“Glass Onion”, “The White Lotus” và một số bộ phim truyền hình cùng chủ đề khác đã cố phơi bày khoảng cách giữa đạo đức và tôn thờ vật chất của 1% người siêu giàu và 99% dân số thế giới còn lại.
Từ “Glass Onion”
Các nhà sản xuất “Glass Onion: A Knives Out Mystery” nhiều lần cầu xin khán giả hãy mổ xẻ ám thị ẩn chứa bên trong tựa đề phim. Dù “Glass Onion” theo nghĩa đen là một chiếc lều (pavilion) kính khổng lồ trên hòn đảo tư nhân của tỷ phú hư cấu Miles Bron, nhưng tựa phim dùng chỉ một người đàn ông gầy gò mà tính cách mong manh đến mức có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Do Edward Norton thủ vai, Miles có lẽ là “điểm nhấn” lớn nhất của phần thứ hai “A Knives Out Mystery” trong loạt phim “Glass Onion” do Rian Johnson thực hiện sau khi phần đầu phát sóng năm 2019 nhận được phản hồi tốt. Trong khi bộ phim gốc nói về chính trị thời Trump, thì “Glass Onion” phần 2 hiện đang phát trực tuyến trên Netflix nhắm vào “sự mệt mỏi với các tỷ phú”.
Ác cảm với giới siêu giàu đang ngấm vào tất cả các loại hình giải trí, kể cả những bộ phim do các hãng phim lớn sản xuất. Theo Washington Post. “Châm biếm giai cấp” không phải là mới đối với Hollywood, nhưng xu hướng châm biếm các tỷ phú công nghệ hiện nay được xem là “sự kết hợp tuyệt vời giữa nỗi ám ảnh của Hollywood về giới siêu giàu và những câu chuyện lừa đảo liên quan đến họ”.
Hãy nhìn lại quá trình nổi tiếng của Miles sẽ thấy người giàu thường có một chút may mắn. Bộ phim rút ra những tương đồng rõ ràng giữa họ và những nhân vật có thật trong đời thực như tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành Twitter trong cuộc chuyển giao hỗn loạn của mạng xã hội này hoặc trùm lừa tiền điện tử Sam Bankman-Fried, người đã bị bắt sau sự sụp đổ nhanh chóng của sàn tiền ảo FTX do mình làm chủ. Có mùi gì đó trong không khí? Có lẽ đó là mùi hôi thối phát ra từ “sự thay đổi lòng cảm thông của các tỷ phú” như trang Vox gần đây đã đề cập đến khi sử dụng thuật ngữ đùa cợt “tongue-in-cheek” được tạp chí New York phổ biến vào đầu năm nay để mô tả sự thay đổi đáng kể trong cách sống hoặc văn hóa sống của các tỷ phú hiện nay.
“Đây là năm mà các tỷ phú cho thấy họ thực sự là ai!,” tiêu đề phụ trên bài viết của Vox có nhắc đến một bài báo trên tờ The Atlantic số Tháng Chín trong đó nhận định: “Các tweet mới của Elon Musk phá vỡ huyền thoại về một thiên tài công nghệ!”.
Trong âm vang của tấm kính vỡ, hãy trở lại với Miles và nhóm bạn nổi tiếng ông ta mời đến hòn đảo của mình, như thống đốc tiểu bang Connecticut (Kathryn Hahn đóng) và một người nổi tiếng trong xã hội thượng lưu (Kate Hudson đóng) nhờ bán trang phục thể thao. Trong số khách mời đáng chú ý khác còn có Cassandra “Andi” Brand (Janelle Monáe), đối tác kinh doanh cũ của Miles (giống như Mark Zuckerberg và Eduardo Saverin) và thám tử Benoit Blanc (Daniel Craig đóng), người nhận được lời mời bất ngờ. Chủ và khách tập hợp cho một trò chơi bí ẩn giết người vào cuối tuần, trong đó Miles tự đặt mình là nạn nhân, giống như một phiên bản của bộ phim nhiều tập “Clue”, nơi Mr. Boddy tận mắt theo dõi tất cả các cuộc điều tra. Bạn bè của Miles chấp nhận cuộc chơi nhưng nhận ra ngay mọi chuyện không hề đơn giản đối với một người giàu như Miles. Các mối quan hệ của Miles đều liên quan đến tiền bạc và ông thích dùng tiền để điều khiển người khác nhưng Miles thực sự muốn gì ở họ?
