Một năm trước, Hollywood đã chứng kiến những cái chết không kèn không trống: Gần như những tác phẩm được kỳ vọng nhất giành Oscar như “Licorice Pizza” và “Nightmare Alley” đều bị lép vế và bán ế thảm hại tại phòng vé.
Thời của những bộ phim tử tế được bà con mê điện ảnh rủ nhau ra rạp xem dường như đã chấm dứt. Muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng công nghệ phát trực tuyến (streaming) đang thay đổi dữ dội diện mạo công nghiệp điện ảnh Hollywood.
Cách đây không lâu, các hãng phim lớn từng bày tỏ hy vọng rằng Tháng Mười Một 2022 là thời điểm có thể thấy được “những ngày xưa oanh liệt”, khi đại dịch COVID-19 không còn là yếu tố khiến các rạp chiếu bóng vắng như chùa bà Đanh. Tuy nhiên, thực tế vẫn thảm hại. Hết bộ phim này đến bộ phim khác đều không bán được đủ vé để hoàn vốn, huống chi lời.
“Armageddon Time” tốn khoảng $30 triệu sản xuất và tiếp thị nhưng thu về chỉ $1.9 triệu tại phòng vé Bắc Mỹ. “Tár” có ngân sách sản xuất ít nhất $35 triệu, bao gồm cả tiếp thị, nhưng tổng doanh thu vé chỉ $5.3 triệu. Universal chi khoảng $55 triệu để sản xuất và tiếp thị “She Said” nhưng thu về vỏn vẹn $5.3 triệu. “Devotion” có kinh phí hơn $100 triệu nhưng doanh số vé chỉ $14 triệu!
Ngay cả một đạo diễn nổi tiếng “quyến rũ”, từng được mệnh danh “ông hoàng phòng vé”, và cái tên bảo chứng cho phim ăn khách – Steven Spielberg – cũng thất bại cay đắng. “The Fabelmans”, dựa trên thời niên thiếu của Spielberg, chỉ thu được $5.7 triệu sau bốn tuần chiếu. Ngân sách của nó là $40 triệu, chưa tính chi phí tiếp thị. Năm 2021, “West Side Story” của Steven Spielberg cũng nếm cay đắng mùi đời khi đầu tư $100 triệu nhưng chỉ thu vào khoảng $38.5 triệu tại thị trường Bắc Mỹ và $36.4 triệu tại thị trường quốc tế. Tổng doanh thu “West Side Story” chỉ khoảng $74.9 triệu.
Dĩ nhiên vấn đề ở đây không phải là chất lượng. Giới bình luận đều đánh giá rất cao hầu hết bộ phim nói trên. Nguyên nhân chính là người mê điện ảnh ngày càng có khuynh hướng xem dịch vụ trực tuyến (streaming) hơn là ra rạp và thưởng thức tác phẩm điện ảnh với gói bắp rang trong tay.
Trong thực tế, kể từ khi những bộ phim tranh Oscar bắt đầu xuất hiện trên dịch vụ phát trực tuyến vào cuối những năm 2010, Hollywood đã bắt đầu thấy rõ nguy cơ và lo rằng ngày nào đó, những bộ phim đỉnh cao của nghệ thuật thứ bảy sẽ biến mất khỏi các cụm rạp. Bằng chứng “văn hóa màn ảnh đại vĩ tuyến” hết thời đã gần với thực tế hơn bao giờ hết khi vào Tháng Ba 2022, lần đầu tiên, một bộ phim phát trực tuyến, “CODA” của Apple TV+, đã giành được Oscar Phim hay nhất.
Giới sản xuất Hollywood, đặc biệt những người thuộc “thế hệ cũ” và truyền thống như Steven Spielberg, coi sự thay đổi này là một sỉ nhục đối với bản sắc họ. Những ông trùm công nghiệp điện ảnh quyền lực nhất vẫn cứ tin vào một ảo tưởng rằng thế giới văn hóa điện ảnh luôn thuộc quyền kiểm soát của họ và khán giả không có chọn lựa nào khác. Họ suy nghĩ như thể Hollywood đang ở vào thời thập niên 1940.
Hẳn nhiên cũng có vài phim thuộc loại “khó xem” vì đề tài không chạy theo “hàng chợ” và vẫn lai rai có khách. “Till,” nói về nhân vật Mamie Till-Mobley, người có con trai, Emmett Till, bị sát hại ở Mississippi năm 1955, đã thu được $8.9 triệu ở thị trường Mỹ và Canada. Đó là con số khích lệ đối với một bộ phim cực kỳ kén khán giả. “The Banshees of Inisherin” – thu được $8 triệu tại thị trường Mỹ và $20 triệu tại thị trường nước ngoài – là một trường hợp tương tự.
Đại diện hãng Searchlight Pictures trấn an: “Mặc dù rõ ràng thị trường phim chiếu rạp chưa phục hồi hoàn toàn, nhưng chúng tôi thấy ‘The Banshees of Inisherin’ mang đến sự tranh luận sôi nổi của khán giả… Chúng tôi tin chắc rằng sẽ có chỗ trong rạp đối với những bộ phim có thể mang đến cho khán giả nhiều trải nghiệm điện ảnh.” Tuy nhiên, với những người làm ăn, lời lỗ là những con số cũng rõ ràng không kém.
“Till” chẳng hạn, phim này có ngân sách sản xuất và quảng cáo ít nhất $33 triệu! “The Woman King”, với sự tham gia của ngôi sao Viola Davis trong vai thủ lĩnh một nhóm chiến binh châu Phi toàn nữ, đã thu về gần $70 triệu tại các rạp chiếu nội địa Mỹ ($92 triệu trên toàn thế giới). Ngân sách sản xuất phim này là $50 triệu và hàng chục triệu đôla nữa cho chiến dịch quảng cáo.
Một cách công bằng, phim loại “sang”, “cao cấp” nhắm đến Oscar, hiếm khi trở thành bom tấn. Năm khi mười họa mới có vài phim ăn khách phòng vé. Bộ phim về Đại chiến thế giới lần thứ nhất – “1917” – đã thu về $159 triệu ở Bắc Mỹ vào năm 2019 và $385 triệu trên toàn thế giới. Năm 2010, “Black Swan”, với sự tham gia của minh tinh Natalie Portman trong vai một nữ diễn viên ballet mất trí nhớ, thu về $107 triệu ($329 triệu trên toàn thế giới). Đó là vài trường hợp hiếm hoi.
Với một số nhà phân tích, ngoài yếu tố bị cạnh tranh bởi streaming, vấn đề còn ở chỗ nội dung kịch bản. Họ nêu một số ví dụ: “Everything, Everywhere All at Once” với ngôi sao Dương Tử Quỳnh đã thu về $70 triệu ở Bắc Mỹ; “Elvis” của đạo diễn Baz Luhrmann mang về $151 triệu tiền vé thị trường nội địa Mỹ.
Một số giám đốc điều hành hãng phim cho rằng việc đánh giá thành bại dựa vào tổng doanh thu phòng vé là một cách tính lỗi thời. Có nghĩa rằng, một số hãng phim không chỉ dựa vào phòng vé mà còn từ một số hình thức khác. Chẳng hạn Focus Features, hãng này đã phát triển mô hình kinh doanh mới trong hai năm qua.
Các bộ phim của họ, trong đó có “Tár” và “Armageddon Time”, không chỉ phát ngoài rạp mà còn được bán từ dịch vụ cho thuê video theo yêu cầu (video-on-demand rental), với giá không hề rẻ, chỉ sau ba tuần ra rạp (trước đây, các rạp chiếu có thời hạn độc quyền khoảng 90 ngày.) Focus cho biết số tiền thu được từ dịch vụ cho thuê (phát qua streaming) là rất đáng kể, dù họ không nói con số “đáng kể” cụ thể.
Thật ra doanh số phòng vé vẫn là nguồn thu quan trọng nhất. Với nhiều ông trùm Hollywood, tiền thu được từ dịch vụ video-on-demand rental chỉ là bạc cắc. Những tập đoàn lớn sở hữu những hãng phim hẳn nhiên biết rõ nếu phim không bán vé tốt ở rạp thì chắc chắn không đủ lợi nhuận.
Cần biết, tập đoàn Disney sở hữu Searchlight. Comcast sở hữu Focus. Amazon sở hữu United Artists. Giám đốc điều hành của những tập đoàn này thường được trân trọng mời dự giải Oscar để thấy sản phẩm thuộc công ty của họ gây tiếng vang và có giá trị như thế nào. Tuy nhiên, khi ra về, câu hỏi đọng lại trong đầu họ là tác phẩm đó đã kiếm được bao nhiêu tiền.
Với một số người lạc quan, họ nói rằng “cái gì cũng phải từ từ, phải biết kiên nhẫn”. Steven Spielberg tin rằng thời hoàng kim lại sẽ trở về (“I think movies are going to come back” – ông nói với The New York Times). Khó lắm, không dễ đâu. Chưa bao giờ mà trong thời đại này mọi thứ lại trôi qua với tốc độ dồn dập như vậy, đặc biệt hiện tượng tâm lý chóng tàn và thay đổi xoành xoạch nhanh không kịp thở.