Năm 2017, nhân viên mật vụ Việt Nam đã đến Đức để bắt cóc cựu chính trị gia Trịnh Xuân Thanh ngay ở Berlin. Giờ đây phiên tòa để làm rõ trách nhiệm của Hà Nội lại tiếp tục bắt đầu với nghi can thứ hai.
Báo Taz của Đức tường thuật về vụ án được đưa ra xét xử vào hôm thứ Tư, ngày 2 Tháng Mười Một, trước Tòa phúc thẩm Berlin. Tóm tắt lại các diễn biến có từ hơn năm năm trước: Vào mùa hè năm 2017, cựu chính trị gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh đã bị cơ quan mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Berlin và bí mật mang về Việt Nam. Phiên tòa lúc này nhắm vào người trợ giúp thứ hai trong vụ bắt cóc gây chấn động nước Đức. Người này đã chạy về Việt Nam để trốn tránh sự truy tố tại châu Âu trong nhiều năm. Mới đây vào Tháng Sáu, tưởng rằng mọi chuyện đã yên, ông Lê Anh Tú – tên của nhân vật – đã quay lại và bị bắt tại Prague.
Văn phòng Công tố Liên bang Đức cáo buộc người đàn ông 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam Lê Anh Tú đã hỗ trợ và tiếp tay cho hoạt động mật vụ bất hợp pháp tại Đức. Lê Anh Tú đang sống ở Prague vào thời điểm phạm tội. Cùng với những người đi từ Việt Nam qua, Tú đã mời anh họ của Trịnh Xuân Thanh, người đang sống ở châu Âu, đến Prague chỉ hai tuần trước, để dùng anh ta là người dò hỏi nơi ở và sinh hoạt thường ngày nhằm thu thập thông tin cho vụ bắt cóc.
Ba ngày trước vụ bắt cóc, bị cáo Lê Anh Tú được cho là đã lái xe cùng với một đồng phạm khác đi đến Câu lạc bộ Golf Berlin-Gatow, nơi vụ bắt cóc ban đầu được lên kế hoạch. Nhưng Trịnh Xuân Thanh đã cảm giác có điều gì đó bất an nên bỏ ngày chơi golf đã định. Trong những ngày tiếp theo, bị cáo Lê Anh Tú nhận lệnh theo dõi và quan sát nạn nhân cho kế hoạch bắt cóc tiếp theo ở Berlin.
Ngoài ra, trong vụ bắt cóc ngày 23 Tháng Bảy 2017, Lê Anh Tú được cho là đã ngồi trong xe của nhóm bắt cóc và liên quan đến việc dùng vũ lực kéo Trịnh Xuân Thanh và bạn gái lên xe. Theo công tố, Lê Anh Tú cũng đóng vai trò là người lái xe trong việc vận chuyển nạn nhân bị bắt cóc từ khu vực Schengen.
Đối với Tòa phúc thẩm Berlin, các bằng chứng do Văn phòng Công tố Liên bang đưa ra quá rõ và đủ đến nỗi tòa án đã nói thẳng với Tú là nên nhận tội để bớt thì giờ truy tố và bào chữa. Đó là một thỏa thuận để được giảm án. Điều này giúp tòa án tiết kiệm thời gian xét xử, còn bị cáo nhận mức án tù thấp hơn so với không có lời thú tội. Theo tòa án, mức án có thể từ 4-5 năm. Người ta đã tính đến việc bị cáo có tiền án tiền sự ở Đức vì tàng trữ vũ khí bất hợp pháp.
Mặc dù bị cáo Lê Anh Tú đã sẵn sàng nhận tội nhưng luật sư của anh ta tuyên bố rằng anh ta không có tội với tất cả các tội danh nêu ra. Đặc biệt, Tú nói anh không có mặt trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và bạn gái. Tòa cũng cảnh báo rằng trong trường hợp Lê Anh Tú cứ loanh quanh và nói đi nói lại thì việc xét xử sẽ không còn giá trị để thỏa thuận giảm án.
Bên lề phiên tòa, người ta biết rằng nạn nhân vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cuối cùng đã được Đại sứ quán Đức đến thăm sau hơn năm năm tù giam tại Việt Nam. Bộ Ngoại giao Liên bang Đức đã cố gắng trong nhiều năm để sắp xếp chuyến thăm mà Việt Nam luôn từ chối.
Không rõ liệu chuyến thăm đại sứ quán có nghĩa là Trịnh Xuân Thành sẽ sớm được phép trở lại Đức hay không, nơi ông này đã được cấp tị nạn và cũng là nơi gia đình của ông đang sinh sống. Tuy nhiên, theo thông lệ ngoại giao của Đức, một chuyến thăm chính thức đại sứ quán luôn là dấu hiệu báo trước của việc ra tù.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tới Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock vào Tháng Chín mới đây, cũng là một dấu hiệu cho thấy việc Trịnh Xuân Thanh ra tù ít nhất đã được thảo luận ở cấp cao. Và nhiều người đang nghĩ đến chuyện rằng một khi Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức, thì liệu ông này sẽ tiết lộ thêm điều gì thú vị trong thời gian bị bắt cóc và ở tù tại Việt Nam hay không.