Trong hội nghị thúc đẩy thu hút du khách ngoại quốc vào Việt Nam sáng 21 Tháng Mười Hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi tại sao số du khách ngoại quốc vào Việt Nam thấp so với mục tiêu, trong khi Việt Nam mở cửa sau dịch sớm hơn nhiều quốc gia?
Theo báo Tuổi Trẻ, từ ngày 15 Tháng Ba 2022, Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế, khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh, không yêu cầu có chứng nhận chích ngừa vaccine, dừng việc khai báo y tế, không buộc xét nghiệm Covid-19… thế nhưng 11 tháng của năm chỉ đón 2.9 triệu khách, giảm 81.9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra đại dịch. Ước tính cả năm 2022, số du khách ngoại quốc đến Việt Nam đạt khoảng 3.5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Khảo sát của Vietnam Report công bố Tháng Mười Hai 2022 cho biết ngành du lịch Việt Nam đang đối diện với ba thách thức lớn: Phẩm chất nhân sự yếu, thiếu nguồn cung lao động và thiếu sản phẩm du lịch mới lạ hấp dẫn. Trong đó, nguồn nhân lực yếu chiếm 36.7%, thiếu lao động chiếm 29.1%, thiếu sản phẩm du lịch chiếm 25.3%.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hàng năm ngành du lịch cần đến 40,000 lao động có trình độ thì các trường cũng chỉ cung ứng được khoảng 15,000. Không chỉ thiếu lao động, ngành du lịch cũng thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn, đặc biệt là quản trị cấp cao. Báo Vneconomy dẫn lời bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết hiện nay nhân lực du lịch suy giảm cả số lượng lẫn phẩm chất so với thời điểm năm 2019, cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Bên cạnh đó, sự mất cân đối nhân lực theo vùng/miền khiến nhiều khu vực thu hút du khách ngoại quốc đông nhưng chất lượng dịch vụ thấp.
Thách thức thứ hai là Việt Nam thiếu sản phẩm du lịch đa dạng và thiếu điểm đến du lịch mới, còn các điểm đến phổ biến trong nước đối mặt với tình trạng quá tải, làm du khách ngán ngẩm.
Ngoài ra, những vấn đề về giao thông (kẹt xe), môi trường (ô nhiễm) ngày càng trầm trọng tại các đô thị Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn cũng là nguyên nhân. Trong những năm qua, hạ tầng du lịch chỉ tập trung đầu tư mở rộng nguồn cung cơ sở lưu trú nhưng lại thiếu cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ và hạ tầng giao thông, môi trường. Các thách thức kể trên cộng với việc quản lý yếu kém khiến phần lớn du khách ngoại quốc đến Việt Nam một lần và không quay trở lại.