Tết sắp qua, nhưng bánh chưng vẫn còn. Thế nên việc bảo quản bánh chưng xem ra lại trở nên quan trọng, nhất là thời tiết thất thường như hiện nay.
Để bảo quản bánh chưng tránh bị mốc và ôi thiu chúng ta cần chú ý:
Nếu để bánh bên ngoài, không cất trong tủ lạnh, cần cất bánh ở nơi khô ráo, thoáng gió tránh cho bánh bị ẩm mốc. Bánh chưng khi để ở nhiệt độ ngoài trời có thể bảo quản trong 3-4 ngày và thời gian bảo quản bánh an toàn sẽ giảm đi khi trời nồm, ẩm ướt.
Ngoài ra, hiện nay phương pháp hút chân không để bảo quản bánh chưng cũng rất phổ biến, phương pháp này không chỉ giúp cất trữ bánh hợp vệ sinh mà còn hạn chế côn trùng, bụi bẩn.
Với cách bảo quản bằng hút chân không bánh chưng có thể bảo quản được 5-10 ngày trong điều kiện bình thường.
Tuy nhiên cách tốt nhất để bảo quản bánh chưng là bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh. Bảo quản bánh chưng trong ngăn mát tủ lạnh có thể để được từ 15-20 ngày.
Nếu không kịp tiêu thụ lượng bánh chưng, bạn có thể bảo quản trong ngăn đá, tuy nhiên khi rã đông nên bỏ xuống rã đông từ từ trong ngăn mát và sau đó có thể luộc, hấp lại để bánh đỡ sượng.
Bánh chưng bị mốc lá, hỏng một phần có nên dùng?
Vì tiếc, nhiều người cho rằng khi bánh chưng bị mốc ở lá hoặc bị mốc 1 phần nào đó thì chỉ cần cắt bỏ phần mốc hỏng đó và rán lên là vẫn ăn được. Tuy nhiên khi bánh chưng đã bị mốc dù ở lá thì cần bỏ ngay cả chiếc bánh, không nên ăn vì độc tố aflatoxin do nấm mốc sinh ra vẫn có thể xâm nhập vào bên trong bánh gây ngộ độc.
Còn khi bánh chưng đã bị mốc ở một góc hay một phần nào đó, thì càng không nên ăn vì trong bánh chưng có gạo, thịt và chất béo là môi trường để vi khuẩn nấm mốc phát triển, khi ăn có thể bị ngộ độc thực phẩm cấp tính như tiêu chảy…
Nếu cắt bỏ phần bánh chưng đã mốc hỏng đi và rán bánh chưng lên thì người ăn vẫn có thể bị ngộ độc bởi một số loại vi khuẩn, nấm mốc sau khi chết vẫn tiết ra độc tố gây ra ngộ độc cho người sử dụng.