Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) vừa thông báo trạm quan sát núi lửa Hawaii thu được hình ảnh cho thấy dòng dung nham trào ra từ hố Halemaumau trên đỉnh núi lửa Kilauea. Theo AP.
Như vậy, Kilauea, một trong những núi lửa mạnh nhất thế giới, phun trào trở lại sau chưa đầy một tháng. Trước đó, USGS nâng mức cảnh báo đối với Kilauea sau khi phát hiện dòng dung nham di chuyển dưới bề mặt núi lửa, báo hiệu đợt phun trào có thể xảy ra.
Vào cuối Tháng Mười Một, 2022, núi lửa Kilauea và Mauna Loa gần đó phun trào cùng nhau trong khoảng hai tuần và dừng lại gần như cùng lúc. Đây cũng là lần đầu tiên núi lửa Mauna Loa phun trào sau 38 năm. Kilauea nằm bên trong công viên quốc gia núi lửa Hawaii, cách xa các khu dân cư. Đây là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động mạnh nhất thế giới. Lần phun trào gần nhất của Kilauea bắt đầu Tháng Chín, 2021 và kéo dài 16 tháng.
Ken Hon, chuyên gia phụ trách trạm quan sát núi lửa Hawaii, đánh giá vụ phun trào hồi cuối cuối Tháng Mười Một, 2022 của hai ngọn núi lửa “tuyệt đẹp và được nhiều người chứng kiến, không phá hủy hạ tầng lớn nào và quan trọng nhất là không ảnh hưởng tới cuộc sống của bất cứ ai”. Dung nham từ núi lửa Mauna Loa chỉ cách cao tốc chính nối phía đông và phía tây đảo Hawaii khoảng 2.7 km, nhưng không gây ra mối đe dọa cho bất cứ khu dân cư nào. Trong khi đó, đợt phun trào của núi lửa Kilaunea năm 2018 phá hủy hơn 700 ngôi nhà.
Các chuyên gia đã lên kế hoạch xem xét dữ liệu để nghiên cứu mối quan hệ giữa hai ngọn núi lửa Kilauea và Mauna Loa, ông Hon cho biết. Đối với dân bản địa Hawaii, núi lửa phun trào mang ý nghĩa văn hóa và tinh thần sâu sắc. Khi núi lửa Mauna Loa phun trào, nhiều người Hawaii tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống như ca hát, cầu kinh và nhảy múa để tôn thờ Pele, vị thần của lửa và núi lửa, cũng như dâng lễ vật gọi là hookupu.
Hôm 28 Tháng Mười Một, một số dòng dung nham cao tới 60 mét bắn ra từ miệng núi lửa Mauna Loa, Hawaii, sau khi nó phun trào, lần đầu tiên trong gần 40 năm. Bốn vết nứt mở ra trên ngọn núi khổng lồ, theo các nhà địa chất. Những đám khói và hơi nước lớn không ngừng bốc lên từ ngọn núi, chiếm một nửa Đảo Lớn của Hawaii. Ước tính dòng dung nham lớn nhất cao từ 30 đến 60 m, nhưng hầu hết đều nhỏ hơn, theo Cục Khảo sát Địa chất. Có thể nhìn thấy một luồng khí từ các khe nứt cùng các dòng dung nham, với luồng khí chủ yếu được thổi về phía tây bắc”.
Cũng theo USGS, dòng dung nham từ vết nứt mới nhất cao khoảng 10 m. Mặc dù dung nham hiện không phải là nguy cơ đối với dân cư, các nhà khoa học cảnh báo gió có thể phát tán khí núi lửa và tro mịn, cũng như “Tóc của Pele”, những sợi thủy tinh núi lửa mịn được hình thành khi các cuộn dung nham nguội đi nhanh chóng trong không khí.
Núi lửa Mauna Loa cao 4,169 m, là núi lửa lớn nhất còn hoạt động trên thế giới. Nó đã phun trào 33 lần kể từ sự kiện đầu tiên được ghi nhận năm 1843. Lần gần nhất núi lửa phun trào là tháng Tư năm 1984, tạo ra dòng dung nham di chuyển cách thành phố Hilo khoảng 8 km.