Người đẹp trên màn bạc Hàn Quốc

Nam tài tử Yoo Ah-In và minh tinh Kim Tae-Hee (ảnh: The Chosunilbo JNS/Multi-Bits via Getty Images)

Một số chuyên gia trong ngành tin rằng phim truyền hình Hàn Quốc (HQ) đang thi đua “nâng cấp” các nhân vật nữ phụ nữ chỉ đơn giản là để “câu khách”! HQ xếp thứ 99 trong 146 quốc gia trong “Chỉ số khoảng cách giới toàn cầu năm 2022” (2022 Global Gender Gap Index) vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) công bố. Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy tính bình quân, phụ nữ HQ kiếm được ít hơn 31.1% so với nam giới (khoảng cách tiền lương theo giới xa nhất so với bất kỳ quốc gia OECD nào). Tuy nhiên, hình ảnh nữ giới trên màn bạc lại khác…

Minh tinh nổi tiếng Son Ye-Jin (ảnh: The Chosunilbo JNS/Multi-Bits via Getty Images)

Từ sức hút của bộ phim Extraordinary Attorney Woo

“Extraordinary Attorney Woo”, một trong những bộ phim truyền hình nhiều tập HQ thành công nhất năm 2022, kể câu chuyện của Woo Young-woo, một cô gái trẻ mắc chứng tự kỷ vượt qua bất hạnh để bước sang tuổi trưởng thành và vào làm trong một công ty luật thuộc loại hàng đầu quốc gia.

Được nối bản thêm mùa thứ hai, đây là bộ phim truyền hình không nói tiếng Anh được xem nhiều thứ sáu trên dịch vụ phát hành phim trực tuyến Netflix và gần đây được đề cử giải Critics’ Choice Award 2023 (giải dành cho các nhà phê bình phim). Loạt phim “phi truyền thống” này là ví dụ mới nhất về việc phim truyền hình HQ đã tiến xa thế nào khi tôn vinh các nhân vật nữ. Theo số liệu do đài truyền hình quốc gia KBS của HQ công bố, có hơn 53% nhân vật chính trong các bộ phim truyền hình của KBS phát hành năm 2021 là nữ, tăng nhẹ so với trung bình 49,8% trong năm năm trước.

Trên các kênh truyền hình khác, tỷ lệ này cũng đạt 40% từ 2017 đến 2020. “Hiện số nhân vật nữ chính trên truyền hình HQ đã khá cao – Jacklen Kim, giám đốc tiếp thị của ENA, kênh đầu tiên phát sóng “Extraordinary Attorney Woo”, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN – Phụ nữ không chỉ được chú ý nhiều hơn mà còn ngày càng được giao những vai quyền lực trong phim. Sự độc quyền của nam giới trong thể loại phim hành động cũng bớt dần.

Cảnh trong ‘Extraordinary Attorney Woo’

Chỉ riêng năm 2022, các nhân vật nữ đã đóng nhiều vai chính ấn tượng, như vai nữ hoàng thông thái trong bộ phim “Under the Queen’s Umbrella” hay vai một nhà báo ngoan cường trong “Little Women”. “Our Blues” có một số nhân vật nữ chính mạnh mẽ, bao gồm một nữ ngư dân giàu có và một số “haenyeo” (từ để chỉ những nữ thợ lặn tự do lớn tuổi chuyên thu hoạch những động vật thân mềm và các sinh vật biển khác ở tỉnh Jeju). Một nhân vật nổi tiếng khác là một học sinh trung học học xuất sắc nhưng lỡ mang thai, trái lệnh người cha giữ lại đứa con và tiếp tục vào đại học khiến người cha và bạn trai của cô phải chăm sóc đứa trẻ (cốt truyện không thể có trên phim ảnh cách nay vài năm)!

Tuy nhiên, khác với phim ảnh, ngoài cuộc sống thực, phụ nữ HQ vẫn phải đối mặt với những rào cản lớn về bình đẳng giới. Vẫn có các báo cáo về quấy rối tình dục, định kiến giới lỗi thời và các hình thức phân biệt đối xử khác tại nơi làm việc. Nữ quyền tiếp tục là một chủ đề gây chia rẽ lớn ở HQ. Vì vậy mới nảy sinh câu hỏi: “Sự xuất hiện ngày càng nhiều của vai chính nữ trong phim truyền hình HQ phản ánh những thay đổi xã hội, kỳ vọng của khán giả toàn cầu hay chỉ đơn giản là ‘chiêu’ của các nhà sản xuất truyền hình để ‘câu’ khán giả nữ?”

Cảnh trong ‘Under the Queen’s Umbrella’

Vị thế của phụ nữ được củng cố hơn trong phim

Theo Park Sung-eun, nhà điều hành sản xuất của hãng phim Studio LuluLala, trong suốt thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, “chủ nghĩa phân biệt giới tính trắng trợn” và thậm chí cả những cảnh bạo lực gia đình xuất hiện nhan nhản trên truyền hình HQ. Bà dẫn chứng bộ phim truyền hình nhiều tập dài nhất HQ “Country Diaries” phát sóng từ 1980-2002 có cảnh các nhân vật nữ bị chồng đánh đập dã man.

Park cũng nhắc đến bộ phim nổi tiếng “Autumn in My Heart” phát sóng năm 2000 gây chấn động quốc tế thời kỳ đầu của “Làn sóng Hàn” có một cảnh khó quên: Nhân vật chính đẩy người mình yêu vào tường một cách thô bạo! Park giải thích: “Mục đích chính là để người xem nhếch mép thư giãn hoặc để thu hút khán giả bằng một tình huống bạo lực bất ngờ”.

Vào nửa cuối thập niên 2000, khi điện ảnh bị thống trị bởi các bộ phim hài lãng mạn, những cặp phổ biến trong phim thường là một phụ nữ nghèo quen người đàn ông giàu có. Có hàng chục bộ phim như thế, nhưng phổ biến nhất có thể kể “My Lovely Sam Soon” (2005), “Coffee Prince” (2007) và “Boys Over Flowers” (2009). Vào thời điểm đó, những bộ phim truyền hình đặc biệt này được hoan nghênh, bất chấp những kỳ vọng của phụ nữ về cách họ nên ăn mặc, cư xử hoặc hành động trong phim.

Ví dụ, trong tập cuối của “Coffee Prince”, cô nàng Eun-chan ăn mặc như con trai có bạn trai Han-gyeol (người thừa kế một gia sản kếch xù) nói đùa với anh ta: “Tất cả những gì em cần là được cho ăn bốn lần một ngày”! (ý nói lấy được chồng là may mắn lắm rồi!) (Cốt truyện kiểu Cô gái Lọ Lem này đã được xào đi xào lại nhiều lần, gồm cả một video BuzzFeed năm 2016.

Vào thời điểm phụ nữ được mặc định là phải kết hôn ở độ tuổi đầu 20, nhân vật chính 26 tuổi trong “One of a Pair” (1994) bị các nhân vật khác chê bai “đã qua thời kỳ lấy chồng và chuyển sang lỡ thì”. Trong “My Lovely Sam Soon” (2005), nhân vật chính phải đối mặt với những lời chỉ trích tương tự vì đã 29 tuổi. Nhưng những năm gần đây, trong đời thật, ngày càng ít phụ nữ HQ kết hôn sớm. Những người “lỡ” kết hôn thì hoãn sinh con, khiến chính phủ phải tìm cách tăng sinh suất đang giảm khi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học với dân số già đi và thiếu lao động đang đe dọa nghiêm trọng. Khi hôn nhân không còn cần thiết để một bộ phim kết thúc có hậu, các nhân vật nữ ngày càng có những câu chuyện khác của riêng mình chứ không còn theo những khuân mẫu cũ.

Minh tinh Park Shin-hye (ảnh: Visual China Group via Getty Images/Visual China Group via Getty Images)

Michelle Cho, trợ lý giáo sư về Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Toronto, nhận thấy những câu chuyện tình lãng mạn trong phim truyền hình HQ ngày càng tập trung vào sự phát triển cá nhân và tình bạn. Bà nói: “Trong khi trước đây, có một tập hợp các kiểu nhân vật và hình mẫu rập khuôn, chẳng hạn một nhân vật nữ cá tính thuộc tầng lớp lao động can đảm tìm một tình yêu giàu có. Nhưng nay động lực kết bạn tình đã trở nên linh hoạt hơn”. Bà nêu ví dụ bộ phim ăn khách quốc tế gần đây “Crash Landing on You” đạt kỷ lục số lượt xem ở HQ dù vẫn tập trung vào một cốt truyện tình lãng mạn nhưng nhân vật nữ chính của phim là một giám đốc điều hành công ty thành đạt.

Đưa nữ quyền vào phim? Không dễ

Bất chấp sự đồng thuận là phim truyền hình HQ đã có nhiều thay đổi nhưng lại có ít sự đồng thuận hơn về lý do thay đổi. Các nhà quan sát thử đưa ra một loạt lý do có thể, như phụ nữ ngày càng đông ở cấp điều hành sản xuất; có thêm nhiều nền tảng phát trực tuyến và kênh truyền hình mới; sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động nhiều hơn; động lực lập gia đình thay đổi và ảnh hưởng của truyền thông nước ngoài đối với các nhà biên kịch. Internet và mạng xã hội cũng giúp phụ nữ dễ dàng đưa ra những phản hồi về nội dung các chương trình truyền hình họ xem.

Những người tự cho mình là “nhà hoạt động nữ quyền” như nhà phê bình văn hóa đại chúng Hwang Jin-mi và nhà biên kịch Kim Hyo-min, cũng đề cập đến làn sóng nữ quyền mới. Năm 2016, vụ sát hại dã man một phụ nữ trong phòng tắm ở quận Gangnam của Seoul đã châm ngòi cho phong trào “khởi động lại nữ quyền” được tiếp sức bởi phong trào #MeToo toàn cầu với các cuộc biểu tình phản đối mạnh mẽ của hàng ngàn người.

Crash Landing On You

Phản ứng lại là sự ra đời bất ngờ của một phong trào đòi quyền của nam giới! Thực ra, từ lâu phụ nữ HQ đã tham gia biên kịch. Năm 2018, Hiệp hội Nhà văn Phát thanh (Broadcast Writers’ Union) ước tính có đến 94.6% biên kịch truyền hình là nữ. Nhưng nhờ phong trào “khởi động lại nữ quyền”, phụ nữ đã cảm thấy đoàn kết hơn và có nhiều lợi thế hơn để bày tỏ quan điểm của họ về giới tính, đặc biệt là những câu chuyện gây được tiếng vang trong khán giả nữ.

Thực tế này thấy rõ một năm sau vụ giết người ở Gangnam, khi phụ nữ đổ xô đi mua cuốn truyện “Kim Ji-young, Born 1982” nói về một bà nội trợ bình thường chiến đấu với chứng trầm cảm, phân biệt giới tính và bất bình đẳng. Cuốn tiểu thuyết về nữ quyền này lập tức trở thành sách bán chạy quốc tế và được chuyển thể thành một bộ phim ăn khách phát hành năm 2019. Thành công của cả cuốn sách và bộ phim đã chứng minh sức mua của phụ nữ.

Nhà biên kịch Kim Hyo-min, một trong những tác giả của kịch bản chuyển thể “Kim Ji-young, Born 1982” khi nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ phim đã giải thích: “Thành công của cuốn tiểu thuyết là do phụ nữ khao khát được công nhận những gì họ làm hàng ngày. Phụ nữ ngày nay không chỉ muốn được miêu tả như những kẻ yếu đuối, xinh đẹp mà còn muốn cho thấy họ có thể làm bất cứ điều gì, thậm chí cả sự dối trá, gian lận và tranh giành quyền lực. Tốt lẫn xấu”.

Thực tế và phim ảnh khác nhau

Bộ phim ‘Extraordinary Attorney Woo’ được đón nhận nồng nhiệt chủ yếu là do nói về chiến thắng của một kẻ yếu hơn dù nhân vật chính là phụ nữ cũng thêm một cái gì đó mới. Trong quá khứ, nam giới đóng đủ mọi loại vai, từ thám tử, trùm xã hội đen đến thẩm phán. Phim ảnh đã hết cốt truyện về nam giới, vì vậy phải thế phụ nữ vào để tạo sự mới mẻ. Các hãng phim cần nhiều nhân vật nữ hơn để tăng doanh thu cho phim.

Diễn viên Song Hye-kyo (ảnh: Visual China Group via Getty Images)

Tuy nhiên, khi vai chính là nữ thì đương nhiên các vấn đề của nữ giới cũng có trong nội dung. Bước tiếp theo của sự đổi mới này là nhấn mạnh hơn sự thay đổi cách mô tả về vẻ đẹp phụ nữ, vốn chỉ nhấn mạnh đến nhan sắc và cơ thể. Thẩm mỹ của người HQ không cho phép một người không đẹp xuất hiện trên truyền hình, nhưng điều đó sẽ thay đổi. Những thay đổi này đã được cảm nhận bên ngoài biên giới HQ khi phim truyền hình HQ ngày càng phổ biến ở nước ngoài.

Tại Ấn Độ, nơi cơn sốt xem phim HQ bùng nổ trong những năm gần đây và khán giả bị thu hút bởi sức mạnh của các nhân vật nữ chính. Nhật báo The Hindu mô tả họ là “những phụ nữ đáng kinh ngạc với khả năng quyến rũ khó cưỡng”. Nhà báo Sheila Kumar viết: “Trong một xã hội đầy rẫy những điều cấm kỵ giống như xã hội chúng ta, những cô gái trẻ mắt ướt hẹn hò vẫn kết hôn với những người đàn ông mà cha mẹ họ hết lòng phản đối như phim HQ là… khác thường”.

Trong danh sách những vai chính truyền cảm hứng cho phim truyền hình HQ của tạp chí Tatler Asia, nhà văn Philippines Jianne Soriano viết: “Trong thế giới phim truyền hình HQ, chúng ta bắt đầu thấy phụ nữ can đảm đứng lên chống lại những kẻ cầm quyền hay lật đổ những mặc định của xã hội về việc phụ nữ phải trông như thế nào”.

Tuy nhiên, với một số người, phim HQ chỉ làm nổi hơn sự khác biệt giữa những nhân vật nữ trong phim và phụ nữ trong cuộc sống thực tế. Như nhà văn Tammy Kim đã nói trên podcast của mình: “Đã đến lúc nên nói lời tạm biệt với các bộ phim như ‘Extraordinary Attorney Woo’ vì chúng phát tán những kỳ vọng không thực tế trong một lĩnh vực nghề nghiệp vẫn đầy bất bình đẳng giới. Nếu có bất kỳ nữ luật sư nào nói: Tôi sẽ đến HQ để có thể sánh ngang nam giới’ như trong phim, tôi sẽ nói với họ: Đừng đến đó!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: