Nhà nghèo, Tết đến chẳng biết kiếm đâu ra tiến sắm Tết, vợ chồng nghèo ở Quảng Ngãi rủ nhau chèo ghe ra biển mái rong mơ kiếm chút tiền. Không ngờ một cơn sóng lớn cuốn người chồng mất tích, người vợ bị thương nặng.
Tai nạn xảy ra vào sáng 16 Tháng Giêng, tại vùng biển huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Long (54 tuổi, trú thôn Phước Thiện, xã Bình Hải), và vợ là bà Nguyễn Thị Vĩnh (51 tuổi).
Sáng cùng ngày, vợ chồng ông Long rủ nhau ra gành đá gần danh thắng Gành Yến hái rong mơ, kiếm ít tiền sắm Tết.
Đến khoảng 9h sáng, khi hai người đang bám gành đá hái rong thì bất ngờ bị sóng lớn ập vào kéo cả hai xuống biển.
Ông Long bị sóng cuốn mất tích, còn bà Vĩnh may mắn được một người dân địa phương làm gần đó phát hiện, kịp thời cứu vớt đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn điều trị với chấn thương rất nặng.
Ngay sau vụ việc, hàng trăm người dân địa phương và lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm cứu nạn.
Tuy nhiên, do thời tiết xấu, gió bấc thổi mạnh, nước chảy xiết và sóng lớn cuộn từng cơn nên đến chiều vẫn chưa tìm thấy ông Long.
Những ngày qua, thời tiết Quảng Ngãi chuyển biến xấu. Nhiều vùng biển liên tục có sóng lớn và lạnh cóng.
Hái rong mơ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Mặc dù đem đến thu nhập khá nhưng nghề hái rong mơ cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Ngư dân thậm chí phải “đánh cược tính mạng” giữa biển cả để thu hoạch được những thuyền đầy rong mơ.
Rong mơ có nhiều ở độ sâu 10 mét, người hái rong mơ phải mang bình oxy, lặn xuống bứt gốc cho những luống rong nổi lên mặt nước. Người ngồi trên thuyền thúng dùng dầm với rong cho đầy thúng rồi chuyển rong qua ghe lớn.
Việc lặn xuống nước ở độ sâu 10 m và trong thời gian dài sẽ khiến đầu người lặn rất đau, áp lực nước cũng khiến họ nhanh mệt. Lúc vào bờ cũng lo lắng không kém, bởi sóng biển bắt đầu mạnh trong khi rong đã chất đầy. Thuyền bấy giờ chỉ cao hơn mặt nước chừng 10cm, nếu gặp sóng to sẽ chìm ngay, lúc đó bao công sức đổ bể hết.
Ông Phạm Viết Dục năm nay 63 tuổi, đã gắn bó với nghề đánh bắt cá và hái rong mơ gần 50 năm. Trải qua nhiều tình huống nguy hiểm nên khi các con xin đi phụ giúp, ông đều từ chối vì sợ cái “lỡ như”. Ông nói:
“Nghề này tuy dễ làm nhưng có khi phải ‘đặt cược tính mạng’, nếu chẳng may sẩy chân, chuột rút thì hậu quả khó lường. Dễ gặp tai nạn nhất là khi gặp tình huống khó thở, ngộp nước nếu không quen với áp suất ở đáy biển sâu”.
Tuy biết là nguy hiểm, nhưng nhiều gia đình vẫn đeo bám nghề này vì họ chẳng biết làm gì để kiếm tiền. Mặt khác, họ cho rằng ở vùng biển thì nghề nào cũng nguy hiểm hết. “Sống chết có số, chứ không làm thì cả gia đình điều chết!”