An ninh chìm Trung Quốc nhan nhản thế giới!  

Biểu tình chống Trung Cộng tại Quảng trường St Peter’s, Manchester, Anh ngày 16 Tháng Mười 2022 (ảnh: Christopher Furlong/Getty Images)

Một kết luận điều tra mới được chia sẻ độc quyền với CNN cho biết Trung Quốc (TQ) đang điều hành hơn 100 đồn cảnh sát trên khắp thế giới với sự giúp đỡ của các quốc gia sở tại. Các đồn này dùng để giám sát, quấy rối và trong một số trường hợp là cưỡng ép hồi hương công dân TQ sống lưu vong thông qua các thỏa thuận an ninh song phương với nhiều nước ở châu Phi và thậm chí châu Âu…

Biểu tình trước Tòa đại sứ Trung Quốc ở The Hague, Hà Lan vào Tháng Một 2022 (ảnh: Pierre Crom/Getty Images)

Không phải 54 đồn mà… 100!

Tổ chức vận động nhân quyền Safeguard Defenders (SD) có trụ sở ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha cho biết đã tìm thấy bằng chứng TQ còn điều hành 48 đồn cảnh sát ở nước ngoài khác kể từ khi tổ chức này tiết lộ sự tồn tại của 54 đồn vào Tháng Chín qua. Báo cáo mới của SD có tên “Patrol and Persuade” (Tuần tra và Thuyết phục) tập trung vào quy mô của mạng lưới “đồn cảnh sát TQ” ở nước ngoài và xem xét vai trò của “sáng kiến cảnh sát chung” (joint policing initiative) giữa TQ và một số quốc gia châu Âu, gồm cả Ý, Croatia, Serbia và Romania với mục tiêu mở rộng các đồn cảnh sát TQ ở nước ngoài.

Trong những phát hiện mới của SF có việc một công dân TQ bị ép trở về nước bởi các “đặc vụ” được tuyển dụng làm việc bí mật làm việc cho cái gọi là “văn phòng Hoa kiều vụ” ở ngoại ô Paris, sau khi có tiết lộ trước đó về hai người TQ lưu vong trở về nước một cách đáng ngờ. SF cho biết họ đã xác định được bốn cơ quan cảnh sát khác nhau thuộc Bộ Công an TQ đang hoạt động tại ít nhất 53 quốc gia trên khắp thế giới với vỏ bọc giúp đỡ những người Hoa có nhu cầu. Bắc Kinh phủ nhận điều hành lực lượng cảnh sát không được công bố bên ngoài lãnh thổ mình.

Bộ Ngoại giao TQ nói với CNN vào Tháng Mười Một: “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan ngừng thổi phồng vấn đề này để gây căng thẳng và sử dụng nó như một cái cớ để bôi nhọ TQ”. Thay vào đó, TQ tuyên bố các cơ sở được đề cập là trung tâm hành chính được thành lập để giúp những người Hoa xa xứ gia hạn giấy phép lái xe và các yêu cầu khác. Ngoài ra các trung tâm này phụ trách luôn những phát sinh do đại dịch Covid-19, khiến nhiều công dân TQ kẹt ở các quốc gia khác hay không thể nhập cảnh vào TQ vì giấy tờ quá hạn. Bộ Ngoại giao TQ cho biết các văn phòng ở nước ngoài đều do các tình nguyện viên phụ trách.

Tuy nhiên, điều tra mới nhất của SF khẳng định mạng lưới cảnh sát TQ đã tuyển 135 đặc vụ chuyên trách cho 21 trạm đầu tiên. SF biết rõ một đặc vụ ký hợp đồng ba năm làm việc cho đồn cảnh sát TQ ở thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển. Theo luật quốc tế, các hoạt động lãnh sự không được khai báo bên ngoài cơ quan đại diện ngoại giao chính thức của một quốc gia là bất thường và bất hợp pháp, trừ khi nước sở tại có sự đồng ý cụ thể. Báo cáo SF khẳng định các văn phòng ở nước ngoài của TQ không phải mới thành lập trong đại dịch mà có trước đại dịch vài năm.

Loạt báo cáo của SF đã dẫn đến cuộc điều tra ở ít nhất 13 quốc gia khác nhau cho đến nay và gây ra cuộc chiến ngoại giao ngày càng gay gắt giữa TQ và các quốc gia như Canada, nơi có cộng đồng người Hoa đông đảo.

Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Ý (ảnh: Jin Mamengni/Xinhua via Getty Images)

Nhiều quốc gia cho phép đồn cảnh sát TQ

TQ đã phát triển mối quan hệ ngày càng sâu đậm với nhiều quốc gia trên thế giới, nơi các đồn cảnh sát được thành lập, gây khó xử cho chính phủ các quốc gia này trong việc cân bằng lợi ích giữa thương mại và an ninh quốc gia. Thậm chí TQ đã ký thỏa thuận tuần tra cảnh sát với một số nước. Ví dụ, nước Ý – đã ký một loạt thỏa thuận an ninh song phương với TQ qua các đời chính phủ liên tiếp kể từ năm 2015 – hiện vẫn giữ im lặng trước những tiết lộ về các hoạt động cảnh sát của TQ trên lãnh thổ của mình.

Từ năm 2016-2018, cảnh sát Ý đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung với cảnh sát TQ, đầu tiên là ở Rome, Milan và sau đó ở các thành phố khác như Napoli. SF cho biết đã tìm thấy bằng chứng chính quyền địa phương ở Ý cấp phép cho hệ thống video theo dõi bên ngoài một khu dân cư của TQ với lý do “để ngăn chặn tội phạm hiệu quả hơn”. Năm 2016, một quan chức cảnh sát Ý nói với NPR: “Việc phối hợp kiểm soát sẽ dẫn đến hợp tác quốc tế sâu rộng hơn, bên cạnh việc trao đổi thông tin và chia sẻ tài nguyên để chống lại các nhóm tội phạm và khủng bố đang gây ảnh hưởng tại hai quốc gia”.

Một tổ chức phi chính phủ của Ý xác định chính phủ Rome cho phép đặt 11 đồn cảnh sát TQ tại Venice, Prato, gần Florence và một số nơi khác. Năm 2018, một video đăng trên các trang web của TQ nói về lễ khánh thành một đồn cảnh sát mới ở Rome với sự tham dự của các quan chức cảnh sát Ý cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa lực lượng cảnh sát hai nước. Đầu năm nay, tờ báo Ý La Nazione cho biết cuộc điều tra tại địa phương về một trong các đồn cảnh sát đã không phát hiện ra bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào!

TQ cũng đạt được các thỏa thuận tuần tra chung với Croatia và Serbia từ 2018-2019 với mục đích bề nổi là “hỗ trợ cho chính sách đối ngoại ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ (Belt and Road Initiative) của Tập Cận Bình. Truyền thông TQ đưa hình ảnh cảnh sát TQ tuần tra chung với cảnh sát Croatia trên đường phố thủ đô Zagreb vào Tháng Bảy năm nay. Tân Hoa Xã phỏng vấn một quan chức cảnh sát Zagreb và ông này nói thẳng: “Các cuộc tuần tra chung là cần thiết để bảo vệ và thu hút du khách nước ngoài”. Một báo cáo năm 2019 của hãng tin Reuters cho biết cảnh sát TQ đã tuần tra chung với cảnh sát Serbia ở Belgrade để bảo vệ số lượng đông đảo khách du lịch TQ.

Theo SF, từ nhiều năm qua TQ cũng có đồn cảnh sát ở Nam Phi và ở các quốc gia lân cận nhờ một thỏa thuận hợp tác. TQ bắt đầu đặt nền móng cho mối quan hệ chặt chẽ hơn với các cơ quan thực thi pháp luật của Nam Phi cách nay gần hai thập niên trước khi thành lập một mạng lưới gồm những gì được gọi chính thức là “Trung tâm Hoa vụ ở nước ngoài” hợp tác với chính phủ Nam Phi theo một số thỏa thuận an ninh song phương.

Ảnh hưởng bởi ràng buộc kinh tế, Nam Phi có những quan hệ nhất định với an ninh Trung Quốc (trong ảnh là cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi, Lin Songtian) – ảnh: Phil Magakoe/Gallo Images via Getty Images)

Trung Quốc di lý công dân về nước trái với ý muốn của họ

SF tình cờ phát hiện các mạng lưới của cảnh sát TQ khi cố gắng đánh giá quy mô nỗ lực của TQ nhằm thuyết phục một số người dân của họ “quy cố hương” ngay cả khi họ không muốn, đặc biệt trong thời gian Tập Cận Bình nắm quyền. “Những gì chúng tôi thấy là TQ đang gia tăng nỗ lực đàn áp những người bất đồng chính kiến ở khắp nơi trên thế giới, đe dọa người dân, quấy rối và làm cho họ đủ sợ hãi để im lặng. Ai ngoan cố sẽ bị di lý về nước trái với ý muốn” – Bà Laura Harth, phụ trách cuộc điều tra của SF nhận định – Nỗ lực bắt đầu bằng các cuộc gọi điện thoại đến đối tượng, sau đó là đe dọa người thân của họ ở quê nhà và làm mọi cách để họ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc quay về.

Nếu không hiệu quả, TQ sẽ sử dụng các đặc vụ bí mật ở nước ngoài hoặc từ Bắc Kinh sang để giải quyết dứt điểm (Bộ Nội vụ Pháp từ chối câu hỏi của CNN về cáo buộc một công dân TQ bị đồn cảnh sát TQ ở ngoại ô Paris ép phải về nước). Báo cáo SF gây ra sự phẫn nộ lớn ở một số quốc gia cùng sự im lặng dễ hiểu ở những quốc gia khác. Tháng trước, Giám đốc FBI Christopher Wray đã nói với Ủy ban An ninh Nội địa Hoa Kỳ (Homeland Security Committee) ông vô cùng lo ngại về những tiết lộ này.

“Thật không thể chấp nhận được khi biết cảnh sát TQ đơn phương thành lập một đồn cảnh sát ở New York chẳng hạn. Nó vi phạm chủ quyền và phá vỡ các quy trình hợp tác tư pháp và thực thi pháp luật tiêu chuẩn” – ông nói. Ireland đã đóng cửa đồn cảnh sát TQ phát hiện trên lãnh thổ mình. Hà Lan cũng có các biện pháp tương tự, còn Tây Ban Nha đang mở một cuộc điều tra.

___________

Iran và Trung Quốc thuê thám tư Mỹ cho các hoạt động ám muội

Trung Quốc mở văn phòng cảnh sát hải ngoại để làm gì?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: