Một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI tool) mới có tên ChatGPT đã khiến cộng đồng internet phấn khích về khả năng siêu phàm của nó. Tuy nhiên, việc ChatGPT có thể giúp sinh viên giải các bài toán, làm bài tập về nhà, làm các tiểu luận và bài nghiên cứu đã khiến giới học thuật lên tiếng báo động.
Sau khi nhà phát triển OpenAI phát hành ChatGPT ra công chúng vào tháng trước, một số nhà giáo dục đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng các hệ thống AI làm thay đổi cách sinh viên học tập theo hướng tồi tệ hơn thay vì tốt hơn. Với sự phổ biến của các chatbot mới như ChatGPT, nhiều trường đại học tại Mỹ đang phải tái cấu trúc một số chương trình học và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh sinh viên gian lận thi cử với kết quả học tập không đúng năng lực của mình.
“Trợ thủ” học tập hay “kẻ gian lận thầm lặng?”
Trong khi chấm điểm các bài tiểu luận cho khóa học về các tôn giáo thế giới của mình vào tháng trước, Antony Aumann, giáo sư triết học tại Northern Michigan University, đã phát hiện được một bài tiểu luận mà ông đánh giá là “hay nhất lớp”. Bài tiểu luận có các biện luận rõ ràng, chính xác chặt chẽ về những qui tắc tôn giáo. Tuy nhiên có gì đó không ổn.
Aumann mời tác giả đến và hỏi liệu anh ta có tự viết bài luận này không? Sinh viên thú nhận đã sử dụng chatbot ChatGPT để lấy dữ liệu, giải thích các khái niệm, ý tưởng và viết ra bài tiểu luận đơn giản, dễ hiểu. Bất ngờ trước sự thật, Aumann quyết định thay đổi các nguyên tắc viết tiểu luận cho phần còn lại của học kỳ. Ông yêu cầu, trước hết sinh viên phải viết phác thảo ngay tại lớp học và sử dụng các trình duyệt giám sát để hạn chế việc trông cậy vào máy tính. Sau đó, khi nộp các bản nháp phát triển từ phác thảo, học sinh phải giải thích từng chi tiết.
“Những gì chúng ta chứng kiến trong lớp học không còn là bình thường. Không còn hỏi và trả lời giữa người-người mà là người-máy. Nhưng có thể chúng ta phải sống chung với nó thay vì cấm” – ông nói. Trên khắp nước Mỹ, các giáo sư đại học như Aumann, các trưởng khoa và ban giám hiệu đã bắt đầu đổi mới cách giảng dạy để tận dụng sự phát triển của ChatGPT thay vì bác bỏ nó. Kết quả là đang có chuyển biến lớn cả trong giảng dạy và học tập. Một số giáo sư đã thiết kế lại hoàn toàn môn học của họ với nhiều bài kiểm tra vấn đáp hơn, buộc học sinh làm việc mặt đối mặt theo nhóm và kiểm tra bằng bản viết tay thay vì trên máy tính.
Các động thái mới này là một phần của “cuộc chiến trong thời gian thực” với làn sóng công nghệ mới được gọi là “trí tuệ nhân tạo kiến tạo” (generative artificial intelligence-GAI). ChatGPT, được tung ra vào Tháng Mười Một 2022 bởi phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo OpenAI, hiện dẫn đầu làn sóng. Các chatbot được nhiều người sử dụng để viết thư tình, thơ, tiểu thuyết và làm bài tập, tiểu luận ở trường. Chatbot đã ảnh hưởng thực sự đến một số trường cấp hai và cấp ba, khi giáo viên và ban giám hiệu phải cố gắng phát hiện học sinh nào tự làm bài tập, học sinh nào sử dụng chatbot để làm thay.
Một số hệ thống trường công lập, gồm cả ở New York City thuộc tiểu bang New York và thành phố Seattle thuộc tiểu bang Washington đã cấm công cụ này trên các thiết bị và mạng Wi-Fi của trường để ngăn ngừa gian lận (dù học sinh có thể dễ dàng tìm ra cách khác để sử dụng ChatGPT). Trong giáo dục đại học, các trường cao đẳng và đại học vẫn còn phân vân về việc cấm các công cụ AI vì họ không tin lệnh cấm sẽ có hiệu quả và không muốn xâm phạm quyền tự do học tập của học sinh.
Không thể cấm có nghĩa là cách giảng dạy phải thay đổi để AI không ảnh hưởng đến thực lực của học sinh. Joe Glover, hiệu trưởng Đại học Florida cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng thiết lập các chính sách chung khả thi để bảo đảm quyền giảng dạy của giảng viên không bị AI xâm phạm thay vì cấm các công cụ này”.
OpenAI dự kiến sẽ sớm phát hành công cụ AI mới GPT-4 với khả năng làm thơ, viết truyện, làm bài tập và viết tiểu luận hoàn chỉnh hơn – The New York Times ngày 16 Tháng Một 2023 cho biết. Google có LaMDA, một chatbot đối thủ của ChatGPT và Microsoft đang thương lượng đầu tư $10 tỷ vào OpenAI. Các công ty khởi nghiệp ở Silicon Valley như Stability AI và Character cũng tích cực nghiên cứu các phần mềm “trí tuệ nhân tạo kiến tạo”.
Sống với chatbot
ChatGPT đang khiến gần như toàn bộ hệ thống đại học Mỹ nháo nhào tìm cách đối phó. Tại Đại học George Washington ở Washington, DC; Đại học Rutgers ở New Brunswick, New Jersey và Đại học tiểu bang Appalachian ở Boone, North Calorina, các giáo sư đang loại bỏ dần bài tập về nhà. Thay vào đó, họ chọn làm bài tập tại lớp, viết tay, học theo nhóm mặt đối mặt và thi vấn đáp.
Các giáo sư cũng đưa ra những câu hỏi vượt quá “sự thông thái” của chatbot và yêu cầu sinh viên viết về cuộc sống và các sự kiện chính mình chứng kiến chứ không phải của người khác được thuật toán AI tổng hợp và trả lời. Sid Dobrin, trưởng khoa tiếng Anh tại Đại học Florida, cảnh báo tình trạng “nhiều sinh viên đang đạo văn qua chatbot!”. Frederick Luis Aldama, trưởng Khoa nhân văn Đại học Texas ở Austin, cho biết ông sẽ giảng dạy những chủ đề mới mà ChatGPT có ít thông tin hơn để trả lời giúp sinh viên, chẳng hạn những bản sonnet đầu tiên của William Shakespeare thay vì bản quen thuộc “A Midsummer Night’s Dream”.
Trong trường hợp những thay đổi vẫn không thể ngăn chặn đạo văn, Frederick Luis Aldama và các giáo sư khác sẽ đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn đối với những gì họ mong đợi từ sinh viên và cách chấm điểm. Lúc đó, một bài tiểu luận chỉ có phần mở đầu, các đoạn giữa và kết luận là chưa đủ. Aldama nói: “Chúng tôi cần phải tiếp tục trò đuổi bắt với AI bằng trí tưởng tượng và óc sáng tạo”.
Khó có thể loại bỏ hoàn toàn chatbot nên các trường đại học đang hướng tới việc giáo dục sinh viên cách sử dụng hợp pháp các công cụ AI. Đại học Buffalo ở New York và Đại học Furman ở Greenville, South Calorina dự định đưa cuộc thảo luận về chatbot vào các khóa học bắt buộc cho sinh viên năm thứ nhất để họ hiểu hơn về “tính liêm chính trong học tập”.
NPR cho biết thêm, các trường đại học khác cố gắng vạch ra “giới hạn” mà AI không thể vượt qua. Đại học Washington ở St. Louis và Đại học Vermont ở Burlington đã sửa đổi chính sách liêm chính trong học tập để đưa cả “lạm dụng AI” vào định nghĩa “gian lận thi cử”. John Dyer, phó chủ tịch phụ trách dịch vụ tuyển sinh và công nghệ giáo dục tại Chủng viện Thần học Dallas, nhận xét: “Ngôn ngữ trong quy tắc danh dự của chủng viện chúng tôi đã khá lạc hậu. Nay cần cập nhật định nghĩa về đạo văn để gồm cả: “Sử dụng văn bản được viết bởi một công cụ trí tuệ nhân tạo hoặc sử dụng nội dung một bài báo lấy trên mạng”.
Một số giáo sư và trường đại học cho biết họ dự định sử dụng công cụ dò tìm (detector) để loại bỏ tận gốc tác hại của chatbot. Dịch vụ phát hiện đạo văn Turnitin cho biết ngay trong năm nay họ sẽ kết hợp nhiều tính năng hơn để phát triển phần mền GPTZero có thể “vạch mặt” tác phẩm nào có sự trợ giúp của công cụ AI như ChatGPT. Edward Tian, cha đẻ của GPTZero hiện là sinh viên năm cuối Đại học Princeton, nói: “Hiện đã có hơn 6,000 giáo viên từ Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học Rhode Island và những đại học khác đăng ký sử dụng GPTZero. Chương trình này thực sự hứa hẹn sẽ nhanh chóng phát hiện ra những ‘đứa con’ của AI!” – theo The Atlantic.
Cần nhấn mạnh, ChatGPT đôi khi giải thích sai ý tưởng và trích dẫn sai nguồn. Giống như bất kỳ công nghệ AI mới nổi nào khác, ChatGPT cũng có những hạn chế vì nó được tạo ra bởi con người. Tài liệu nguồn đôi khi không có thật. Tác giả đôi khi không phải là người viết ra cuốn sách tham khảo (không có thực). Tất cả cho thấy, trí thông minh nhân tạo đang phát triển dữ dội và nó đang làm thay đổi thế giới theo cách khó có thể hình dung. Tận dụng nó để mang lại hữu ích cho cuộc sống hay lợi dụng nó để làm những điều phi đạo đức có khi chỉ là một lằn ranh mong manh.
____________