Nhiều nhà sưu tập sách đang bị ngộp thở trong đống sách cũ. Nhưng loại bỏ chúng không hề là chuyện dễ dàng!
Sách rất quý giá đối với hầu hết mọi người. Giá trị, tình cảm họ dành cho chúng là vô giá. Nhà phê bình xã hội và hài hước Fran Lebowitz, 72 tuổi có bộ sưu tập 12,000 cuốn sách, hầu hết là tiểu thuyết, được cất giữ trong những chiếc hộp gỗ có cửa kính từ thế kỷ 19 trong căn hộ của bà ở New York.
“Xét về mọi khía cạnh, tôi không thể vứt bỏ bất kỳ cuốn sách nào. Đối với tôi, vứt sách cũng giống như vất một đứa trẻ vào thùng rác – bà Fran Lebowitz nói – Tôi là người ham mê in ấn. Tôi yêu sách theo cách của mình và yêu chúng hơn hầu hết con người”. Nếu có một cuốn sách mà bà không còn muốn giữ vì lý do nào đó, bà thường bỏ ra hàng tháng trời để quyết định tặng cuốn sách đó cho ai. “Tôi vẫn tiếp tục mua thêm sách. Ngôi nhà của tôi tràn ngập sách. Tôi phải sống đến 150 tuổi để đọc lại những cuốn sách này!” – bà Martha Frankel, một nhà văn và giám đốc lễ hội sách Woodstock Bookfest nói. Bà đã tích lũy được 3,600 cuốn sách. “Chỉ cần nghĩ đến việc loại bỏ chúng cũng đã khiến tôi buồn nôn” – bà nói, dẫn lại từ The Washington Post.
Cuộc đại suy thoái của sách cũ
Nước Mỹ tràn ngập những cuốn sách cũ, những chiếc hộp Ikea Billy chật cứng sách chồng lên nhau, những kệ sách đụng trần và những chiếc bàn đầu giường để đọc sách. Trong nhiều tháng bị cách ly, những người yêu sách phải đối mặt với tất cả câu hỏi gay gắt về kho sách cũ của họ và phải làm gì với chúng. Họ yêu mến sách đến cực đoan, vô điều kiện, nhưng cũng hiểu rất rõ nếu cuối cùng họ phải chia tay với bộ sưu tập thì nhiều người khác sẽ sẵn sàng vứt chúng đi như vất… rác!
Tuy nhiên, bất chấp sự phủ nhận, đau buồn, thống khổ và thậm chí “buồn nôn” khi nghĩ đến việc “giết” sách, “cuộc Đại suy thoái” của sách cũ đang bắt đầu. “Đây là đợt tràn ngập sách cũ nhiều nhất vào thị trường sách mà tôi từng thấy” – một nhà bán sách kỳ cựu tại cửa hàng sách KolShaver, nhận xét (và được sự chia sẻ của những người bán sách trên toàn quốc).
“Đối với những cửa hàng sách sống sót sau đại dịch việc kinh doanh sách cũ chưa bao giờ tốt hơn” – Chuck Roberts, chủ nhà sách Wonder Book, một người có thâm niên 42 năm trong nghề nói khi đi dạo qua kho sách rộng ba mẫu Anh của mình, một thư viện thần tiên đầy ắp sách nhiều thể loại khác nhau, từ sách mới cho đến những tác phẩm kinh điển hàng thế kỷ được đóng bìa da.
Nhà sách Wonder Book tích lũy được sáu triệu cuốn sách với 300,000 cuốn sách cũ bổ sung mỗi tháng. Wonder Book “bán sách từ A đến Z” thông qua nhiều trang web (trong nước và quốc tế), ba cửa hàng truyền thống. Những cuốn sách bị hư hỏng nặng được Wonder Book nghiền thành bột giấy để cho ra 100,000 cân Anh giấy tái chế hàng tháng. Bất chấp sự ra đời của sách điện tử, sách bìa cứng và sách bìa mềm vẫn tiếp tục tràn ngập thị trường dành cho những độc giả thích các đặc tính rất riêng của sách giấy, trọng lượng khi cầm trong tay và cảm giác thích thú khi lật từng trang.
Theo Hiệp hội các nhà xuất bản Hoa Kỳ, ba phần tư doanh thu sách thương mại năm ngoái đến từ doanh số bán sách bìa cứng và bìa mềm. Sự bùng nổ trong tự xuất bản và hợp tác đã cho phép nhiều người trở thành “tác giả” với vô số đầu sách in được xuất bản hàng năm, khoảng 395,000 vào năm 2021, tăng 15% trong một thập niên (theo nghiên cứu của Bowker, đơn vị cấp ISBN, số và mã vạch vào sách).
Tuy nhiên, hương vị văn học cũng dễ bị mai một như thời trang. “Sách của David Foster Wallace vô cùng nổi tiếng và giá cả tăng chóng mặt suốt thời gian dài – Zachary Greene, cũng là quản lý của Second Story Books nói – Chúng tôi không đủ sách để bán – Nhưng vài năm qua, nhu cầu đã thực sự giảm”. Tuy nhiên “The Great Gatsby” là “mãi mãi”, cũng như bất kỳ tác phẩm kinh điển nào có trong các chương trình giảng dạy. Sách của các tác giả trước khi chúng trở nên nổi tiếng bán được nhiều hơn, bởi vì có rất ít bản sao. Sách bìa mềm đã qua sử dụng thường được bán với giá cao hơn bìa cứng cùng tựa vì chúng nhẹ hơn, dễ mang theo hơn và được giới trẻ ưa thích.
______________________
Sách giống bạn bè hơn là đồ vật vô tri. Chúng ta đã có rất nhiều cuộc trò chuyện với cuốn sách và thường xuyên nghe tiếng vọng từ những gì mình đã đọc. |
______________________
Cứu sách cũ
Phải làm gì với những cuốn sách cũ là một tình thế khó khăn mà các nhà sưu tập, dù ở độ tuổi nào, cũng phải đối mặt vào một thời điểm nào đó nếu không có người thừa kế yêu mến sách như họ mà chỉ muốn tống chúng đi. Những cuốn sách cũ đang là một vấn đề đối với những người Mỹ sưu tầm sách lớn tuổi khi họ đối mặt với cái chết đến gần và thời gian dành cho đọc sách của họ sắp kết thúc.
Đây là một thách thức mà nhà phê bình sách Michael Dirda của tờ The Washington Post đã nói đến rất nhiều. “Cơn đau lưng ập đến mỗi khi phải di chuyển bộ sưu tập sách và cơn đau đầu đến khi phải bán nhà và phải thanh lý các món đồ cũ, kể cả sách – ông nói – Tất cả những cuốn sách trong 300 hộp chứa của tôi đều mang lại niềm vui. Đó là lý do tại sao tôi giữ chúng”. Tiểu thuyết gia Anthony Powell nhận xét: “Sách tăng giá trị một căn phòng, nhưng chắc chắn chúng sẽ làm chật ngôi nhà”.
Ngoại trừ Kinh thánh và những cuốn sách mang tính cá nhân và quý hiếm, sách hiếm khi được lưu giữ trong các gia đình qua nhiều thế hệ như ảnh, đồ sứ hoặc vải lanh. Cuối cùng, chúng cũng được rao bán. Năm 2004, Don Dales có ý tưởng mới lạ biến ngôi nhà nhỏ bé ở New York thành điểm đến cho những người mê sách, được truyền cảm hứng của cửa hàng Hay-on-Wye ở xứ Wales. Ngày nay, có tám cửa hàng bán sách cũ ở thị trấn Catskills với ít hơn 500 cư dân.
Những người yêu sách là những người có xu hướng sưu tầm ngày càng nhiều sách. Họ giữ quá nhiều sách, quá lâu, bụi bẩn, nấm mốc, gáy sách bị nứt, bìa bị rách, các trang cong vênh, vết cà phê và thực tế đáng sợ nhất là hầu hết… không bao giờ được đọc lại! “Nhưng không ai trong số họ muốn vứt bỏ một cuốn sách – Michael Powell, chủ cửa hiệu sách Powell’s Books ở Portland, Oregon nhận xét – Không ai thích thấy sách bị bỏ vào thùng rác cả”. Vì vậy, kho sách cũ của họ biến thành các thư viện nhỏ miễn phí mọc lên ở khắp mọi nơi và đưa vào các thư viện công cộng để bán lại, mua sách mới. “Chúng tôi không muốn chúng chết. Tôi yêu sách. Chúng là một phần cuộc đời tôi” – Deborah Tannen, 77 tuổi, tác giả và giáo sư ngôn ngữ học Đại học Georgetown, bộc bạch.