Hai ngày cuối tuần (14-15 Tháng Giêng, nhằm ngày 24-25 Tết Quý Mão), tại Hà Nội, người dân tấp nập mua sắm, trong khi ở Sài Gòn không khí khá trầm lắng.
Tại siêu thị Big C (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sáng 15 Tháng Giêng, phóng viên báo VNExpress ghi nhận lượng người và xe đẩy hàng hóa mua sắm chật kín các lối đi. Quầy bánh kẹo Tết là một trong những khu vực lôi kéo khách nhiều nhất.
Nhiều siêu thị nhân dịp này “xả” hàng tồn kho, “đại hạ giá” cũng thu hút nhiều gia đình công nhân lũ lượt sắm Tết. Tuy nhiên, một số người nhận xét, những mặt hàng tồn kho này chất lượng không tốt, không bán được nên buộc lòng công ty phải “xả” bớt lấy vốn về.
Trên đường Tố Hữu, hàng chục cửa hàng bán các loại hoa mọc lên từ đầu tháng, lượng hoa khắp nơi đổ về với nhiều chủng loại. Nhiều người đến chọn cho gia đình những chậu cây ưng ý giá từ 100.000 đến hàng triệu đồng.
Trong khi đó, không khí mua sắm ngày cuối tuần tại Sài Gòn trầm lắng hơn. Chiều 14 Tháng Giêng, khách ghé siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) vẫn thưa thớt.
Dẫu vậy, đại diện Saigon Co.op cho biết sức mua hiện tăng 2-3 lần so với ngày thường. Năm nay, doanh nghiệp này đã dành 6.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa Tết.
Một khách hàng đi siêu thị cho biết bà chỉ mua vài hộp bánh mứt cho có không khí Tết trong nhà thôi chứ chẳng mua sắm nhiều. bà cũng có vẻ thờ ơ với giá cả khi “có cảm giác cái gì cũng đắt hơn năm ngoái thì phải?”
Theo nhận định chung, người tiêu dùng Sài Gòn chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng thiết yếu như rau xanh, thịt cá, hải sản. Bên cạnh đó, các mặt hàng đặc trưng cho Tết như giỏ quà, bánh kẹo, đồ uống, bánh chưng, đồ chua, giò chả,… rất hút khách.
Nói về không khí Tết Sài Gòn có vẻ “chững” lại, độc giả báo VNExpress tên Vũ Huy cho rằng có thể do dân nhập cư chọn đón Tết ở quê, nên Sài Gòn mới vắng hơn bình thường. Anh cho biết thêm:
“Người dân giờ cũng không muốn trữ thực phẩm vào Tết như ngày trước, chỉ mua ít để làm mâm cúng bàn thờ, vì thực phẩm thừa mứa quanh năm. Tết đến mùng Hai, mùng Ba là nhiều hàng quán đã khai trương. Giờ ở Sài Gòn, Tết Tây vui hơn Tết Ta nhiều”.
Tài khoản Vô Thường chia sẻ cảm nghĩ của người Việt xa xứ:
“Tôi gọi về hỏi thăm người thân ở Sài Gòn chuẩn bị Tết ra sao. Người thân nói những người bà con làm công nhân được thưởng 10-15 triệu/người. Tôi khen tốt quá, mừng cho bà con được Tết no ấm. Người thân tôi nói: Vậy chứ không đủ đâu vào đâu, họ không dám mua cái gì hết, phải dè xẻn gói ghém mới không thiếu hụt”.
“Tôi hụt hẫng khi nghe về giá cả, chi phí mọi thứ ngoài sức tưởng tượng của mình. Gia đình người thân tôi may mắn vì cuộc sống khá hơn nhưng chi tiêu mua sắm ngày Tết không như lúc trước dịch vì nhà ít người, khách đến chúc Tết rồi về, không ăn uống như trước kia, chỉ có người già và trẻ em nhưng cũng hạn chế bánh mứt, nước uống, thực phẩm. Người trẻ thì cũng hạn chế vì giảm cân, sức khỏe này nọ…”
“Cái tết ở nhà người thân tôi hiện tại chỉ bằng 4/10 cái tết hơn chục năm trước, khi tôi còn ở Việt Nam. Nhưng so với người xung quanh thì vẫn còn khá hơn nhiều. Tóm lại, ở Sài Gòn, phần vì cuộc sống khó khăn, phần vì nhà ít người, phần vì các gia đình khá giả đi du lịch dịp Tết, phần vì chọn đón tết ở quê, v.v… nên cảnh mua sắm không còn náo nhiệt như chục năm trước. Mong rằng ai ai cũng được đón Tết”.