Vụ khó khăn trong việc cung cấp xăng dầu trong nước đang xuất hiện lời hỏi dồn với Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, rằng tại sao? Ai là nguyên nhân? Vấn đề ở đâu?
Ngày 5 Tháng Mười Một, Bộ Công Thương cho biết Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Chỉ thị nêu rõ trong thời gian vừa qua, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế, tạo ra ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, có chi tiết ông Diên yêu cầu xử lý nghiêm “hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác” trong đời sống đô thị.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, vậy chuyện cách phân phối nhỏ cho người dân qua các phương tiện phổ thông, có là phạm pháp không, nhất là khi nguồn mua chỉ có thể lấy từ Bộ Công thương?
Cách ứng xử của ông Diên, làm gợi nhớ những chuyện không quá lâu.
Hồi Tháng Mười Một năm 2016, có vụ xả lũ bất ngờ từ thuỷ điện An Khê – Ka Nak, tỉnh Gia Lai. Dân ở các vùng Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Pa… kể rằng, vào hơn 9 giờ tối, tin nhắn báo gấp vài tiếng nữa sẽ có xả lũ, được gửi vào điện thoại của dân chúng trong vùng, và yêu cầu ai nấy tự lo chuẩn bị chạy nạn gấp.
9g đêm ở rừng núi. Bảo là chạy nhưng chạy đi đâu? Bao nhiêu người già trẻ nhỏ và vật nuôi nheo nhóc, làm sao để chạy?
Khổ nỗi dân chúng trong những khu vực đó đa số là những người sắc tộc thiểu số, nhiều người không còn nhìn điện thoại trong giờ đó, và cũng có nhiều gia đình đã an giấc để chuẩn bị cho buổi làm việc sớm ngày mai. Các chùa và nhà thờ trong vùng nhận được tin thì hối hả đánh chuông, đánh kẻng và cho người chạy đi khắp các làng xã để hô hoán chuẩn bị chạy nạn. Nhưng chính nhà thờ và chùa cũng là nơi bị chìm trong biển nước sau đó, cũng không biết chạy về đâu.
Vì dân cư mật độ sống rải rác nên việc thông báo đầy đủ cho tất cả mọi người rất khó khăn, kết quả là khi nhà máy thủy điện An Khê xả lũ kèm với mực nước dâng cao của đợt mưa lớn năm đó, ảnh hưởng đến tận cả Phú Yên, thiệt hại về người và của không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng rồi chẳng có đền bù hay một lời xin lỗi nào.
Về sau, khi thị sát và làm báo cáo lại tình hình, thì các quan chức có trách nhiệm đổ lỗi là do người dân không chịu xem tin điện thoại, và sống cách biệt với xóm làng cho nên không nghe thông báo được. Lỗi chính là do chạy không kịp.
Hôm nay đọc tin của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về chuyện nghiêm cấm việc mua xăng bằng can, thùng, chai… mới hiểu là những lúc khốn cùng, tội lỗi vẫn luôn thuộc về nhân dân. Có nghĩa rằng việc thiếu thốn nguồn cung xăng trong đất nước này được xác định rõ là có phần của người dân đi mua xăng bằng những trữ liệu tự do, chứ không phải gắn liền kề cùng động cơ.
Làm dịch vụ độc quyền thu lợi nhưng cung cấp tồi, logistics tồi, lại đổ lỗi cho người dân về nhu cầu mua và phương thức mua, chỉ là loại suy nghĩ của kiểu lãnh đạo thời mông muội.