Nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng trước cô caddie ở sân golf BRG Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), sau khi bị tay trọc phú cầm gậy đánh đến phải vào viện. Khát vọng muốn nhìn thấy công lý được thực thi, muốn nhìn thấy một giai cấp quyền lực mới phải trả giá cho sự càn quấy của mình đã khiến không ít người chán nản, thậm chí tức giận khi xem video của những người phỏng vấn cô, với nội dung là “không có gì”.
Nhưng nếu nhìn kỹ, đó là câu chuyện rất bình thường trong xã hội Việt Nam hôm nay – một xã hội dù được gọi tên bằng bất kỳ lý tưởng cao đẹp nào – hiện hình rõ ràng về một hình thái sinh hoạt xã hội giai cấp mới. Tác giả của khái niệm này, nhân vật cộng sản kỳ cựu Milovan Djilas đã từng nói một cách súc tích rằng đó là nơi sinh ra những cá thể và nhóm từ lực lượng cầm quyền, được giới thiệu đầy đủ bằng quyền lực, giả trá và sự hợm hĩnh.
Chuyện ông Nguyễn Viết Dũng, chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đất Quảng, đại biểu đương nhiệm Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, dùng gậy golf đánh một nữ nhân viên phục vụ khi tức giận bất thường trong cuộc chơi, đã tái hiện tất cả những ngôn từ xấu hổ nhất mà hệ thống tuyên truyền của nhà nước đã dùng trong cả thế kỷ để mô tả về giai cấp tư sản thù địch bóc lột, lạm quyền và khốn nạn với nhân dân.
Đoạn cao trào của xã hội Việt Nam hôm nay đang phẫn nộ nhìn thấy quá nhiều các biểu hiện giai cấp mới bùng phát, hài kịch và bi kịch luôn xen lẫn trong các suất trình chiếu thực tế hàng ngày của đời sống. Chuyện hung bạo của Nguyễn Viết Dũng không còn là chuyện cá nhân, khi ông ta lên giọng đòi “công lý” cho mình, cho rằng mạng xã hội đang tấn công ông, làm mất hình ảnh của một đại biểu nhân dân, thì đó cũng là lúc cả xã hội chứng kiến ông Dũng đang nhìn ngó đồng đội, để chờ một cú đỡ từ nhóm giai cấp mới đang hình thành của mình.
Nạn nhân của ông Dũng, người phụ nữ vô danh ở đất miền Trung đã may mắn hơn rất nhiều người khác, khi xin vào làm được ở một sân golf, nơi những người chơi tham gia đóng hội phí trung bình là $15,000 đến $50,000 ở Việt Nam. Cô biết rõ mình chỉ là con sâu cái kiến. Cô đủ kinh nghiệm về chuyện chạm vào giai cấp mới đầy tiền của là chuyện không nên. Chạm vào giai cấp mới có cả quyền lực xã hội thì lại càng không nên. Vì vậy, có thể trong suy nghĩ bé mọn của mình, cô chỉ mong bằng mọi cách giữ lại cuộc sống yên lặng, có việc, và nối dài sinh tồn thôi.
Ít ngày sau khi cô L. ra viện, cô trình bày sự việc của mình rất nhẹ nhàng, thậm chí hồ hởi trong việc phân minh cho người hành hung mình. Bản video được phát đi đầy chứng cứ có lợi cho ông đại biểu Hội đồng Nhân dân – mà tiếng miền Nam gọi là xởi lởi – cho thấy phát ngôn đầy dễ dãi và sẵn sàng cho qua của cô L., hoàn toàn khác biệt với những gì diễn ra trong ngày đầu. Lúc đó, cô L. tố cáo ông Dũng đã không buồn tìm đến xem cô bệnh tình thế nào, chỉ nhắn xin lỗi qua công ty nơi cô làm việc.
Lúc đó, rõ ràng cô không “xởi lởi” như bây giờ. “Lúc đầu ông D. muốn tới nhà em nhưng công ty không cho địa chỉ vì khi đánh em xong ông D. có hù dọa, công ty sợ ảnh hưởng nên không cho địa chỉ của em. Từ hôm xảy ra vụ việc tới giờ công ty nói sẽ đứng ra giải quyết nên không thể tiết lộ thông tin”, cô L. nói trên báo Tuổi Trẻ ngày 11 Tháng Mười Hai.
Cũng bài báo đó tiết lộ rằng sau khi bị đánh đến gãy gậy golf vào ngày 6 Tháng Mười Hai, cô L. đi cấp cứu cho đến ngày 11 vẫn chưa thể trở lại làm việc được như bình thường. Gần một tuần lễ nằm viện và phải ngừng công việc, thật khó tin là trong những ngày ấy, đột nhiên cô tha thứ tất cả.
Những ngày ấy, có thể là cùng kịch bản về thế giới nhộn nhịp của phim Đại Hàn hay Hong Kong mà người dân Việt đã quá biết, như cô L. cũng tiết lộ, là đe dọa hoặc mua chuộc, nhằm tác động các hệ thống quyền lực quen biết… Phải từng tiếp xúc với người dân thấp cổ bé miệng ở vùng quê xa, tiếng kêu có thất thanh cũng không lọt khỏi cánh cửa nhà, mới biết đòi công lý, đòi quyền lợi theo đúng nghĩa, chỉ là tiểu thuyết giải sầu. Người xưa từng dạy “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết mới sống”. Dĩ nhiên, cô L. phải chọn cách sống.
Xin đừng giận cô L. vì sự “tha thứ” bất ngờ đó. Dù cô lớn lên trong mái trường xã hội chủ nghĩa và được học câu nói nổi tiếng của ông thầy chủ nghĩa cộng sản Karl Marx “Hạnh phúc là đấu tranh”, nhưng trong cuộc đời của cô – hay có thể với cả chúng ta – hạnh phúc chưa chắc là từ đấu tranh. Phải biết mới sống.