Một cựu sĩ quan tình báo Libya bị buộc tội chế tạo quả bom phá hủy máy bay chở khách của hãng hàng không PanAm trên bầu trời Lockerbie, Scotland, năm 1988 đã bị Mỹ giam giữ và sẽ bị truy tố vì hành động khủng bố.
Kẻ chế tạo bom
Ngày 11 Tháng Mười Hai, Bộ Tư pháp đã xác nhận việc bắt giữ Abu Agela Mas’ud Kheir al-Marimi sau một cuộc truy đuổi quốc tế dài 34 năm nhằm vào những kẻ chịu trách nhiệm về một trong những vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất nhằm vào người Mỹ.
Ngày 21 Tháng Mười Hai, 1988, Pan Am 103 bay được 38 phút từ London đến New York thì bị nổ tan tành. Tất cả 259 người trên máy bay đều thiệt mạng (có 190 người Mỹ, trong đó có 35 du học sinh Đại học Syracuse trở về nhà nghỉ sau một học kỳ), cùng với 11 người trên mặt đất. Trước vụ khủng bố 9/11, vụ đánh bom chiếc Boeing 747 là vụ tấn công khủng bố lớn nhất nhằm vào thường dân Mỹ, dẫn đến các lệnh trừng phạt chính quyền Libya, khiến FBI phải định hình lại cách tiến hành các cuộc điều tra quốc tế và khởi đầu một loạt biện pháp giữ an toàn cho các hành khách đi máy bay.
Dù đã có hai sĩ quan tình báo Libya bị xét xử trong vụ Lockerbie, Mas’ud sẽ trở thành người đầu tiên hầu toà trong phòng xử án tại Mỹ. Năm 2020, nhân 32 năm vụ tấn công, chính phủ Hoa Kỳ đã công bố cáo buộc chống lại y khi Bộ trưởng Tư pháp lúc đó – William P. Barr – khẳng định “vụ đánh bom máy bay được lãnh đạo tình báo Libya ra lệnh và Moammar Gaddafi (Tổng thống Libya từ năm 1969 đến 2011) đích thân cảm ơn Mas’ud vì chiến tích của y. Vào thời điểm Mỹ chính thức công bố tội danh, Mas’ud đang bị giam ở Libya trong một vụ án không liên quan.
Hiện chưa rõ chính quyền Hoa Kỳ đã mang y về nước bằng cách nào. Những người mất người thân trong vụ đánh bom gọi tin tức này là “một cột mốc quan trọng”. Stephanie Bernstein, 71 tuổi, cư dân Maryland, có chồng Michael thuộc số nạn nhân, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi không bao giờ nghĩ sẽ có ngày hôm nay vì tôi tin sẽ không còn ai khác bị buộc tội giết chồng tôi!”.
Tính đến nay, chỉ một người bị kết án trong vụ Lockerbie. Năm 1991, trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của mình, ông Barr đã công bố những cáo buộc đầu tiên chống lại đặc vụ tình báo Libya Abdel Basset Ali al-Megrahi và đồng phạm là Lamen Khalifa Fhimah nhưng Libya từ chối gửi họ đến Hoa Kỳ hoặc Anh để xét xử, khiến các nỗ lực truy tố bị đình trệ và các lệnh trừng phạt Lybia được đưa ra.
Cuối cùng, năm 1999 chính phủ Libya mới đồng ý giao hai nghi phạm cho tòa án Scotland xét xử tại một căn cứ quân sự cũ của Hoa Kỳ ở Hà Lan. Fhimah trắng án, trong khi Megrahi bị kết án chung thân. Tổng thống Barack Obama đã chỉ trích Scotland trả tự do cho Megrahi vào năm 2009 với lý do mắc bệnh ung thư. Y qua đời khoảng ba năm sau đó.
Nút mở đầu tiên
Cuộc điều tra sơ khởi cho thấy có thể có sự tham gia của một người tên là “Abu Agela Masud” (theo một bản khai có tuyên thệ của FBI) nhưng không thể xác định được danh tính y. Bước đột phá chỉ đến khi FBI biết Mas’ud đã bị bắt sau ngày chế độ Gaddafi sụp đổ và được lấy cung bởi một điều tra viên người Libya vào năm 2012. Khoảng năm 2017, FBI có được bản sao cuộc phỏng vấn đó (dịch từ tiếng Ả Rập sang tiếng Anh).
Theo bản khai có tuyên thệ của phía Mỹ được nộp để hỗ trợ cho vụ án, Mas’ud thừa nhận trong cuộc hỏi cung là chính y đã chế tạo quả bom làm nổ Chuyến bay 103 và giúp cặp Megrahi, Fhimah thực hiện âm mưu. Mas’ud nói chính các quan chức tình báo Libya đã chỉ đạo y mang vali chứa bom đến Malta. Y đã bay đến đó với chiếc túi Samsonite cỡ trung bình, gặp Megrahi, Fhimah tại sân bay Luqa, và đưa cho họ sau khi đã gài hẹn giờ nổ 11 giờ theo hướng dẫn.
Fhimah đặt Samsonite chứa bom lên băng chuyền hành lý. Mas’ud cho biết thiết bị nổ được giấu sao cho rất khó phát hiện, đó là đặt nó gần các bộ phận kim loại của chiếc vali. Sau khi bàn giao, y bay đến Tripoli. Khi nghe tin một vụ đánh bom thành công mỹ mãn, Mas’ud và Fhimah gặp Gaddafi và vài lãnh đạo khác để nghe lời cảm ơn “vì đã thực hiện nghĩa vụ quốc gia vĩ đại chống lại người Mỹ” (bản khai có tuyên thệ của FBI dựa vào cuộc hỏi cung Mas’ud nêu).
Vẫn cần hợp tác quốc tế
Mark Zaid, luật sư về an ninh quốc gia, người đại diện cho gia đình các nạn nhân trong vụ đánh bom, cho biết phiên tòa sắp tới có thể cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ tấn công. “Tôi hy vọng thông qua phiên tòa này, chúng ta sẽ biết được thêm các thông tin mới về vụ đánh bom và chính xác Mas’ud đã nhận lệnh từ ai. Nếu y bị kết án và có thêm các thủ phạm mới, nước Mỹ sẽ tiếp tục điều tra và buộc tội nhiều người hơn nữa. Nhưng nếu Mas’ud được trắng án, đây có thể là dấu chấm hết cho cuộc điều tra dai dẳng đến 34 năm”.
Brian Finucane, một cố vấn pháp lý chính thức tại Bộ Ngoại giao hiện làm việc với Nhóm Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở tại Brussels lưu ý là đã có ba cá nhân được đưa đến từ Libya và bị xét xử tại Hoa Kỳ trong các vụ án khác. Đó là Ahmed Abu Khattala, người bị kết án vào năm 2018, đã phải di lý bằng tàu hải quân vì không thể tìm được quốc gia thứ ba cung cấp sân bay trung chuyển.
Khi công bố các cáo buộc chống lại Mas’ud vào năm 2020, Barr cho biết ông hy vọng chính phủ Libya sẽ cho phép xét xử nghi can chế tạo bom và sẽ cung cấp các nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết cho phía Mỹ. Ông nói Hoa Kỳ cũng “hợp tác chặt chẽ với Scotland để sử dụng mọi phương tiện khả thi và phù hợp nhằm đảm bảo Mas’ud phải chịu trách nhiệm trong vụ đánh bom Lockerbie”.
Ngày 11 Tháng Mười Hai, người phát ngôn của Văn phòng Hoàng gia Scotland cho biết các công tố viên Scotland sẽ làm việc cùng với các đồng nghiệp từ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh để tiếp tục theo đuổi cuộc điều tra Lockerbie “với mục đích duy nhất là đưa những kẻ đã hành động cùng với Al Megrahi ra trước công lý” – The Washington Post cho biết.