Anh đã bao giờ thấy mưa đổ xuống ngày nắng đẹp?

Have You Ever Seen The Rain?

Khán giả Việt Nam có thể sẽ không biết đến “Who’ll Stop The Rain” hay “Have You Ever Seen The Rain” nếu không cùng chia sẻ nỗi bất an, khốc liệt của cuộc chiến với những người lính Mỹ và cha mẹ, thân thích họ ở quê nhà.

Người Việt lần đầu gặp gỡ với văn hóa Mỹ trong hoàn cảnh đặc biệt. Những ca khúc đẹp và đặc thù từ bên kia bờ Thái Bình Dương do những người lính Mỹ trẻ trung mang đến, trong hoàn cảnh cuộc chiến tàn khốc hủy hoại đời sống bình thường nhưng cũng không thiếu những thời đoạn tươi đẹp và hình ảnh nhân đạo.

Chính sự sẻ chia một cuộc chiến giữa hai đất nước và hai dân tộc là động lực trực tiếp để người Việt Nam đồng cảm và tiếp nhận những thông điệp tâm hồn từ các giá trị văn hóa Mỹ mà trước đó vẫn còn hoàn toàn xa lạ. Cho đến bây giờ, các ca khúc Mỹ được hát trong cộng đồng người Việt vẫn là của những năm 1960-1970 chứ không phải những sáng tác mới hiện tại, một phần vì ý nghĩa nhân văn trọn vẹn, một phần giống như điều không thay thế được của “mối tình đầu.”

Nếu hình ảnh cơn mưa trong những ca khúc tạo “hit” làm nên tên tuổi và sự giàu có (theo cả nghĩa đen) của Creedence Clearwater Revival (CCR), ban nhạc rock lừng danh những năm cuối thập niên 1960 đầu những năm 1970 ở nước Mỹ, chỉ tượng trưng cho buồn thương và những trở lực trong đời sống cũng như con đường đến với lý tưởng của tuổi trẻ, thì có lẽ thông điệp âm nhạc của CCR đã không được khán giả trên thế giới đón nhận nồng nhiệt đến thế. Thành công, cũng là đóng góp của CCR khi khắc họa thời đại và thế hệ mình, nằm ở chỗ biến biểu tượng của buồn thương, tan rã, mất mát trở thành hình ảnh mang tính hai mặt của trung thực chấp nhận, tha thứ, hồi sinh và chân lý.

Creedence Clearwater Revival, 1970 (ảnh: GAB Archive/Redferns)

Trước khi “Have You Ever Seen The Rain?” (Album Pendulum) chiếm vị trí số một trong bảng xếp hạng RPM 100 Top Singles (100 bài hát “đỉnh” từ nhà phát hành RPM) của Canada, thứ 8 bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ năm 1971, CCR đã khai sinh một người chị em tươi đẹp không kém trong năm 1970.

Who’ll Stop the Rain?” với tiết tấu kể chuyện uyển chuyển hàm chứa sự nhẫn nại, kìm nén bùng nổ, ca từ đẹp với những biểu tượng chính trị rõ rệt tàng ẩn ý nghĩa châm biếm, giai điệu giọng thứ chênh vênh hé lộ ngờ vực, bất an, truyền tải một thông điệp thời cuộc được thừa nhận rộng rãi là tiết lộ phần nào sự phản kháng với cuộc chiến Việt Nam.

Long as I remember the rain been comin’ down
Clouds of mystery pourin’ confusion on the ground
Good men through the ages tryin’ to find the sun
And I wonder, still I wonder, who’ll stop the rain?

I went down Virginia, seekin’ shelter from the storm
Caught up in the fable, I watched the tower grow
Five Year Plans and New Deals, wrapped in golden chains
And I wonder, still I wonder, who’ll stop the rain?

Heard the singers playin’, how we cheered for more
The crowd had rushed together, tryin’ to keep warm
Still the rain kept pourin’, fallin’ on my ears
And I wonder, still I wonder, who’ll stop the rain?

_______

Lâu như tôi còn nhớ được, cơn mưa từng đổ

Mây của bí ẩn trút nhầm lẫn lên đất này

Người tài từ nhiều thời nay ráng sức tìm mặt trời

Và tôi kinh ngạc, vẫn còn kinh ngạc, ai sẽ dừng cơn mưa?

 

Tôi chạy về Virginia, tìm chỗ trú bão dông

Bắt kịp trong huyền thoại, thấy những ngọn tháp lớn lên

“Kế Hoạch 5 Năm” với “Những Thương Lượng Mới”/ gói ghém trong chuỗi xích vàng

Và tôi kinh ngạc, vẫn còn kinh ngạc, ai sẽ dừng cơn mưa?

Lắng nghe nhạc chơi, cách nào chúng tôi làm vui hơn

Đám đông cuốn lại nhau, cố giữ gìn hơi ấm

Mưa vẫn không ngừng rơi, đổ xuống bên tai

Và tôi kinh ngạc, vẫn còn kinh ngạc, ai sẽ dừng cơn mưa?

_________

John Fogerty của nhóm Creedence Clearwater Revival, 1970 (ảnh: Gijsbert Hanekroot/Redferns)

John Fogerty, thủ lĩnh nhóm CCR, tiết lộ về hoàn cảnh trực tiếp anh sáng tác ca khúc trong buổi hòa tấu tại Shelburn, Vermont, 2007:

“Phải, bài ca tiếp theo được bao bọc bởi một chút hoang đường. Nhiều người trong các bạn cho là tôi đã hát bài hát ấy khi trở về từ Đại nhạc hội Woodstock tháng Tám 1969. Không. Tôi đã ở Woodstock 1969. Một sự kiện dễ thương. Tôi, một thằng nhóc California. Tôi đến đấy và thấy tất cả đám đông những người trẻ thực sự đáng yêu. Râu tóc. Sặc sỡ. Rồi trời bắt đầu mưa, và rồi thành bùn lầy thực sự, và rồi nửa triệu người nhất loạt bỏ áo quần! Thế hệ Boom (sinh ra trong thịnh vượng sau Thế chiến II) kiến tạo thực tại (được biết là) của họ, tôi đoán. Tôi trở về nhà và viết.”

Trong bài ca, Fogerty giữ vị trí người quan sát, mặc dầu yêu thích, ngưỡng mộ đám đông râu tóc sặc sỡ kia từ đáy tim. Anh nhận thấy rõ khát vọng “giữ gìn hơi ấm” tình yêu và nhân tính của họ, nhưng không tự hòa mình vào họ, những con người, theo cách nào đó cũng giống như anh, không tin vào sự hoang đường “Kế hoạch 5 năm” của Nga Xô cũng như mộng ước “Thương lượng Mới” của Franklin. D. Roosevelt khi cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai phe Tự do và Độc tài vẫn đang căng thẳng, gìm giữ miếng.

Fogerty giữ riêng tâm thức cô đơn cho mình trước đám đông cồn cào nhiệt huyết, nỗi cô đơn khiến cho anh nhận ra ngay cả trong những đáp án thời cuộc huyễn hoặc của chính trị gia vẫn có một khát vọng “tìm Mặt trời” và trong vẻ đáng yêu không thể che giấu của đám đông ở đại nhạc hội nỗi thiếu thốn “hơi ấm” của đủ đầy toàn thiện. Chính vì thế với anh, cơn mưa của những điều day dứt không ngừng rơi. Anh không tin có người gánh vác nổi sứ mệnh thời đại. Không chỉ cơn mưa dai dẳng đau buồn của một cuộc chiến sẽ không có kết cuộc và không bao giờ có thể kết thúc trong suy tưởng của con người.

“Mây của bí ẩn trút nhầm lẫn lên đất này” là ẩn dụ với nhiều lớp nghĩa, nhưng lớp nghĩa gần nhất là sự bóng gió về thời cuộc, một sự nhầm lẫn mà nguyên do còn chưa bao giờ được khám phá đầy đủ, cho đến tận ngày nay.

(Theo cá nhân tôi, lý tưởng tự do chưa chắc đã có thể chọn được một con đường thành đạo hơn những gì nó đã chọn để tồn tại trong quá khứ)

Nếu “Who’ll Stop The Rain” nhập đề như một câu chuyện cổ tích với vẻ ngoài ngây thơ, lãng mạn và bản chất hồ nghi thì “Have You Ever Seen The Rain” ở một mức độ từng trải và trưởng thành hơn về cách nhìn thế giới, dù ra đời chỉ một thời gian ngắn sau người chị em của mình.

Someone told me long ago
There’s a calm before the storm
I know! it’s been comin’ for some time
When it’s over, so they say
It’ll rain on a sunny day
I know! shining down like water

Refrain:

I wanna know, have you ever seen the rain?
I wanna know, have you ever seen the rain
Comin’ down on a sunny day?

Yeah!
I wanna know, have you ever seen the rain?
I wanna know, have you ever seen the rain
Comin’ down on a sunny day?

Yesterday and days before
Sun is cold and rain is hard
I know, been that way for all my time
‘Til forever on it goes
Through the circle, fast and slow
I know, it can’t stop, I wander…

_______

Ai đó nói với tôi, từ lâu

Có khoảng bình yên trước cơn giông tố

Tôi biết! Điều đó cũng từng đôi lần xảy ra

Khi nó qua đi, người ta nói

Trời sẽ mưa xuống ngày nắng đẹp

Tôi biết! Tia sáng tỏa xuống cũng tựa mưa

 

Điệp khúc:

Tôi muốn biết, anh đã bao giờ thấy mưa

Tôi muốn biết, anh đã bao giờ thấy mưa

Đổ xuống ngày nắng đẹp?

Yeah!

Tôi muốn biết, anh đã bao giờ thấy mưa

Tôi muốn biết, anh đã bao giờ thấy mưa

Đổ xuống ngày nắng đẹp?

 

Hôm qua và những ngày trước đây

Mặt trời lạnh và mưa khốc liệt

Tôi biết! Tất thảy ngày tháng của tôi sẽ theo cách đó

Sẽ như thế cho đến vô cùng

Một vòng tròn, dù chậm hay nhanh

Tôi biết! Nó không thể dừng, tôi quanh quẩn…

(Điệp khúc)

Lời ca khởi đi từ kiểu trí tuệ truyền miệng tựa như nhắc nhở một chân lý phổ biến trong dân gian, điểm tựa vững vàng để giải thích những gì đang xảy ra ngày hôm nay. Êm đềm báo hiệu bão dông, mưa đổ xuống ngày nắng đẹp – hiện tượng này tuy không quá phổ biến hàng ngày, đối với nhiều người (chưa từng trải) trong chúng ta điều đó có chút gì đáng sửng sốt, hồ nghi, nhưng (đích thực) là quy luật bình thường của vũ trụ.

Woodstock 1969 (Getty Images)

Sự thật đó được nhắc lại thêm một lần như dự báo tương lai, khiến cho hiệu lực của nó đối với tâm trí con người càng mạnh mẽ bội phần: “Trời SẼ mưa xuống ngày nắng đẹp.” Cơn mưa không thể ai hoặc sức mạnh nào ngăn cản nổi, cho dù giữa một ngày tưởng toàn nắng tươi, cho dù không có điềm gì báo trước, và bất kể nhiều người sửng sốt. Cơn mưa ngoài tầm ước muốn hay mong cầu của con người.

Cảm xúc và thái độ của người tỏ bày/ speaker trong ca khúc mới là “phát hiện” đáng kinh ngạc cho khán giả: “Tôi biết! Tia nắng tỏa xuống cũng như mưa.” Nói cách khác, giọt mưa trút xuống cũng lung linh, tươi sáng như tia nắng. Hiểu được bản chất đẹp của nỗi buồn, ly tan, mất mát cũng ngang hàng với hạnh phúc, ấm áp, sum vầy, ít nhất trong sức mạnh của những chứng nghiệm, dư âm và ý nghĩa mà nó mang lại cho tâm hồn, trí tuệ con người là một trưởng thành không dễ gì có được.

Cho dù ca từ bình thản, điềm tĩnh, giai điệu của bài hát lại để mặc cho nỗi đau và cảm xúc bùng vỡ như dòng lũ tràn qua con đập của hiểu biết và lý trí. Cái đau nhức nhối của những tâm hồn non trẻ trước nghịch lý đời sống, bất kể sự trưởng thành về nhận thức là không tránh khỏi, không thể giấu giếm, cần được an ủi, nương tựa và xoa dịu. Chính vì thế, người tỏ bày, ở đây phần nào là con người chàng trai John Fogerty lặp đi lặp lại nỗi day dứt của chàng trước khán giả nói riêng và cuộc đời nói chung, đã có ai từng trải (nỗi đau, mất mát, chân lý) như chàng hay chưa?

Lời 2 của bài hát, không như giải thích của một số khán giả, xoáy vào nỗi đau thương và tuyệt vọng trong thực tại của người tỏ bày, thực chất nói về những đau xót đã là của ngày hôm qua và nhiều ngày trước, đã được để lại phía sau. Có chút ngậm ngùi trong giọng điệu ca từ khi nói về vòng tròn bất tận của khổ đau tiếp nối hạnh phúc, nhưng đó cũng là quy luật, không kể đến con người đã sẵn sàng để bước theo dòng chuyển dời đó hay chưa.

Như John nhiều lần nói với khán giả, ca khúc này là dự báo sớm của anh về lìa tan của CCR, khi Tom Fogerty, anh trai của nhạc sĩ phải dứt áo ra đi với những show và ghi âm riêng biệt cũng như những căng thẳng ngày một rõ rệt giữa John và các thành viên khác, khi band đang ở đỉnh cao của cống hiến và thành công.

Woodstock 1969 (Getty Images)

Ẩn dụ “mưa đổ xuống ngày nắng đẹp” hoàn toàn trọn vẹn khi miêu tả thực tại này. Nhưng ý nghĩa sâu xa của những hình ảnh trong ca khúc, phần chìm của tảng băng lại phản chiếu một khúc quanh của tâm hồn nước Mỹ. Mark Deming khi bình luận âm nhạc cho tạp chí AllMusic nhắc rằng, ca khúc nói về lý tưởng chủ nghĩa của những năm 1960s và tinh thần này đã phai nhạt ra sao vì sự tiếp nối của những sự kiện như Woodstock Tháng Tám 1969 (đại nhạc hội xảy ra bạo lực khiến hai người chết vì xe cán) hay vụ xả súng Kent State (một quân nhân bắn vào sinh viên biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở Đại học Ohio.) Mặc dầu lý tưởng chủ nghĩa vẫn còn tồn tại trong những năm 1970s, nhưng người Mỹ đã không còn muốn chiến đấu cho nó.

Có thể chính John Fogerty cũng chưa ý thức rõ ràng về thông điệp của vẻ đẹp và lý tưởng đang ở đỉnh cao, nay bị thờ ơ và suy giảm như Mark Deming nhận thấy, nhưng thông điệp ấy là sự phản chiếu tâm hồn thời đại trong nội tâm người sáng tạo. Dầu đau khổ với thực tại, Fogerty chấp nhận nỗi đau ấy và bằng giai điệu mạnh mẽ, khuyến khích người nghe đối diện, chứng nghiệm, suy tưởng về nó, chấp nhận, tha thứ và tìm ra năng lượng tốt lành mà nó mang lại cho những chặng đường tiếp theo.

Hai ca khúc cùng có điểm tương đồng là nỗi day dứt về sự không hoàn hảo, không được chuẩn bị và đón chờ của thực tại, nhưng một hồ nghi về việc thay đổi nó, một chấp nhận và kiếm tìm động lực từ chính thực tại mất mát và bất toàn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: