Chẳng có gì tuyệt vời hơn khi mỗi năm lại một dịp nghỉ lễ cả gia đình cùng quây quần bên nhau, chia sẻ những niềm vui trong những người cuối năm. Lại càng tuyệt vời hơn nữa khi chúng ta lại có cơ hội cùng thưởng thức với nhau những bộ phim về Giáng Sinh kinh điển, mà cứ đến hẹn cuối năm lại phải xem một lần, điển hình nhất là năm bộ phim dễ thương dưới đây.
Home Alone (1990)
Năm 1990, hãng 20th Century Fox phát hành bộ phim hài “Home Alone,” hay tiếng Việt còn được biết đến với cái tên “Ở Nhà Một Mình” do đạo diễn Chris Columbus thực hiện, gây tiếng vang lớn khi thu về hơn $400 triệu, trở thành bộ phim hài có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Đồng thời, phim còn đưa tên tuổi của diễn viên nhí Macaulay Culkin một bước thành sao khi chỉ mới vừa tròn 10 tuổi với tài sản lên đến hàng chục triệu đô la. Không chỉ vậy, “Home Alone” còn trở thành bộ phim kinh điển trong kho tàng phim ở Hollywood, và là bộ phim được nhiều người coi nhất mỗi dịp Noel đến cho dù nó đã hơn 30 năm.
Câu chuyện trong “Home Alone” lấy bối cảnh ở Chicago trong những ngày cuối năm, gia đình nhà McCallister chuẩn bị có chuyến du lịch đến Pháp. Chẳng may, đứa con trai út nghịch ngợm Kevin McCalisster bị bỏ lại, buộc phải ở nhà một mình trong ngày lễ Giáng Sinh. Không hề sợ hãi mà ngược lại, cậu bé tám tuổi còn thích thú khi được “một mình một cõi” ở nhà để tha hồ quậy phá và bày trò nghịch ngợm.
Tuy nhiên, chưa vui được bao lâu thì cậu phải đối diện với hai tên trộm ma mãnh lẻn vào nhà. Chẳng hề nao núng, Kevin bày ra hàng trăm kế để đối đầu với kẻ gian. Từ đây, khán giả cười không ngớt với những pha tính kế đầy thông minh của Kevin với bọn trộm, đem lại những giây phút thư giãn cho cả nhà cùng xem.
The Nightmare Before Christmas (1993)
Đạo diễn Tim Burton vốn nổi tiếng với các tác phẩm mang đậm chất ma mị, bí ẩn ngay cả khi với tác phẩm hoạt họa, trong đó có thể kể đến “The Nightmare Before Christmas,” để lại dấu ấn mạnh mẽ khi mang cả không khí Giáng Sinh nhộn nhịp và cả màu sắc Halloween u ám.
Câu chuyện về anh chàng Jack Skellington ở thị thấn Halloweentown vô tình khám phá ra cánh cửa dẫn đến Christmastown, nảy ra một ý tưởng điên rồ là bắt cóc ông già Noel để mình có thể trở thành chúa tể trong đêm Giáng Sinh. Tuy nhiên, liệu một bộ xương khi trở thành ông già Noel đi phát quà cho mọi nhà có làm cho người ta sợ hãi, kinh khiếp?
Dự án do hãng Disney đầu tư và sản xuất, với chi phí thực hiện chỉ $24 triệu nhưng thu về hơn $100 triệu khi công chiếu. Đặc biệt, chất liệu hoạt họa của phim được tạo ra cực kỳ lạ mắt với kỹ thuật tạo hình nhân vật 3D và kỹ thuật vẽ stop-motion, cộng với màu sắc được lồng ghép giữa gam màu lạnh và màu nóng luân phiên nhau.
Elf (2003)
Will Ferrel nổi tiếng với các vai hài vui nhộn trong các bộ phim hài dành cho người lớn, nhưng anh đã vào vai Elf một cách rất ngọt và dễ thương trong bộ phim “Elf” dành cho thiếu nhi.
“Elf” phát hành năm 2003 do đạo diễn Jon Favreau thực hiện, kể về cậu bé mồ côi Buddy được ông già Noel và tộc người lùn Elf nuôi dưỡng. Buddy lớn lên trong tình thương yêu của đại gia đình Elf, cùng nhau làm những món quà mỗi năm để ông già Noel có thể đem tặng cho trẻ em trên toàn thế giới.
Đến một ngày, ông già Noel tiết lộ thân phận thật sự cho Buddy và anh quyết định đến New York tìm kiếm lại cha mẹ ruột của mình. Không chỉ giúp gia đình được đoàn tụ mà sự hiện diện của Buddy còn khiến thành phố New York trở nên ấm áp, vui vẻ và tràn ngập hạnh phúc.
Bộ phim không chỉ đem lại nhiều tiếng cười sảng khoái mà còn đem lại những giây phút ấm áp, xúc động trong những ngày lễ Giáng Sinh bên cạnh gia đình và bạn bè.
Frozen (2013)
Năm 2013, Disney giới thiệu không chỉ một mà đến hai nàng công chúa mới trong bộ phim hoạt họa “Frozen” và nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm đại chúng được nhiều trẻ em trên toàn thế giới yêu thích.
“Frozen” lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích “The Snow Queen” của đại văn hào Hans Christian Andersen, nói về hai chị em công chúa Elsa và Anna ở vương quốc Arendelle. Nếu như Anna là công chúa đầy nhiệt huyết, một chút ngây thơ và lém lỉnh thì Elsa lại sở hữu sức mạnh phi thường, có thể làm đóng băng mọi thứ cô đụng vào. Trong ngày lễ lên ngôi nữ hoàng, Elsa vô tình đóng băng cả vương quốc, khiến mọi người kinh hoàng. Vì quá sợ hãi, cô bỏ trốn, buộc Anna phải vượt qua bão tuyết giữa mùa Hè để tìm kiếm người chị của mình.
Nếu như các bộ phim hoạt họa về công chúa trước đây của Disney thường liên quan đến câu chuyện tình yêu giữa công chúa và hoàng tử thì trong “Frozen” lại đi hướng đi mới khi lấy tình cảm gia đình, chị em làm trọng tâm. Bước đi của Disney được nhiều nhà phê bình đánh giá là quyết định thông minh, sáng suốt, phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay và được lòng rất nhiều phụ huynh trên thế giới.
Với doanh thu $1.2 tỷ, Disney phát hành phần hai, ra mắt khán giả năm 2019 và thu về $1.4 tỷ.
The Nutcracker and the Four Reams (2018)
Năm 2018, Disney quyết định đem tác phẩm “The Nutcraker and the Four Realms” lên màn ảnh rộng, dựa trên vở ballet nổi tiếng “The Nutcracker” của tác giả Marius Petipa và truyện ngắn “The Nutcracker and the Mouse King” của nhà văn E.T.A.Hoffmamn.
Bộ phim theo chân cô nàng Claire, do nữ diễn viên trẻ Mackenzie Foy thủ vai, đi tìm chiếc chìa khóa mở ra vương quốc cổ tích mà người mẹ quá cố của cô từng sinh sống. Claire bị cuốn vào cuộc phiêu lưu kỳ ảo tại bốn vương quốc thần tiên, nơi cô có dịp gặp gỡ những nhân vật đầy màu nhiệm với các phép thuật khác nhau, như nữ hoàng xứ sở Kẹo Ngọt, Mẹ Gừng hay Vua Chuột.
Câu chuyện cổ tích trong “The Nutcraker and the Four Realms” không quá mới mẻ nhưng nó chứa đầy những hình ảnh thơ mộng, kỳ diệu, đầy màu sắc lộng lẫy, lồng ghép trong đó là những bản nhạc đầy cảm xúc của Tchaikovsky làm lung động lòng người. Đặc biệt, không khí ngày lễ cuối năm trong phim sẽ khiến người xem cảm nhận rõ hơn về một Giáng Sinh ấm áp và đầy phép thuật nhiệm màu.