Từ Hàn Quốc
Ở Mỹ, hầu hết chất thải thực phẩm được đưa vào các bãi chôn lấp khổng lồ, trong khi ở HQ, chúng được tái chế gần như 100%. Nhiều chuyên gia đề nghị cách xử lý rác thực phẩm của HQ nên được xem là “mô hình học tập” với các nguyên tắc cốt lõi về tái chế rác thực phẩm.
Trong một phóng sự đề tài này, tờ The Guardian cho biết, cứ khoảng vài tháng một lần, Hwang Ae-soon, 69 tuổi sống ở thủ đô Seoul lại ghé vào một cửa hàng tạp hóa địa phương để mua một bịch 10 chiếc túi nhựa đựng rác đặc biệt màu vàng. Kể từ năm 2013, theo chương trình ủ rác bắt buộc của HQ, người dân được yêu cầu sử dụng những chiếc túi này để bỏ thức ăn thừa vào. Được in dòng chữ “designated food waste bag” (túi rác thực phẩm chuyên dụng), mỗi chiếc túi dung tích 3 lít có giá 300 won (khoảng $0.22). Tại quận Geumcheon-gu của bà Hwang, dịch vụ gom túi rác diễn ra hàng ngày, trừ thứ Bảy. Tất cả những gì bà phải làm là thoát nước khỏi túi và đặt nó vào một chiếc thùng đặc biệt để trên lề đường khi Mặt trời đã lặn.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi đô thị hóa phát triển mạnh mẽ, và đi kèm với nó là mạng lưới cung cấp thực phẩm được công nghiệp hóa và chế biến với quy mô rác thải ngày càng lớn. Từ cuối thập niên 1990, khi các bãi rác ở khu vực thủ đô gần đạt đến giới hạn của nó, chính phủ HQ thực hiện loạt chính sách cấp bách nhằm giảm bớt nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng rác thải. Năm 2005, chính phủ cấm chôn chất thải hữu cơ trong các bãi chôn lấp và năm 2013 cấm đổ nước rỉ (chất lỏng tiết ra từ thực phẩm thối rữa) ra biển. Việc ủ phân hữu cơ từ rác cũng được thực hiện vào năm đó, và mọi người phải tách thực phẩm ra khỏi rác thải của họ.
Túi màu vàng của Hwang sẽ được vận chuyển đến một nhà máy chế biến, nơi các bao nhựa được lấy ra và thực phẩm dư thừa được tái chế thành khí sinh học, thức ăn gia súc hoặc phân bón. Một số thành phố cũng sử dụng máy thu gom rác thực phẩm tự động trong các khu chung cư để người dân tự bỏ túi vào ngăn quy định và quẹt thẻ để thanh toán phí dựa trên trọng lượng rác đổ.
Kết quả của hệ thống xử lý rác thật sự đáng khích lệ. Năm 1996, HQ chỉ tái chế khoảng 2.6% lượng rác thải thực phẩm nhưng ngày nay đã tái chế gần như 100% lượng rác thực phẩm thải ra. Cần biết, rác thải thực phẩm nặng do độ ẩm cao, khiến việc vận chuyển tốn kém. Ở HQ, doanh thu từ những chiếc túi màu vàng được chính quyền cấp quận, huyện thu để giúp bù đắp chi phí của quá trình này. Trên thực tế, khoản thu này được xem như một loại thuế đổ rác! (ở quận Geumcheon-gu của Hwang, chi phí mua túi vàng chiếm khoảng 35% tổng chi phí đổ rác hàng năm của các hộ gia đình).
Nhìn về Mỹ
Tại Mỹ, nơi hầu hết rác thải thực phẩm vẫn còn đưa vào các bãi chôn lấp (nguồn khí mê-tan lớn thứ ba trong cả nước), chính quyền các tiểu bang và thành phố cũng đang tính đến việc tái chế lượng thực phẩm bị loại bỏ ngày càng nhiều. Đầu năm nay, California đã ban hành dự luật 1383 được Thượng viện tiểu bang thông qua, trong đó bắt buộc phải thu gom rác thải thực phẩm riêng biệt ở tất cả các khu vực với mục tiêu giảm 75% lượng rác thải hữu cơ chôn lấp vào năm 2025.
Thành phố New York, nơi từ lâu đã phải vật lộn để tìm kiếm một hệ thống tái chế thực phẩm khả thi, gần đây đã giới thiệu chương trình ủ phân hữu cơ đầu tiên ở địa hạt Queens. Hiện chỉ có chín tiểu bang của Mỹ có lệnh cấm chôn lấp chất thải hữu cơ, trong khi các tiểu bang khác phải đối mặt với chi phí cao và sự phức tạp của việc xây dựng cơ sở hạ tầng tái chế mới. Dana Gunders, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận ReFe chuyên nghiên cưu rác thải thực phẩm cho biết:
“Trước hết là phải có sự đồng thuận chính sách, sau đó là tìm nguồn tiền cho cơ sở hạ tầng để thực thi chính sách, và cuối cùng là bảo đảm rác thực phẩm được thu gom đúng quy định tại các hộ gia đình. Tiếc thay, hầu hết các thành phố vẫn còn ở giai đoạn định hình chính sách”.
Dù mọi quyết định về rác thực phẩm sẽ thuộc về các tiểu bang và thành phố nói riêng để tìm ra những chính sách tái chế phù hợp nhất với môi trường khác biệt của họ, nhưng cách xử lý rác thực phẩm của HQ có thể được tham khảo như mô hình đối với Mỹ.
Nhưng cũng có những câu chuyện cảnh báo về mô hình HQ. Dù các cơ sở tái chế tập trung là cần thiết để xử lý rác quy mô lớn hơn mà nước Mỹ đang cần, một số cơ sở tái chế ở HQ đã đạt mức quá tải. Dù trên giấy tờ, tỷ lệ tái chế chất thải thực phẩm của Hàn Quốc là gần 100%, vẫn cần có các quy trình tái chế đầu cuối đa dạng hơn. Ngoài ra, việc sử dụng chất thải thực phẩm tái chế làm thức ăn chăn nuôi đã giảm mạnh bởi các dịch bệnh gia súc như cúm gia cầm và dịch tả lợn Châu Phi, trong khi phân bón làm từ rác thực phẩm đang phải vất vả tìm người tiêu thụ, ngay cả những nông dân được chính phủ cung cấp miễn phí.
Những nỗ lực dựa vào cộng đồng cũng có thể được áp dụng tại Mỹ để tăng khả năng tiếp cận ban đầu của người dân với phân hữu cơ bằng cách tận dụng thực phẩm thải bỏ trong nhà để làm phân bón cho vườn nhà. “Ngoài ra, tái chế chất thải thực phẩm còn mang lại những lợi ích bổ sung như tạo việc làm và làm màu mỡ thêm cho đất đai địa phương” – Madeline Keating của NRDC nói.
Tất nhiên, biến thực phẩm dư thừa thành phân không phải là giải pháp “thần thánh” vì không có hoạt động tái chế nào thay thế được ý thức tiết kiệm thực phẩm của mỗi cá nhân và gia đình. Điều đó có nghĩa là chỉ mua đủ và ăn đủ, không mua thừa, chế biến thừa dẫn đến những tốn kém xử lý sau đó. Không có một giải pháp nào phù hợp với tất cả mọi người mà mỗi cá nhân cần tự xem xét lý do tại sao thực phẩm lại lãng phí trong nhà bếp của mình và tìm cách không cho điều này xảy ra!