Cách nay gần một năm, tôi có quen một anh Việt kiều cũng đã đứng tuổi. Theo lời anh kể thì anh là thiếu tá, đi học tập hơn bảy năm, sau khi về anh mới biết vợ anh ở nhà có gian díu với một người đàn ông khác. Cái cay đắng là khi anh đã có mặt trong gia đình, vợ anh vẫn ngang nhiên đi lại với người đàn ông kia. Sau một thời gian người đàn ông kia bỏ vợ anh. Vì thương con anh cho chị trở về, nhưng họ không còn coi nhau như chồng vợ nữa.
Cũng anh kể với tôi, anh đã xin về hưu non và định về Việt Nam sống luôn. Trong thời gian quen nhau, không phải như những người đàn ông khác chiều chuộng người yêu. Anh không chiều tôi mà trái lại rất khó tính, sống tự trọng và nghiêm khắc từng lời ăn tiếng nói.
Anh khó với tôi lắm, không cho tôi uốn tóc, bắt tôi phải búi tóc vì anh thích nét đẹp Đông Phương. Anh không bao giờ rủ tôi ở qua đêm phòng anh, và luôn bắt tôi phải về sớm để nghỉ ngơi vì anh biết tôi bận rộn lo cho cửa hàng buôn bán của mình.
Tôi nói cười bỗ bã thì anh la rầy. Anh không bao giờ tơ hào đến một xu của tôi, mặc dù tôi làm ăn khá và sẵn sàng đưa tiền cho anh. Khi đi ăn bao giờ anh cũng trả tiền, không có tiền thì ở nhà. Khi tôi đề nghị anh nên về nhà tôi sống để khỏi tốn tiền thuê phòng ở khách sạn, anh nói anh không phải là loại đàn ông bám váy đàn bà. Vì chuyện đó anh giận tôi mấy ngày liền. Anh sống đạm bạc không xa hoa như những Việt kiều khác.
Anh ít nói, nhưng qua những lần nói điện thoại, tôi biết anh quen với rất nhiều người nổi tiếng trong nhiều lãnh vực. Hỏi thì anh thường không muốn nói đến. Có lần tôi tình cờ thấy trong phòng anh có những tờ báo có hình anh chụp với rất nhiều người. Hỏi thì anh thoái thác, “em để ý chi mấy cái lẻ tẻ đó, cũng chuyện thường thôi.” Anh khá bí mật với tôi, nhưng qua cách sống của anh, tôi đoán rằng anh cũng là một nhân vật có máu mặt ở bên Mỹ.
Mới đây, anh nói với tôi anh sắp lãnh một số tiền gì đó ở Mỹ, anh sẽ mua nhà ở Việt Nam và tôi sẽ sống với anh. Anh khoe với tôi giấy tờ lãnh hưu non gần xong, chắc anh phải xa tôi một thời gian. Anh cần về lại Mỹ để lo thu xếp nhà cửa, con cái và thông báo với chúng quyết định của anh. Và vì mọi sự sắp đặt cuộc sống mới của anh gần kề nên giờ này anh mới dám nói với tôi lời quan trọng. Anh xin cưới tôi! Anh nói sau khi tìm hiểu anh biết anh đã gặp người đàn bà của anh.
Chao ơi! Không nói ai cũng biết tôi hạnh phúc đến mức nào. Sau khi anh tuyên bố như vậy, anh gọi tôi bằng “Mẹ” và xưng “Bố.”
Và rồi, nhân chuyến về Mỹ “thu xếp lần cuối” chính tôi đã tình nguyện, đã năn nỉ nhiều lần để đưa cho “Bố” một số tiền lớn để sắm đồ cưới, để mua vé cho các con về Việt Nam dự đám cưới “Bố Mẹ.”
Tôi tin là tôi không cần viết đến đoạn cuối, mọi người đã hiểu và tôi cũng xin gửi một tin nhắn riêng, nếu “Bố” có tình cờ đọc được lá thư này, thì xin hiểu rằng, lòng tôi không oán trách ai cả, chỉ tại tôi nhẹ dạ mà nên. Tôi gây ra thì tôi trả, trả càng nhiều càng chóng hết nợ. (L.)
GÓP Ý
Nhiên Ng
Em đọc thư chị đến mấy lần, sáng nay đọc lại nữa, và chị ơi sau mỗi lần đọc tim em thắt lại, thương chị vô kể, muốn ôm chị thật chặt.
Lá thư này em mong là chị chỉ “làm văn” chơi thôi chứ không phải là sự thật đời chị. Và em thú thật với chị, nếu có một người đàn ông như chị kể thì em cũng yêu và chắc em cũng “nhẹ dạ” như chị! Dù gì thì chị cũng đã có một thời gian hạnh phúc tràn đầy.
Thuy Diem
Cô ơi, sao cô không cho biết thêm đoạn cuối, vì đoạn cuối rất quan trọng. Cô có bằng chứng gì chứng minh là ông ấy đã lừa gạt cô? Biết đâu một lúc nào đó ông xuất hiện và cho cô biết lý do ông biến mất, và lý do đó có thể là ông trải qua một cơn bệnh thập tử nhất sanh, cũng có thể con cái ông gặp phải một điều gì cần giải quyết, hay chính người vợ cũ quay về…
Điều gì cũng có thể xảy ra! Ngay cả chuyện ông kết hôn với người khác cũng chưa chắc là ông phản bội cô. Cô có thể đợi thêm một thời gian nữa, (hay là cô đã đợi rồi!?) trước khi gửi đi những lời cay đắng!
VẤN ĐỀ MỚI
Tôi là mẹ đơn thân, con gái của tôi 14 tuổi thì tôi kết hôn lần hai. Anh ở Mỹ, tôi quen anh do một người bạn giới thiệu, mới một năm thì anh hỏi cưới. Vì tuổi cũng không còn trẻ mọn gì nên tôi đồng ý ngay, thêm nữa gia đình anh ở Việt Nam cũng đến nhà tôi nói chuyện đàng hoàng nên gia đình tôi rất hài lòng và vun vén cho chúng tôi.
Khi anh về lần thứ nhất, chúng tôi có một lễ ra mắt đơn sơ, anh bảo để tôi có thể danh chánh ngôn thuận với bà con hai bên cùng láng giềng bè bạn. Khi trở lại Mỹ anh tiến hành hồ sơ bảo lãnh, anh nói với tôi để hồ sơ nhanh chóng, tôi nên đi trước, gửi con lại cho bà ngoại.
Thời gian đầu, bên cạnh anh, người chồng chưa quen thân, (dù gì thì thời gian bên nhau của tôi và anh khá ít ỏi,) nên anh cũng rất thẳng thắn nói với tôi, “Em có hai năm suy nghĩ, nếu em thấy cuộc sống mới không hợp, em có thể về lại Việt Nam, chúng ta coi như chưa từng biết nhau, đó là lý do tại sao anh chưa vội bảo lãnh con gái em qua.”
Sau hai năm, cuộc sống chúng tôi khá bình lặng, phần lớn là do tính tôi hiền lành chịu đựng, nên nếu có mâu thuẫn gì thì thường là tôi im lặng, cho đến khi anh nguôi ngoai. Anh và tôi đều đi làm, tối đến chúng tôi về cơm nước, nói đôi ba câu chuyện, và một ngày qua đi. Đời sống không vui không buồn, không bão nổi mà cũng chẳng sóng ngầm.
Mọi chuyện cứ bình lặng, sau hai năm, tôi trả lời với anh, tôi sẽ bên anh suốt đời. Trong thâm tâm tôi cám ơn anh đã chăm lo tôi, đã rất tử tế trong việc cưới hỏi, đã rất công bằng khi cho tôi hai năm thử thách, đã giữ chữ tín khi bảo lãnh con gái tôi qua… Tôi cám ơn anh và hứa sẽ sống tốt đến cuối đời.
Sau mấy năm, con gái tôi đã qua. Vấn đề âu lo trước mắt của tôi là đứa con nay đã thành thiếu nữ, sống theo lối sống hư đốn. Khi đến Mỹ, cháu đi học nail và có bạn trai người Mỹ, anh thanh niên mình xăm đầy người, còn ăn mặc quái dị. Hai đứa đi chơi hàng đêm, về khuya, áo quần đổi mới liên tục, còn tóc tai màu sắc thay đổi liên tục. Tôi mà mở miệng la thì cháu trả lời lại những câu đầy oán hận, cay đắng, đôi khi độc ác rằng “Mẹ bỏ con theo trai!”
Anh không nói gì, nhưng một hôm không còn dằn lòng, anh đã la lớn, “Nếu còn một lần nữa đi chơi khuya, tao sẽ đuổi mày đi luôn!”. Đêm đó, không những con gái tôi đi chơi khuya, mà đến gần sáng nó mới về. Anh đứng sẵn nơi cửa với vali áo quần của nó, rồi đuổi nó ra khỏi nhà vào lúc ba giờ sáng. Hai bên to tiếng với nhau, tôi bất lực không làm gì được, chỉ biết khóc!
Anh nói, nếu con tôi còn ở trong nhà này thì anh sẽ dọn đi. Tôi khóc, năn nỉ hết lời nhưng không lay chuyển được anh. Tuổi tôi chưa già lắm vì tôi vẫn còn đi làm, cuộc đời tôi chỉ mong được gần con gái khi tuổi về già mà anh không đồng ý, tôi rất đau khổ, không biết chọn ai! (Phượng)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]. Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.