Đến “The White Lotus”
Đó là một câu hỏi hay và một phiên bản khác của câu hỏi này cũng xuyên suốt phần hai mới nhất của loạt phim “The White Lotus” đang chiếu trên kênh HBO (tập cuối vào đầu Tháng Mười Hai, 2022). Là sáng tạo của Mike White loạt phim diễn ra tại các những khu nghỉ dưỡng White Lotus trên khắp thế giới. Trong số những người đi nghỉ ở đảo Sicilia (Ý) của phần 2 có doanh nhân Cameron Sullivan (Theo James đóng), kẻ sinh ra trong tiền bạc, phất lên trong thế giới đầu tư tham lam và người bạn cùng phòng thời đại học Ethan Spiller (Will Sharpe đóng), người gần đây đã bán công ty của mình với số tiền khá lớn.
Châm biếm giai cấp trong “White Lotus” vượt ra ngoài khuôn khổ cố hữu. Không rõ Ethan đang làm gì, chỉ biết anh ta tích lũy đủ của cải để thuyết phục Cameron và vợ Daphne (Meghann Fahy) rằng họ có đủ mọi điểm chung với anh ta và vợ Harper (Aubrey Plaza) để cùng nhau đi nghỉ ở Ý. Harper là nhân vật đại diện cho khán giả, một luật sư quyền lao động không gây được cảm giác gì ở Cameron và Daphne khi chị gợi ý tất cả họ đều đang sống trong “Ngày tận thế”. Chị hỏi đi hỏi lại Ethan: “Tại sao Cameron lại mời chúng ta đến đây? Ông ấy muốn gì?”. Câu trả lời có lẽ cũng có “mùi hôi” của tiền, nhưng ở một mức độ lớn hơn so với phần một: khám phá sự bất bình đẳng giữa những người giàu đi nghỉ ở khu nghỉ dưỡng ven biển và các cư dân người Hawaii bản địa làm nhân viên khu nghỉ dưỡng.
“The White Lotus” quan tâm nhiều hơn đến tâm lý các nhân vật. Điều gì làm cho Cameron luôn xem thường Ethan, kẻ thông minh hơn dù không nổi tiếng bằng mình? Rõ ràng có sự bất an trong tình bạn giữa hai người đàn ông trưởng thành giàu có. Những vấn đề về việc tự đánh giá cao bản thân như Cameron có thể gây khó khăn cho bất cứ loại quan hệ nào, nhưng bộ phim cảnh báo những người giàu có có thể ăn tươi nuốt sống những người giàu có và tham vọng như mình, dù họ là bạn.
Trong tập phim “Fresh Air”, White nói với người dẫn chương trình Terry Gross: “Khi bạn giàu có và không gặp biết làm gì với tiền bạc, thì đó chính là vấn đề. Bạn đã có các công cụ trong tay để thiết kế cuộc sống của mình, nhưng lại không thể làm được. Đó chính là bi kịch”. Suy nghĩ này làm gợi lại sự buồn bã thất vọng sâu sắc của Kendall Roy (Jeremy Strong), “cậu bé vàng” sa ngã của gia đình ông trùm truyền thông khét tiếng trong bộ phim “Succession” phát trên kênh HBO. Chúng cũng được nói đến trong tác phẩm châm biếm giai cấp “Triangle of Sadness” của nhà làm phim Thụy Điển Ruben Östlund, trong đó đánh vào cách những người giàu có điều hành thế giới phương Tây. Xung đột đầu tiên trong “Triangle of Sadness” là tại một nhà hàng, nơi người mẫu thời trang cao cấp Yaya (Charlbi Dean đóng) và tay chơi Carl (Harris Dickinson) cự cãi vì tranh nhau trả tiền cho bữa tối.
Rõ ràng, khi không được khẳng định mình bằng tiền thì cả Yaya và Carl đều mất phương hướng và mất mục đích sống. Vậy những người siêu giàu thực sự muốn gì? Đối với Miles Bron, câu trả lời cho nhóm bạn của ông và khán giả: Họ muốn được chấp nhận và tôn thờ mãi mãi! Khi sự thật về “bí ẩn giết người” của “Glass Onion” được hé lộ, các nhân vật do Monáe và Craig đóng cũng vạch trần bộ mặt thật của Miles. Phát hiện lớn nhất hóa ra không phải là danh tính của kẻ sát nhân hay phương pháp giết người, mà là “ảo tưởng về sự vĩ đại cá nhân đi kèm với giàu có đơn giản như thế nào”.