Sài Gòn có tất cả mọi thứ, trừ nhà vệ sinh công cộng!

Một trong những nhà vệ sinh công cộng ở Sài Gòn, ai dám bước vào? Chưa kể nơi đây thường là chỗ tụ tập của dân nghiện hút – Ảnh: Thanh Niên

Đó là đánh giá của Nikkei Asia cuối Tháng Giêng 2023 khi công bố bảng xếp hạng nhà vệ sinh công cộng ở 69 thành phố du lịch trên thế giới theo đánh giá của QS Supplies, một công ty có trụ sở tại Anh.

Trong bảng xếp hạng các nhà vệ sinh công cộng ở các thành phố du lịch trên thế giới, Hà Nội đứng thứ 66/69, còn Sài Gòn đứng thứ 67/69, gần như đội sổ, một điều hoàn toàn đúng.

Thứ hạng nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội và Sài Gòn chỉ đứng trên Johannesburg (Nam Phi) và Cairo (Ai Cập), có khoảng cách khá xa với Kuala Lumpur (Malaysia) đứng thứ 42, Bangkok (Thái Lan) đứng thứ 45…

Bảng xếp hạng dựa trên số nhà vệ sinh công cộng có trên mỗi km vuông, và 10 thành phố có mật độ nhà vệ sinh công cộng cao trên mỗi km vuông đều thuộc các quốc gia giàu có và phát triển như Paris, Zurich, Barcelona…; trong khi nhóm thành phố bị xếp hạng gần chót chủ yếu ở châu Phi hoặc các nước nghèo châu Á.

Với hơn 13 triệu dân, Sài Gòn chỉ có khoảng 200 nhà vệ sinh công cộng (trong đó có cả nhà vệ sinh công cộng bị bỏ hoang), còn Hà Nội khá hơn, gần 400 cái. Nhà vệ sinh công cộng có lẽ cũng là một trong những lý do khiến du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chưa tới 10%, trong khi có 40% du khách quốc tế quay lại Thái Lan.

Bảng thống kê 15 thành phố có điều kiện nhà vệ sinh công cộng kém nhất, Hà Nội vị trí 66 và Sài Gòn 67/69 thành phố du lịch thế giới – Ảnh chụp màn hình

Khi đi tìm kiếm nhà vệ sinh công cộng ở quận 1, Sài Gòn, phóng viên báo Thanh Niên chỉ đếm được khoảng 10 cái và cho biết ở khu phố Tây (Bùi Viện – Trần Hưng Đạo – Cống Quỳnh – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học) không có nhà vệ sinh công cộng nào. Đường Nguyễn Huệ và Hai Bà Trưng ngay trung tâm quận 1 mỗi nơi chỉ có một nhà vệ sinh công cộng, còn bến Bạch Đằng không có cái nào, dù du khách đổ về đây mỗi buổi chiều và tối rất đông.

Truyền thông về du lịch của Việt Nam thường chỉ chú ý đến những bài báo vinh danh như Sài Gòn là một điểm đến hàng đầu châu Á năm 2023 (xếp hạng của Fodor’s Travel của Hoa Kỳ); Sài Gòn và Hội An có tên trong Top 25 điểm đến là xu hướng du lịch hàng đầu năm 2023 (Tripadvisor – nền tảng du lịch hàng đầu thế giới bình chọn); Hà Nội có tên trong Top 3 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023 (xếp hạng của Travel + Leisure) nhưng chưa có bài nào đề cập đến thực trạng nhà vệ sinh công cộng ở hai thành phố lớn nhất nước này. Nói chung, với truyền thông Việt Nam thì cứ khen là được!

Mỉa mai, Nikkei Asia nhận định: “Đường phố TP.HCM có mọi thứ mà khách du lịch mong muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cuộc sống sôi động… Tất cả đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh”! Đúng như vậy.

Đây không phải lần cảnh báo đầu tiên. Vì hồi năm 2014, nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam đã là một trong bảy nỗi sợ của du khách ngoại quốc. Số lượng vừa ít (kiếm đỏ mắt mới có), vừa… không sử dụng được vì quá dơ dáy hoặc đang khóa cửa bỏ hoang.

Bên trong một nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm quận 1, thà “nhịn” còn hơn – Ảnh: Thanh Niên

Hồi năm 2014, Sài Gòn từng khai trương rầm rộ một số nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 4 – 5 sao ở các công viên Tao Đàn, 23/9 và Lê Văn Tám (thuộc quận 1) do ngân hàng Sacombank đầu tư với chi phí từ 800 triệu – 1 tỷ đồng/cái (trị giá lúc đó $37,654 – $47,067). Mỗi nhà vệ sinh công cộng này có diện tích 60m2, sạch sẽ, vì có người dọn dẹp thường xuyên. Thế nhưng hiện nay, hệ thống này đã không còn giữ được vẻ sạch sẽ do thiếu người dọn dẹp, chưa kể một số điểm đã không còn hoạt động.

Năm 2016, Sài Gòn có kế hoạch xây dựng 1,000 nhà vệ sinh công cộng, kinh phí dự định khoảng 110 tỷ đồng (trị giá lúc đó $4.8 triệu) do công ty Vinasing đầu tư. Hà Nội cũng có kế hoạch tương tự với sự đầu tư của công ty này.

Thế nhưng, tới nay kế hoạch này ở Sài Gòn vẫn chỉ nằm trên giấy và lý do theo Sở Tài nguyên Môi trường là Sài Gòn thiếu quỹ đất công và mô hình hợp tác công – tư đã không còn được áp dụng. Hà Nội khá hơn, cũng chỉ xây được 85 nhà vệ sinh công cộng trên tổng số 416 vị trí đã khảo sát đủ điều kiện.

Kinh nghiệm của tôi khi đi chơi ở khu trung tâm thành phố (Sài Gòn lẫn Hà Nội) là khi mắc vệ sinh nên vào một quán cà phê hiệu như Starbucks mua một ly nước… hoặc vào hẳn trung tâm thương mại do người ngoại quốc đầu tư như Aeon, Takashimaya, Diamond… vì chỉ có dân ngoại quốc mới chú trọng đến sự sạch sẽ của nhà vệ sinh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: