“Hội chứng cô gái may mắn” của Gen Z đang tạo ra xu hướng mới trong việc thể hiện ước mơ và đạt được điều mình muốn, nhưng liệu cứ muốn là được?
Laura Galebe, TikToker có hơn 166,000 người theo dõi đang làm dậy sóng trên mạng xã hội khi chia sẻ bí quyết thành công khá đơn giản của mình là “Hội chứng cô gái may mắn”. (“lucky girl syndrome”). Mỗi video chỉ dài vài phút của Galebe đưa lên, là có mấy trăm nghàn người, có video thu cả triệu lượt người xem, để lại hàng ngàn lời bình luận. Từ khoá #LuckyGirlSyndrome có 61.9 triệu lượt xem trên TikTok.
Trong các video của mình, Laura Galebe nhấn mạnh: “Tôi luôn suy nghĩ và mong đợi những điều tuyệt vời xảy ra với mình, là người may mắn nhất và cuối cùng mọi thứ diễn ra đúng y như vậy”.
Một chút hoài nghi nhưng cũng tò mò, Samantha Palazzolo, 18 tuổi, sinh viên ngành quảng cáo tại Đại học Illinois, quyết định làm theo để xem triết lý của Galebe có phù hợp với mình hay không. Mỗi sáng thức dây, Palazzolo tự nhủ đó là ngày may mắn của mình. Palazzolo bắt đầu từ mong muốn đơn giản là có được căn phòng như ý muốn trong căn hộ mới mà cô và bạn đang thuê. Cô luôn nói với bản thân rằng mọi việc sẽ tiến triển theo hướng có lợi cho cô và luôn suy nghĩ sẽ được ở trong căn phòng đó. Không biết bằng một cách thần kỳ nào đó, vài ngày sau, người bạn đang ở căn hộ mà Palazzolo thích đến gặp và nói muốn đổi phòng. Thế là ước mơ của cô sinh viên thành hiện thực.
Triết lý của Galebe đã đúng với trường hợp của Palazzolo, nhưng có phải cứ nghĩ mọi chuyện may mắn, và ngồi chờ, thì “Thần may mắn” sẽ đến?
“Hội chứng cô gái may mắn” là một xu hướng TikTok gần đây – bắt đầu nổi lên sau khi người dùng mô tả cách nó hoạt động với họ.
Mặc dù một số người có thể hoài nghi về phương pháp thành công khác thường này, Tiến sĩ Weld-Blundell nói rằng “cơn sốt” này cũng có logic của nó và nói rằng phải mất 30 ngày thì mới hiệu quả.
Tiến sĩ Samantha Weld-Blundell, 36 tuổi, giải thích trên Zenger News suy nghĩ đằng sau xu hướng này, thứ mà cho thấy mọi người “đổi đời” chỉ bằng cách tin rằng họ may mắn, và khẳng định phương pháp không chắc chắn này thực sự hiệu quả. Một số người nói họ luôn may mắn, trong khi những người khác cho rằng họ tự tạo cho mình hội chứng bằng cách thuyết phục bản thân rằng họ đơn giản là như vậy.
Những câu khẳng định mà mọi người nói để gặp may mắn, như “Tôi thật may mắn, mọi thứ đều suôn sẻ với tôi”, “mọi thứ đến với tôi một cách dễ dàng” hay “vũ trụ luôn ban thưởng cho tôi”. Những người may mắn cho rằng chìa khóa thành công là thực sự tin vào những lời khẳng định này và nói rằng cuộc sống của họ sẽ sớm thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp.
Kirshten Garcia, 24 tuổi, KOL về thời trang ở Orlando, thấy mọi người rần rần trên mạng, cũng thử sống theo phương châm mới, với niềm mong ước mình sẽ có một năm may mắn và nhận được lời mời tham dự Tuần lễ thời trang New York. Mỗi ngày cô gái trẻ sử dụng thần chú “mọi điều may mắn, những thứ phù hợp sẽ đến với tôi”. Cô lặp lại câu nói đó mỗi ngày và tin tưởng về điều đó. Cuối cùng Garcia cũng được tham gia Tuần lễ thời trang New York. “Tôi rất vui, hạnh phúc khi các nhà thiết kế đã liên lạc với tôi. Những điều tốt đẹp luôn xảy ra nếu bạn tin vào nó,” Garcia nói.
Nhà tâm lý xã hội học Claude Steel, giáo sư danh dự tại Đại học Stanford, lần đầu tiên phổ biến lý thuyết tự khẳng định từ năm 1988. Lý thuyết này gợi ý rằng khi quan điểm tích cực về bản thân của ai đó bị đe dọa, thì những lời khẳng định có thể khôi phục năng lực bản thân bằng cách cho phép mọi người phản ánh giá trị bản thân của họ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đều đồng tình với “phiên bản suy nghĩ tích cực” của Gen Z. Mơ ước nhiều, mong đợi quá lớn khiến người ta dễ rơi vào tình trạng ảo tưởng dễ dàng đạt được điều đó mà chẳng cần phải tốn sức. Những người trẻ luôn biết nói mình mơ ước gì, mình muốn làm gì, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì lại trì hoãn.
Lucy Baker, 46 tuổi, một huấn luyện viên về cuộc sống ở Anh, cảnh báo rằng đó sẽ là một vấn đề lớn đối với những ai tin rằng suy nghĩ tích cực là tất cả những gì bạn cần. “Tin tưởng nhiều nhưng không đạt được kết quả sẽ gây ra sự thất vọng, thậm chí một số người hoàn toàn mất đi sự tự tin. Tôi áp dụng suy nghĩ tích cực với khách hàng của mình. Nhưng việc tin rằng bạn là người may mắn nhất trên Trái Đất, may mắn hơn bất kỳ ai khác, thì lại rất nguy hiểm,” Lucy Baker nói.
Các nhà tâm lý viết trên CNN, rằng sự tin tưởng, mơ mộng thường mang lại hữu ích, tăng niềm vui, giảm bớt buồn chán. Về mặt tinh thần, mơ mộng đôi khi thúc đẩy sáng tạo, là một “liều thuốc giải độc” cho nỗi cô đơn. Tuy nhiên, nếu cứ ngồi mơ mà không chịu hành động, thì rất dễ rơi vào tình trạng mơ mộng viển vông, ảo tưởng.