nhà người ta giàu có, cháu thì khó khăn, dọn vô ở thì trong mắt chị chồng là giúp cháu, và họ quên khuấy chuyện nhờ cháu trông coi. Cái ơn trở thành cái oán. Theo cô thì không nên.
VẤN ĐỀ MỚI
Chào cô Nguyệt Nga, trước hết tôi có lời chúc sức khoẻ đến cô, mong thật mong cô trẻ khoẻ mãi để tôi có thể nhiều khi bí thế lại viết thư vòi vĩnh. Hôm nay tôi lại có chuyện, nhờ cô và quý độc giả bỏ chút thời gian, cho tôi vài lời khuyên để kẻ trong cuộc sáng ra một chút, chứ lâu nay cứ tối hù hà!
Tôi năm nay gần 45 tuổi, quen một anh lớn hơn 16 tuổi. Anh li dị hơn 10 năm, con cái đã lớn, hiện đang sống một mình ở Virginia, trong khi tôi là dân Bolsa. Chúng tôi quen nhau đã hai năm. Sau vài tháng quen, anh về Bolsa để gặp tôi, thật là xui, hôm đó tôi bận đi làm nên thời gian dành cho anh rất ít. Anh ấy có vẻ giận nhưng do tính tình hai đứa cởi mở, vui vẻ và rất hợp khi nói chuyện với nhau, thường mỗi lần nói chuyện là tôi cười suốt vì tính hài hước duyên dáng của anh, nhờ vậy nên nói là giận chứ mọi chuyện cũng qua nhanh.
Chúng tôi lại mail qua mail lại, gọi điện cho nhau mỗi ngày nên cũng vui vẻ cả làng. Anh có tỏ cho tôi biết là anh muốn tôi bỏ Bolsa để qua bên đấy sống, hai đứa sẽ tạo dựng mái ấm, nơi anh có sẵn nhà cửa rộng rãi, khang trang, vì anh qua Mỹ đã lâu, công ăn việc làm rất vững. Trong khi đó, tôi thì muốn anh qua Cali vì thời tiết thích hợp với người Á Đông. Với lại thật ra tôi không muốn xa Bolsa, nơi mà gia đình tôi gần như tụ họp tại đây, tôi sợ qua đó chỉ một thân một mình, có chuyện gì cũng không biết cầu cứu ai, tôi không tự tin.
Thật ra còn một điều tôi ngần ngại nữa là, chen giữa những câu chuyện vui, hài hước thì anh thường hay nóng lên khi tôi lỡ lời xài một vài từ của… Việt Cộng! Mà tôi đã nói rồi, tôi sinh sau năm 1975, lớn lên trong môi trường đó, hàng ngày nghe, nói, học chữ của Việt Cộng thì tôi phải nhập thôi, mà anh thì dứt khoát không chịu được. Anh nói rất nặng, có khi còn giận cả hai, ba ngày mỗi khi tôi lỡ lời!
Sau này hai đứa nói chuyện với nhau nhiều hơn nên tôi phạm sai lầm nhiều hơn. Tôi càng tránh nói chữ của Việt Cộng thì càng vấp, vì tôi tìm chữ không ra. Gần đây nhất, nhắc đến chuyện sở thích khi ăn uống, tôi nói, “Anh là quá cá biệt.” Thế là đùng đùng anh ấy nổi cáu lên, la tôi túi bụi, anh nói anh rùng mình mỗi khi tôi nói chữ của Việt Cộng. Tôi cũng tức khí cũng la lại, “Rồi đây anh sẽ rùng mình dài dài nếu còn dính đến em!”
Chỉ chừng đó, anh bặt tin, dù tôi vẫn cố gắng liên lạc và nói lời xin lỗi! Tôi buồn ghê đi. Việc anh cắt đứt với tôi vì lý do như thế có phải chỉ là cái cớ? Và có phải suốt thời gia qua anh chỉ mua vui qua những lần nói chuyện chứ chẳng có tí ti tình cảm nào. Tôi thật bối rối và trong tận sau thẳm thôi thấy tôi cần anh ghê gớm. Những ngày không có chuyện trò, cuộc sống thật vô nghĩa. Tôi không biết làm gì để lấp khoảng trống ấy. Tôi đã năn nỉ hết lời, đã hứa hẹn hết lời mà vẫn vô phương! (Diệu Thường)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]. Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.