Nghị viện châu Âu (European Parliament) đang bị mất uy tín khi chìm sâu vào loạt vụ bê bối tham nhũng.
Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua những ngày chao đảo với một trong những vụ bê bối tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Vào cuối tuần trước, Cảnh sát liên bang Bỉ cho biết đã tiến hành các cuộc đột kích và bắt giữ bốn nghi can trong cuộc điều tra tham nhũng đến các khoản thanh toán và quà tặng từ Qatar cho các thành viên (MEP) của Nghị viện châu Âu và nhân viên của họ.
Đài truyền hình Bỉ và chi nhánh RTBF của kênh CNN trích dẫn thông báo của Văn phòng Công tố liên bang Bỉ cho biết cuộc điều tra nhắm vào các hành vi “tham nhũng và rửa tiền của một tổ chức nhằm gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và chính trị của Nghị viện châu Âu bằng cách tặng tiền và quà”.
Nổi bật nhất trong những người bị bắt là MEP Hy Lạp Eva Kaili, một trong 14 phó chủ tịch của Nghị viện châu Âu vào thời điểm bị bắt giữ (nay đã bị bãi nhiệm). Cả Chính phủ Qatar và Kaili đều phủ nhận mọi hành vi sai trái. Kaili đã không xuất hiện tại phiên điều trần dự kiến vào ngày 14 Tháng Mười Hai. Văn phòng Công tố liên bang Bỉ cho biết bà ta bị tạm giam chờ ra tòa vào ngày 22 Tháng Mười Hai, đồng thời xác nhận một “cuộc điều tra quy mô lớn” vẫn chưa kết thúc liên quan đến hoạt động tội phạm, tham nhũng và rửa tiền bị cáo buộc trong Nghị viện Châu Âu.
Ngoài Eva Kaili còn có ba người khác bị bắt vào thứ Sáu tuần trước. Kaili luôn đóng vai trò bảo vệ Qatar tại Nghị viện châu Âu. Bà đã đến Qatar ngay trước khi bắt đầu Vòng chung kết Giải bóng đá thế giới. Ngày 21 Tháng Mười Một, đáp lại những chỉ trích Qatar về vi phạm nhân quyền và cách đối xử tồi tệ với lao động nhập cư, Kaili tuyên bố trước các đồng nghiệp: “Hôm nay, FIFA World Cup ở Qatar là một bằng chứng rõ ràng về cách ngoại giao thể thao có thể dẫn đến sự chuyển đổi lịch sử của một quốc gia với những cải cách truyền cảm hứng cho cả thế giới Ả Rập. Qatar là quốc gia đi đầu về quyền lao động”.
Ngày 14 Tháng Mười Hai, cảnh sát Liên bang Bỉ công bố trên Twitter chính thức của họ một bức ảnh về những gì họ nói là “khoản tiền mặt đầu tiên thu được trong cuộc điều tra”. “Là một phần của vụ án do Văn phòng Công tố Liên bang thụ lý về tham nhũng trong Nghị viện Châu Âu, Cảnh sát Tư pháp Liên bang đã thu giữ gần 1.5 triệu Euro trong các cuộc khám xét được thực hiện ở khu vực Brussels” – chú thích ảnh nêu rõ.
Trong khi vụ bê bối tham nhũng làm rung chuyển Brussels, nơi đặt trụ sở Nghị viện châu Âu, các vụ bắt giữ lại không gây ngạc nhiên lớn đối với những người biết rõ về những khuất tất bên trong các tổ chức chính trị, xã hội ở châu Âu, đặc biệt là Nghị viện. Nicholas Aiossa, phó giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế EU (Transparency International EU), nhận định: “Từ nhiều năm qua, Nghị viện châu Âu đã dung thứ cho văn hóa ‘không bị trừng phạt’. Hầu như không có sự giám sát hoặc chế tài nào đối với việc chi tiêu bừa bãi quỹ công của các MEP. Chúng tôi đã thấy họ lạm dụng tiền bạc rất nhiều lần”.
Nicholas Aiossa tin rằng “tham nhũng thể chế” chỉ là một phần nhỏ trong những gì biến các MEP thành mục tiêu hấp dẫn đối với những kẻ tìm cách gây ảnh hưởng đến chính trị châu Âu. “Nói chung, Nghị viện châu Âu có rất nhiều quyền lực về định hướng chính sách và cung cấp khả năng tiếp cận thị trường khổng lồ hơn 400 triệu công dân của khối. Tuy nhiên, bản thân các MEP thường có hồ sơ không đầy đủ nên tránh được sự giám sát kỹ lưỡng” – Nicholas Aiossa nói.
Bill Newton Dunn, cựu MEP người Anh, giải thích thêm: “Không chỉ MEP có thể sử dụng vị trí của mình để tận dụng quyền lực thông qua khuynh loát chính sách mà khi Nghị viện Châu Âu công bố nghị quyết về một vấn đề lớn, các phương tiện truyền thông quốc tế thường xem đó là tiếng nói của Châu Âu. Vì vậy, tiếng nói của MEP rất có trọng lượng”. Ví dụ, sự can thiệp vào ngày 21 Tháng Mười Một của Kaili để ủng hộ Qatar diễn ra trong bối cảnh có cuộc tranh luận về một nghị quyết về nhân quyền ở Qatar trước thềm World Cup. Nghị quyết cuối cùng đã được thông qua ba ngày sau đó.
Katalin Cseh, MEP Hungary đương nhiệm, người đã đàm phán về cách diễn đạt của nghị quyết, nói với CNN:
“Việc thông qua nghị quyết đặc biệt khó khăn vì các MEP từ hai nhóm chính trong Nghị viện đã phản đối là nghị quyết quá khắc nghiệt đối với Qatar. Nhìn lại những gì vừa xảy ra, tôi đã hiểu tại sao một số đồng nghiệp đã phản đối quyết liệt Nghị quyết nhân quyền. Thật đáng lo ngại khi ‘những kẻ chuyên quyền bên thứ ba’ có thể ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận của Nghị viện châu Âu. Có lẽ cần một thời gian nữa chúng ta mới biết chính xác là liệu các quy tắc vận động hành lang có bị vi phạm hay không. Nếu thế, Nghị viện cần thực hiện cải cách dù chắc chắn quá trình cải cách sẽ rất đau đớn và gian khổ”.
Các nhà hoạt động từng thúc đẩy cải cách chống tham nhũng trong nhiều năm cảm thấy được an ủi chút ít khi vụ bê bối bị vạch trần vào đúng thời điểm World Cup để được truyền thông đưa tin tối đa, điều chưa từng xảy ra trong hệ thống chính trị nặng về “bao che” và “thông đồng cửa hậu” của Nghị viện châu Âu.