Cuộc gặp trực tiếp Biden-Tập: Không thể có chuyện “băng tan”

Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden trong cuộc hội thảo video ngày 18 Tháng Ba 2022 (ảnh: Liu Bin/Xinhua via Getty Images)

Khi Joe Biden và Tập Cận Bình lần đầu tiên biết nhau cách nay 10 năm, Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã xích lại gần nhau hơn sau ba thập niên. “Quỹ đạo của mối quan hệ không có gì khác ngoài sự tích cực, và nó hoàn toàn vì lợi ích chung của cả hai nước” – Biden nhận định với tư cách Phó Tổng thống Mỹ khi đến thăm Bắc Kinh.

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh

Vào thứ Hai, 14 Tháng Mười Một, giờ địa phương Bali, Indonesia, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, hai nhà lãnh đạo lại gặp nhau nhưng lần này với một cách thế khác. Sự tích cực và lạc quan của một thập niên trước đã được thay thế bằng sự nghi ngờ và thù địch lẫn nhau. Khi Biden trở lại Toà Bạch Ốc với tư cách Tổng thống, ông cho rằng mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, với căng thẳng bùng phát trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, công nghệ, địa chính trị đến hệ tư tưởng.

Cuộc gặp trực tiếp ngày 14 Tháng Mười Một (cũng là cuộc tái ngộ đầu tiên giữa Biden và Tập kể từ khi Biden nhậm chức) diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với cả hai nhà lãnh đạo. Sau khi củng cố hơn nữa quyền lực của mình tại Đại hội Đảng Cộng sản TQ vào tháng trước, ông Tập đi vào cuộc họp với tư cách “lãnh đạo TQ quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông”. Trong khi đó, Biden đến châu Á sau màn trình diễn tốt hơn mong đợi của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ với việc đảng Dân chủ không chỉ giữ được Thượng viện mà còn giành chiến thắng lớn.

Nằm kẹt trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa hai cường quốc, Mỹ và TQ bất đồng về nhiều vấn đề lớn, từ Đài Loan, cuộc chiến Ukraine, Bắc Hàn, chuyển giao công nghệ đến hình dáng của trật tự thế giới mới. Theo các quan chức Mỹ, mục tiêu chính của cuộc gặp không phải là đạt được các thỏa thuận hoặc các nhiệm vụ (theo dự tính, hai lãnh đạo sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố chung nào) mà là “để hiểu rõ hơn về các ưu tiên của nhau và giảm thiểu những đánh giá sai lầm”. Ngày thứ Bảy tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nhắc lại quan điểm này tới các phóng viên trên chiếc chuyên cơ Air Force One khi ông lưu ý: “Cuộc gặp khó có thể dẫn đến bất kỳ đột phá lớn hoặc thay đổi mạnh mẽ nào trong mối quan hệ giữa hai nước”.

Ở Bắc Kinh, hy vọng thiết lập lại quan hệ như cũ với Washington cũng thấp. Thời Ân Hoàng (Shi Yinhong), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân, nhận định: “Sẽ là kỳ vọng quá lớn nếu tin cuộc gặp có thể dẫn đến bất kỳ sự cải thiện lâu dài và đáng kể nào trong quan hệ song phương! Dựa vào thực tế TQ và Mỹ đang ở trong tình trạng gần như đối đầu và đối đầu, không có nhiều chỉ dẫn để dự đoán sẽ có sự đả thông trong các vấn đề chính hai bên đều quan tâm. Trung tâm của khác biệt là cách hai quốc gia nhìn nhận động cơ của nhau, và những động cơ của bên kia có hại cho lợi ích quốc gia họ như thế nào”.

Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về kinh doanh và kinh tế TQ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS ) ở Washington, người vừa trở về sau chuyến thăm TQ kéo dài một tuần nhận định: “Người TQ tin rằng ưu tiên của Mỹ là kiềm chế TQ. Còn Mỹ tin rằng ưu tiên của TQ là làm cho thế giới an toàn hơn đối với các quốc gia độc tài, đẩy Mỹ ra khỏi châu Á và làm suy yếu các liên minh của Mỹ. Hai bên đổ lỗi hoàn toàn cho nhau về tình trạng xấu của mối quan hệ và bên này tin họ làm tốt hơn bên kia trong tình hình hiện nay. Người TQ nghĩ họ đang thắng, người Mỹ cũng nghĩ mình đang thắng. Vì vậy, cả hai sẵn sàng chịu trả giá. Bên này nghĩ bên kia rất khó có thể tạo ra bất kỳ thay đổi đáng kể nào. Tất cả những khác biệt đó làm giảm khả năng điều chỉnh mối quan hệ”.

Chủ tịch Tập Cận Bình được Phó Tổng thống Joe Biden đón tại Washington DC ngày 24 Tháng Chín 2015 (ảnh: Xinhua/Huang Jingwen via Getty Images)

Trong chuyến đi của Biden tới TQ năm 2011, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau và dùng bữa tại Bắc Kinh và thành phố Tây Nam Thành Đô. Họ cũng đã có một chuyến đi sâu vào vùng núi Tứ Xuyên để thăm một trường trung học nông thôn được xây dựng lại sau trận động đất chết người. Năm sau, Tập có chuyến thăm tới Mỹ theo lời mời của Biden. Biden cũng bay đến Los Angeles để gặp Tập trong chặng cuối cùng của chuyến công du. Các cuộc gặp gỡ trực tiếp của họ tiếp tục diễn ra sau khi Tập lên nắm quyền vào năm 2012. Lần cuối cùng họ gặp mặt trực tiếp là vào năm 2015, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Tập tới Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của TQ.

Khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh, động lực thân thiện từng có giữa hai nhà lãnh đạo cũng thay đổi. Tập là một người theo chủ nghĩa cứng rắn về ý thức hệ và tin tưởng TQ sẽ trở lại trung tâm sân khấu thế giới. Trong khi đó, Biden ngày càng cảm thấy khó chịu trước sự độc tài của TQ dưới thời Tập và xem sự cạnh tranh giữa hai nước như một cuộc chiến giữa chuyên quyền và dân chủ. Mùa hè năm ngoái, Biden đã công khai từ chối việc được coi là “bạn cũ” của Tập. “Nói thẳng thế này. Chúng tôi biết rõ về nhau nhưng không phải là bạn cũ mà tất cả chỉ là vấn đề công việc” – ông khẳng định – dẫn lại từ CNN.

Đánh giá của các chuyên gia

Thứ Tư tuần trước, Biden nói trong một cuộc họp báo rằng ông chỉ muốn nhân cuộc họp này để “xác định ranh giới đỏ của bên này đối với bên kia”, nhưng các chuyên gia tin rằng không thể đơn giản như thế. Đối với Bắc Kinh, không có lằn ranh đỏ nào rõ ràng hoặc quan trọng hơn tuyên bố của Tập đối với Đài Loan, một nền dân chủ tự quản mà Đảng Cộng sản TQ chưa bao giờ kiểm soát. Ông Tập coi “thống nhất” với hòn đảo là một vấn đề then chốt chưa được giải quyết trên con đường hướng tới “sự trẻ hóa tuyệt vời” của Trung Quốc, một tầm nhìn kiên định về tương lai mà ông thề sẽ đạt được vào năm 2049.

Phó Tổng thống Joe Biden trong chuyến công du Bắc Kinh ngày 4 Tháng Mười Hai 2013 (ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Và có lẽ không có Tổng thống Mỹ nào khiến Bắc Kinh tức giận vì Đài Loan trong vài thập niên gần đây hơn Biden, người đã bốn lần nói Mỹ sẽ bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp bị TQ xâm lược. Washington thừa nhận quan điểm của Bắc Kinh rằng Đài Loan là một phần của TQ, nhưng chưa bao giờ chấp nhận tuyên bố chủ quyền của họ đối với hòn đảo này. Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan, nhưng vẫn lấp lửng về việc liệu họ có can thiệp quân sự nếu TQ tấn công hòn đảo này không (một chính sách được gọi là “mơ hồ chiến lược”). TQ đã nhiều lần cáo buộc Mỹ “đùa với lửa” và biến chính sách “một TQ” thành sáo mòn! Sự tức giận của Bắc Kinh lên đến đỉnh điểm vào Tháng Tám qua, khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Bắc.

Giờ đây, hai nhà lãnh đạo lại ngồi trong cùng một phòng (kết quả của nhiều tuần thảo luận căng thẳng giữa hai bên) và Đài Loan sẽ nằm trong danh sách ưu tiên chương trình nghị sự của họ. Nhưng trong một dấu hiệu sẽ xảy ra tranh cãi, Biden đã nói “sẽ không có nhượng bộ cơ bản” đối với ông Tập, và cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã công bố kế hoạch thông báo cho Đài Loan về các cuộc đàm phán để làm cho Đài Bắc cảm thấy yên tâm. Kế hoạch đó đã thu hút sự lên án ngay lập tức từ Bắc Kinh. “Bản chất kế hoạch này là cực kỳ nghiêm trọng” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố vào thứ Sáu tuần trước.

Các chủ đề chính khác trong chương trình nghị sự gồm cuộc chiến ở Ukraine, cũng như các lĩnh vực mà Mỹ hy vọng sẽ hợp tác tốt với TQ, chẳng hạn các hành động khiêu khích mới đây của Bắc Hàn và biến đổi khí hậu. Về vấn đề Bắc Hàn, kể từ Tháng Ba năm ngoái, TQ đã ngừng coi việc phi hạt nhân hóa Bắc Hàn là một yếu tố cơ bản của chính sách Bán đảo Triều Tiên. Về hợp tác khí hậu cũng không khả quan hơn. TQ và Mỹ có thể tìm thấy nhiều lợi ích chung về vấn đề này, nhưng khi nói về cách đối phó cụ thể với biến đổi khí hậu, nó luôn dẫn đến sự đối kháng về chính sách và cạnh tranh về ý thức hệ và ảnh hưởng toàn cầu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: