Tỷ lệ học sinh béo phì ở Sài Gòn tăng gấp đôi sau 10 năm

Tỷ lệ học sinh bị béo phì ở Saigon tăng gần gấp đôi so 10 năm trước_Ảnh báo Tuổi Trẻ

Sau 10 năm, tỷ lệ học sinh bị béo phì ở Sài Gòn tăng từ 21.9% (2009) lên 43.7% (2019).

Đây là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sài Gòn công bố hôm 22 Tháng Mười Hai, thực hiện tại 33 trường học (10 trường tiểu học, 12 trường cấp 2 và 11 trường cấp 3) với hơn 12,000 học sinh, cân bằng về độ tuổi, giới tính, khu vực sinh sống (nội/ngoại ô Sài Gòn). 

Đáng chú ý, nghiên cứu này còn cho thấy học sinh tiểu học bị béo phì nhiều nhất (từ 38.5% năm 2009 tăng lên 56.9% năm 2019), nam sinh béo phì nhiều hơn nữ sinh và tỷ lệ học sinh béo phì ở nội ô cao hơn ngoại ô. 

Tỷ lệ trẻ em bị béo phì ở thành thị Việt Nam cao gấp đôi nông thôn_Ảnh cắt từ video của VTV

Với kết quả này, tỷ lệ học sinh béo phì tại Sài Gòn cao hơn hai lần so với cả nước.

Báo Tuổi Trẻ hôm 27 Tháng Mười Hai dẫn lời nhiều giáo viên và phụ huynh cho biết nguyên nhân học sinh tiểu học bị béo phì nhiều vì thiếu thời gian vận động. Một ngày học của học sinh tiểu học bán trú kéo dài 8 tiết (35-40 phút một tiết, tức 280 – 320 phút/ngày), còn một tuần (6 ngày) chỉ được học hai tiết thể dục (70 phút), quá ít. Nếu tính cả thời gian ra chơi (25 phút/lần giữa mỗi buổi học) thì ngày nào có môn thể dục, coi như ngày đó các em mới có đủ thời gian vận động nhưng hiện thời, sân trường tiểu học nào cũng bị thu hẹp, trẻ em không có chỗ chạy nhảy. 

Cũng báo này dẫn lại đánh giá của thạc sĩ Nguyễn Kim Phượng – nghiên cứu sinh của ĐH Deakin (Úc), giờ học giáo dục thể chất của học sinh Việt Nam được thiết kế rất ít trong nhà trường, vì thế sau giờ học, cha mẹ cần khuyến khích con tăng cường các hoạt động thể chất trong cộng đồng. Tuy nhiên, trẻ em Sài Gòn cấp học nào giờ cũng phải học thêm sau buổi học chính, kể cả trẻ học mẫu giáo 5 tuổi cũng phải hối hả đến lớp học viết chữ và đánh vần vào buổi tối để biết chữ mới vào được lớp 1, thật mệt mỏi!

Tỷ lệ trẻ em bị béo phì gia tăng nhanh ở Việt Nam – Ảnh cắt từ video của VTV

Học suốt ngày với chương trình nặng về “thuộc lòng” hơn sáng tạo, thì lấy thời gian đâu để trẻ em chạy nhảy và chơi các trò chơi? Chưa kể với sự phát triển của các phần mềm giải trí trên điện thoại, nếu phụ huynh không kiểm soát thì trẻ em Sài Gòn hiện mê mẩn ngồi xem và bấm điện thoại hơn là vận động ngoài trời.  

Tiến sĩ bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết hậu quả béo phì ở học sinh tác động rất lớn đến sức khỏe (rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng chất béo có hại dẫn đến cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, ung thư, khớp, sức khỏe sinh sản) và còn ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý đứa trẻ. Bà nhận định: “Tôi nhận thấy bệnh nhân tiểu đường ngày càng trẻ hóa. Trước đây, tiểu đường chỉ có ở người trung niên và người già, nay có nhiều em sinh viên”. 

Tỷ lệ học sinh bị béo phì sau 10 năm trong nghiên cứu của ThS.BS Phạm Ngọc Oanh – Ảnh báo Tuổi Trẻ

Phóng sự của VTV hồi Tháng Ba 2022 cũng thừa nhận trẻ em Việt Nam hiện gia tăng tỷ lệ béo phì, từ 8.5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Béo phì ở trẻ em đô thị cao gấp đôi nông thôn, trẻ em con nhà khá giả bị béo phì nhiều hơn. Ở người trưởng thành, tỷ lệ béo phì chiếm 25% dân số Việt Nam. Điều quan trọng là người Việt cần thay đổi nhận thức sai lầm xưa nay, cho rằng trẻ béo mũm mĩm mới khỏe đẹp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: