Các dự án nhiên liệu hóa thạch bị đình trệ một năm trước nay đang quay trở lại khi các nhà lãnh đạo thế giới phải tìm ra giải pháp mới liên quan đến khí đốt tự nhiên và than đá trong tình hình khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Nỗi kinh hoàng khí thải nhà kính
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Glasgow năm ngoái kết thúc với việc các quốc gia bác bỏ mạnh mẽ nhiên liệu hóa thạch đi kèm cảnh báo sẽ là “một sai lầm khủng khiếp nếu loài người tiếp tục triển khai các dự án dầu, khí và than lớn mới”.
Những lời kêu gọi hạn chế mạnh việc đầu tư vào các dự án kinh doanh nhiên liệu hoá thạch đã gây được tiếng vang với nhiều dự án lớn bị đình trệ hay gặp khó khăn về tài chính khi thế giới hướng tới một tương lai năng lượng sạch hơn. Nhưng thật không may, chỉ một năm sau, khu vực công nghiệp nhiên liệu hóa thạch (fossil fuel) đang có sự phục hồi bất ngờ, với tiềm năng hơn 80 dự án nhiên liệu hoá thạch sẽ sớm đi vào hiện thực, từ các nhà máy nhiệt điện than đến các công ty xuất khẩu khí đốt, báo hiệu thế giới sẽ phải chịu đựng thêm hàng thập niên khí thải nhà kính.
Các quốc gia đang chật vật tìm kiếm giải pháp thay thế cho khí đốt Nga, do các lệnh trừng phạt nước này xâm lược Ukraine. Đây sẽ là chủ đề căng thẳng chính tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu tại Ai Cập từ Chủ nhật, 6 Tháng Mười Một.
Sự thoái trào gây nguy hiểm cho ngân sách kéo giảm carbon toàn cầu (được tạo ra để ngăn chặn nguy cơ biến đổi khí hậu) khi nhiều quốc gia có xu hướng bổ sung số năng lượng hóa thạch nhiều hơn số mất từ Nga, nêu lý do an ninh năng lượng. Niklas Hohne, người sáng lập Viện NewClimate chuyên về khí thải tại Đại học Wageningen ở Hà Lan, nhận định: “Nếu tất cả dự án mới được xây dựng và vận hành đến hết vòng đời của nó, chúng ta sẽ không còn cơ hội đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris (hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1.5 độ C để ngăn chặn những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu). Vòng đời từ 20 đến 30 năm là rất lâu so với hạn chót cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch”.
Những dự án nhiên liệu hoá thạch mới sẽ phá vỡ tất cả công sức bấy lâu nay. Theo Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor) phi lợi nhuận, nhận định của Hohne không chỉ đúng với Âu châu, nơi có bảy dự án khí đốt tự nhiên mới đang xây dựng và 33 dự án khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch mà còn đúng với Hoa Kỳ, nơi hai chục dự án tương tự đang được theo đuổi.
Công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy cho biết đầu tư toàn cầu vào các cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên mới dự kiến sẽ tăng lên $42 tỷ vào năm 2024, tăng 50% so với năm nay. Kết quả, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên toàn thế giới sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2030!
Các nhà hoạt động khí hậu cảnh báo nguồn cung vượt quá mức bổ sung cần thiết sẽ dẫn đến những hệ quả rất xấu cho môi trường.
Biện minh cho xu hướng mới
Tác động làm nóng lên toàn cầu của nhiều dự án, vốn đã bị ngưng nhiều năm qua nay khởi động lại, không chỉ rất lớn mà còn xung đột trực tiếp với các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng mà Âu châu và Hoa Kỳ chỉ mới đạt được gần đây.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, Mỹ đã xuất khẩu nhiều khí đốt tự nhiên ra nước ngoài nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nay sắp tăng thêm gần 50% khi hoàn thành ba dự án đang trong quá trình xây dựng. Dù không rõ có bao nhiêu dự án ở Hoa Kỳ và các nước khác sẽ được phê duyệt và khoản đầu tư cần thiết nhưng một phân tích của nhóm vận động Food and Water Watch cho thấy tác động rất lớn của chúng đến khí hậu nếu được triển khai đồng loạt.
Đến năm 2030, tất cả hệ quả “vòng đời hoạt động” của các dự án (gồm chiết xuất, xử lý và vận chuyển, cộng với hiệu ứng nhà kính khi đốt để tạo năng lượng) sẽ tương đương với lượng khí thải của 621 triệu xe hơi lưu thông trên đường trong một năm và bằng tác hại của 100 nhà máy than mới. Khi đi vào hoạt động, các dự án trên sẽ làm suy yếu sáng kiến REPowerEU được châu Âu phê duyệt gần đây nhằm cắt giảm 41% lượng khí đốt sử dụng vào năm 2030 để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu.
Một phân tích của tổ chức tư vấn kinh tế Âu châu – Bruegel, nêu rõ: “Có sự không phù hợp đáng kể giữa mục tiêu đặt ra và số cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới mà các nước châu Âu đang nỗ lực xây dựng và hỗ trợ”. Các nhà phân tích chuyển đổi năng lượng theo dõi chặt chẽ sự gia tăng sử dụng than ở châu Âu với các dự án điện than mới trong khi chờ các sản phẩm thay thế sạch hơn số khí đốt mất đi của Nga tin rằng than sẽ sớm trở thành một vấn đề khí hậu nghiêm trọng.
Nguy cơ cho khí hậu là rất lớn
Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng không khỏi lo lắng trước xu hướng “nhiên liệu bẩn” quay trở lại và các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo nguy cơ tiền thuế của họ phải dùng chi trả cho các dự án lớn nhiều năm trước khi kết thúc thời hạn sử dụng.
Các dự báo của Bruegel cho thấy lượng khí tự nhiên sử dụng trong Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ ngốn gấp đôi ngân sách quốc gia dành cho nó vào cuối thập niên này. Những dự báo tiêu cực như thế đã khiến một số lãnh đạo thế giới lên tiếng báo động. “Cứ $1 đầu tư vào cung cấp năng lượng carbon thấp, thì $1.10 đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch,” John F. Kerry, đặc phái viên khí hậu Mỹ cho biết tại một sự kiện gần đây do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tổ chức. “Toán học và khoa học cho thấy chúng ta không thể đạt được mục tiêu trừ khi thay đổi đáng kể tỷ lệ đó”.
Báo cáo về chênh lệch khí thải của Liên Hợp Quốc được công bố gần đây ngoài việc cảnh báo “thế giới đang nhanh chóng vượt quá ngân sách carbon của mình”, còn nhấn mạnh: Việc mở cửa lại các nhà máy nhiên liệu hóa thạch là một trong những mối đe dọa Trái đất đang phải đối mặt. Các quyết định được đưa ra ngày hôm nay có thể xác định quỹ đạo phát thải trong nhiều thập niên tới.
Trong số các dự án phát ra lượng khí thải khổng lồ có dự án nhà máy khí hoá lỏng Rio Grande LNG ở tiểu bang Texas mà theo Sierra Club sẽ lớn hơn Công viên Trung tâm của New York với diện tích 984 mẫu Anh. Nằm ngay bên cạnh là một dự án khác tại Brownsville Ship Channel có tên Texas LNG lớn gấp bốn lần Disneyland.
Dự án Rio Grande là một trong số nhiều dự án đã bị đình trệ trước khi cuộc xâm lược Ukraine làm ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng mà người mua là một công ty điện lực của Pháp nhưng bị áp lực phải tạm ngưng do các lãnh đạo châu Âu sợ sẽ tác động xấu lên khí hậu. Nay nó trở lại rầm rộ và công ty năng lượng Pháp đã ký hợp đồng mua sản phẩm đến năm 2041.
Các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu đang vận động các nhà đầu tư đừng bỏ vốn vào hoặc rút lui khỏi một số dự án vì rủi ro cho số tiền đầu tư là rất cao. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sự nhiệt tình mới đối với nhiên liệu hóa thạch sẽ nhanh chóng phai tàn. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định: “Chi phí lắp đặt năng lượng mặt trời và gió đã giảm mạnh nên những nhà máy điện dùng nhiên liệu hoá thạch sẽ không thể tồn tại lâu dài”. Báo cáo “Triển vọng Năng lượng Thế giới mới” của IEA cho thấy các công nghệ sạch phát triển nhanh đến mức việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch nói chung sẽ đạt mức cao nhất trong vòng vài năm nữa và sau đó sẽ giảm vĩnh viễn. Hiện tại, số lượng các dự án mới vượt xa số lượng cần thiết để thay thế lượng khí đốt đó của Nga.
Tại Hoa Kỳ và châu Âu, các nhà lãnh đạo công nghiệp và chính trị biện minh cho xu hướng mở rộng nhiên liệu hoá thạch hiện nay bằng cách cam kết phần lớn cơ sở hạ tầng của chúng sẽ được chuyển đổi sang mục đích sử dụng xanh hơn trong vòng vài năm tới. Theo lý lẽ, các thiết bị đầu cuối và đường ống dẫn khí đốt của ngày hôm nay sẽ là hệ thống phân phối của ngày mai để xử lý và cung cấp hydro xanh, loại nhiên liệu được sản xuất mà không phát thải nếu các công ty có thể tìm ra cách sản xuất với quy mô đáng kể. Tuy nhiên, nhiều dự án có tham vọng quá đáng và bỏ qua những thách thức lớn về hậu cần, áp lực thị trường và chính trị để cho phép chúng hoạt động vô thời hạn.
Jason Bordoff, Giám đốc sáng lập của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia nhận định: “Câu hỏi quan trọng là: Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng cuộc khủng hoảng năng lượng này để đẩy nhanh và không làm giảm tốc độ chuyển đổi?”. Đó là một bài toán hóc búa đặc biệt thách thức đối với Âu châu, nơi các nhà lập pháp và quản lý năng lượng đang cố gắng tìm cách thay thế khí đốt của Nga mà không cần bổ sung thêm các nguồn khí thải dài hạn mới trong bối cảnh các dự báo mâu thuẫn về bụi phóng xạ khí hậu.