Nên đổi giờ như cũ hay giữ vĩnh viễn giờ “Daylight Saving Time”

Ảnh: lukas-blazek-unsplash

Tại sao giữ nguyên “thời gian tiết kiệm ánh sáng ban ngày” (daylight saving time-DST) như trước ngày 6 Tháng Mười Một lại tồi tệ cho sức khoẻ hơn là chuyển sang thời gian tiêu chuẩn (standard time) khi mùa thu đến (sau ngày 6 Tháng Mười Một)? Hãy nghe các nhà khoa học nói về việc thay đổi đồng hồ hai lần vào mùa thu và mùa xuân.

Ý kiến của các chuyên gia

Vào lúc 2 giờ sáng, ngày 6 Tháng Mười Một, 48 tiểu bang và Washington D.C đã đưa đồng hồ quay trở lại thời gian chuẩn (tức Califorina sẽ chậm hơn 15 tiếng so với Việt Nam thay vì 14 tiếng trước đây). Từ quan điểm sức khỏe, hầu hết chuyên gia về giấc ngủ và sinh học đều khuyên nên thay đổi sang đồng hồ tiêu chuẩn vào mùa thu chứ không nên giữ vĩnh viễn đồng hồ “DST”.

Theo họ, ánh sáng mặt trời vào buổi sáng sớm là chìa khóa để duy trì “nhịp sinh học” (circadian rhythms), “chu kỳ ngủ-thức” (sleep-wake cycles) và sức khỏe nói chung. Phyllis Zee, nhà thần kinh học và Trưởng khoa y học giấc ngủ tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern nhận định: “Nếu không có ánh sáng Mặt trời, chúng ta có thể rơi vào tình trạng lệch nhịp sinh học, khi đồng hồ bên trong cơ thể không đồng bộ với đồng hồ mặt trời và đồng hồ xã hội”.

Các chuyên gia về giấc ngủ khác cũng bày tỏ mối băn khoăn với việc giữ vĩnh viễn “DST” như Thượng viện đã bỏ phiếu thông qua, nêu lý do rằng điều này “có thể khiến cơ thể chúng ta không đồng bộ với ánh nắng Mặt trời và dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe”. Beth Malow, giáo sư thần kinh học và nhi khoa hiện là trưởng bộ môn giấc ngủ của Đại học Vanderbilt cảnh báo: “Chúng ta sẽ bị lệch nhịp điệu sinh học suốt năm”. Nhưng tại sao khác biệt chỉ một giờ lại có thể có tác động lớn như thế?

Beth Malow đã trình bày một hình ảnh động để tìm hiểu thêm về cách bộ não và sức khỏe của mỗi người bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thời gian:

“Bộ não của chúng ta có một đồng hồ bên trong để giữ thời gian mỗi ngày phù hợp với các hoạt động bên trong cơ thể, chẳng hạn như chức năng tim, quá trình trao đổi chất, mức hormone và giấc ngủ. Nhưng đối với hầu hết chúng ta, đồng hồ bên trong chạy lâu hơn 24 giờ một chút. May mắn thay, Mặt trời đã giúp chúng ta bằng cách gửi tín hiệu đến các cơ quan thụ cảm chuyên biệt trong mắt.

Nhờ vậy mỗi buổi sáng, ánh sáng Mặt trời sẽ đặt lại đồng hồ bên trong bằng cách ‘kéo’ chúng ta đồng bộ trở lại với một ngày 24 giờ, loại được ảnh hưởng của những phút dư. Sau khi mặt trời lặn, thiếu ánh sáng mặt trời cho phép cơ thể sản xuất các hormone như melatonin, giúp đi vào giấc ngủ dễ dàng. Tương tự như cách ánh sáng mặt trời buổi sáng có thể ‘kéo’ đồng hồ bên trong cho hợp với bên ngoài, ánh sáng từ bất kỳ nguồn nào quá muộn vào buổi tối cũng có thể làm ngược lại và đẩy đồng hồ bên trong đi muộn hơn. Động thái này có thể cản trở giấc ngủ của chúng ta”.

Đồng hồ bên trong lệch pha với đồng hồ bên ngoài (ngày Mặt trời)

Sự thay đổi thời gian vào mỗi mùa xuân sang “DST” sẽ đột ngột phá vỡ mối quan hệ quan trọng này giữa bộ não của chúng ta và Mặt trời. Đây là lý do tại sao: Đồng hồ nội bộ của chúng ta đã phát triển để phù hợp với bình minh, hoàng hôn và một ngày 24 giờ. Tương tự như thế, đồng hồ bên trong được phát triển để phù hợp với 24 giờ của ngày Mặt trời. Trong “thời gian chuẩn”, buổi trưa là lúc mặt trời ở điểm cao nhất và được gọi là “buổi trưa mặt trời.

Đối với hầu hết chúng ta, đồng hồ đeo tay và đồng hồ điện thoại quyết định cách chúng ta sinh hoạt trong phần lớn cuộc sống, lúc nào thức dậy, đi làm và đi ngủ. Vào mỗi Tháng Ba, khi chúng ta chuyển sang “thời gian tiết kiệm ánh sáng ban ngày”, lịch trình hàng ngày sẽ thay đổi một giờ. Chúng ta thức dậy trong bóng tối và đi làm việc với nhiều giờ ánh sáng mặt trời hơn trong ngày. Nhưng Mặt trời không di chuyển. Buổi trưa Mặt trời được đồng bộ hóa với đồng hồ bên trong vẫn ở cùng thời điểm của ngày hôm trước. Có nghĩa là lịch trình hàng ngày của bạn và buổi trưa Mặt trời bị lệch.

Trong khi đó, đồng hồ nội bộ bên trong não không thể điều chỉnh nhanh bằng đồng hồ bên ngoài. Đồng hồ bên trong phải mất ít nhất một ngày để điều chỉnh khác biệt thêm một giờ khi thay đổi sang thời gian khác. Đối với một số người, có thể mất nhiều thời gian hơn thế. Một trong những vấn đề lớn của việc thay đổi sang “DST” là nó làm gián đoạn giấc ngủ khi cơ thể vẫn chưa sẵn sàng đi vào giấc ngủ vào giờ đi ngủ thông thường, mà lúc này là sớm hơn một giờ.

Vào buổi sáng, cơ thể bạn cũng muốn thức dậy ở thời gian cũ nhưng đồng hồ báo thức lại đánh thức sớm hơn một giờ để bạn đi làm đúng giờ trong lúc bạn chưa muốn thức. Sự thay đổi đột ngột kéo dài một giờ này vào mỗi mùa xuân có liên quan đến nhiều cơn đau tim và đột quỵ hơn. Số tai nạn xe hơi và các loại tai nạn khác cũng tăng. Ngoài ra còn những vấn đề tích lũy khác của sự lệch nhịp sinh học nếu chúng ta sống trong “DST” cả năm.

Nên thay đổi thời gian như cũ

Hạ chí, vào khoảng ngày 21 Tháng Sáu ở Bắc bán cầu, là ngày dài nhất trong năm. Ở một số địa điểm, chẳng hạn Washington D.C., ban ngày có thể lên đến gần 15 giờ. Thêm một giờ ánh sáng Mặt trời sau giờ làm việc có thể tạo cảm giác dễ chịu, nhưng hoàng hôn muộn hơn gần với giờ đi ngủ sẽ trì hoãn việc tiết ra các hormone ngủ vì đồng hồ bên trong cơ thể (đồng hồ nội bộ) muộn hơn một giờ.

Dù bạn có thể bị mất ngủ, nhưng trong suốt mùa hè, bạn vẫn sẽ có ánh nắng buổi sáng sớm để phục hồi giấc ngủ một chút. Nhưng hãy tưởng tượng nếu “DST” trở thành vĩnh viễn, như đã được đề xuất? Sáu tháng sau Hạ chí, đến ngày ngắn nhất trong năm 21 Tháng Mười Hai, bạn sẽ gặp phải một vấn đề khác. Ánh sáng mặt trời chỉ xuất hiện sau hơn chín giờ ở Washington D.C nên bạn phải thức dậy trong bóng tối, và Mặt trời sẽ không mọc cho đến khi bạn tỉnh táo và đã đi làm. Bởi vì bạn đã thức hàng giờ trước khi Mặt trời mọc, sẽ ít có khả năng đồng hồ nội bộ tự điều chỉnh được. Vì vậy, đồng hồ bên trong có thể giữ như cũ lâu hơn 24 giờ một chút, khiến bạn không thể đồng bộ với ngày Mặt trời.

“Mỗi ngày trôi qua, những phút thừa ‘một chút’ đó có thể tích lũy, và theo thời gian, đồng hồ bên trong và đồng hồ trong thế giới thực của bạn ngày càng xa nhau. Hệ quả là lệch nhịp sinh học, tức là không khớp tờ lịch cho chúng ta biết khi nào nên thức dậy trong khi trời bên ngoài còn tối muốn chúng ta nằm trên giường và ngủ tiếp” – Malow nói.

Theo các chuyên gia, sống với “DST” quanh năm dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm theo mùa cao hơn trong những tháng mùa đông và sự lệch lạc sinh học có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất các hormone quan trọng như melatonin. Sống lâu dài không đồng bộ được với đồng hồ bên trong khiến chúng ta tăng nguy cơ mất ngủ, béo phì, tiểu đường, bệnh tim, rối loạn tâm trạng và thậm chí một số loại ung thư.

Charles Czeisler, Trưởng khoa Rối loạn giấc ngủ và tim mạch tại Bệnh viện Brigham and Women (Brigham and Women’s Hospital) cho biết melatonin có đặc tính kìm hãm, có nghĩa là nó có thể làm chậm sự lây lan của ung thư. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta vẫn thay đổi sang thời gian chuẩn như cũ trong năm? Theo các chuyên gia nó sẽ loại bỏ được nhiều vấn đề sức khỏe ngắn hạn khi điều chỉnh đồng hồ hai lần mỗi năm. Nhưng quan trọng hơn, đồng hồ bên trong của chúng ta sẽ đồng bộ ngay với ngày Mặt trời. Các chuyên gia về giấc ngủ và tuần hoàn có chứng cứ sinh học biện minh mạnh mẽ cho việc thay đổi sang thời gian chuẩn vào mùa xuân. Việc thay đổi đồng hồ không làm thay đổi thời lượng ánh sáng Mặt trời tổng thể trong một ngày. Gút lại, thay đổi sang thời gian chuẩn vào mùa xuân (thay vì giữ vĩnh viễn “DST”), bạn sẽ nhận được ánh sáng mặt trời vào đúng thời điểm trong ngày để có sức khỏe tối ưu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: