Xu hướng nuôi thú cưng ngày càng phát triển thì càng có nhiều người bị thú cưng cắn, cào.
Trong 7 ngày nghỉ tết Quý Mão (từ 20 Tháng Giêng – 26 Tháng Giêng), đã có 1,365 người đến chích ngừa bệnh dại tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới thành phố (Sài Gòn). Thông tin được bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc bệnh viện báo cáo với đoàn của Bộ Y tế ngày 31 Tháng Giêng 2023.
Trong số đó, có 496 người bị chó cắn, 55 người bị mèo cào, 8 người bị chuột cắn, 29 người bị động vật có vú khác cắn… Ông Dũng cho biết đa số bệnh nhân bị thú cưng tấn công khi đi chúc tết.
Điển hình là trường hợp của ông N.V.H (sinh năm 1991, ngụ huyện Bình Chánh, Sài Gòn). Ngày mùng Hai tết vừa qua, ông H. đến nhà họ hàng chúc tết và bị con chó mẹ đang nằm ổ trong góc nhà của gia chủ lao ra cắn vào chân phải, khiến chân ông chảy máu. Tuy vết thương không nặng nhưng ông H. vội đi chích ngừa ngay vì chủ nhà không nhớ thời gian chích vaccine phòng bệnh dại cho chó.
Số người phải chích ngừa bệnh dại năm nay ở Sài Gòn tăng cao so với tết các năm trước. Tết năm 2022, có khoảng 800 người, còn năm 2021 có khoảng 1,000 người đến chích ngừa bệnh dại.
Số người chích ngừa bệnh dại ở bệnh viện mỗi ngày trong dịp tết cũng nhiều hơn so với ngày thường. Trước tết, chỉ khoảng 200-250 người chích ngừa/ngày, còn dịp tết lên đến 300-400 người chích ngừa/ngày.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất ở Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022, với tỷ lệ chết là 100% khi phát bệnh dại. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố, mọi người cần phải ngăn ngừa bằng cách chích ngừa bệnh dại ngay khi bị thú cưng cắn, cào. Liệu trình chích ngừa bệnh dại gồm ba mũi vaccine vào ngày 0, ngày 7, ngày 21 hoặc 28 sau khi bị cắn; chích nhắc lại sau một năm và cứ 5 năm chích nhắc lại một mũi vaccine. Ngoài ra, người tiếp xúc nhiều với thú cưng có thể chủ động chích ngừa dự phòng bệnh dại trước khi bị cắn.
Cũng theo trung tâm này, tỷ lệ tử vong do bệnh dại ở Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới. Tính từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã có gần 1,000 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 54/63 tỉnh, thành phố, trong đó, 97% do chó và 3% do mèo.
Trong 9 tháng của năm 2022, Việt Nam có 43 ca tử vong vì bệnh dại ở 17 tỉnh/thành phố, nhiều nhất là tỉnh Bến Tre (12 ca), kế đến là Kiên Giang (5 ca) và Gia Lai (4 ca). Năm 2022, Hà Nội có 2 ca tử vong do bị chó cắn mà không đi chích ngừa, Sài Gòn không có ca nào.
Ngoài ra, với sở thích nuôi dưỡng thú cưng được nhập từ nước ngoài, năm 2022 đã xảy ra 2 vụ chó Pitbull (chó mặt xệ) tấn công chủ, làm họ tử vong ngay sau đó: Vụ thứ nhất là một em bé 8 tuổi ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, bị chó Pitbull cắn ngày 22 Tháng Bảy; vụ thứ hai là một phụ nữ 60 tuổi ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị chó Pitbull cắn ngày 28 Tháng Tám. Cả hai con chó này đều là thú cưng của gia đình.
Trước đó hồi Tháng Năm 2021, một người đàn ông 37 tuổi ngụ xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cũng bị chính con chó Pitbull mình nuôi tấn công và chết ngay sau đó.
Để phòng chống bệnh dại, luật Việt Nam quy định những người nuôi thú cưng cần chích ngừa cho thú cưng và chích nhắc lại hằng năm; không thả rông chó, mèo; phải đeo rọ mõm khi cho chó ra đường; không trêu chọc chó, mèo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hầu hết chó, mèo đều được thả rông, khi ra đường hiếm thấy chó được rọ mõm, còn tỷ lệ chích ngừa vaccine cho chó, mèo vẫn thấp. Theo thống kê của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm 2022, tổng đàn chó cả nước là gần 7 triệu con, tỷ lệ chó được chích ngừa trung bình đạt khoảng 40% tổng đàn. Trong số 63 tỉnh, thành, chỉ có 13 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đạt tỷ lệ chích ngừa dại trên 70% tổng đàn chó.