Mới lấy chồng mà chồng cứ đi “biền biệt”

(Minh họa: Andrea Piacquadio/Pexels)

Thưa chị Nguyệt Nga,

Năm nay tôi đã 50, vì hoàn cảnh gia đình, nói đúng ra là do mồ côi cha mẹ, tôi phải lo cho các em để bù đắp sự thiếu thốn của chúng. Nay các em tôi đã có gia đình yên ấm. Tôi có một bussiness nho nhỏ, không giàu có hơn ai, nhưng tôi sống thoải mái, cũng có dư tiền để khi muốn cho các cháu cũng không lấy gì làm khó khăn.

Tôi định ở vậy không lấy chồng, nhưng duyên số đưa đẩy khiến tôi quen anh. Anh li dị vợ đã 20 năm, có ba con gái, anh nuôi con nên tình cha con của họ rất thắm thiết. Các em tôi không đồng ý, nói rằng khi không rước hoạ vào thân, ăn yên ở yên không muốn.

Các em nói thì kệ chúng nó, chúng tôi vẫn tiến đến chuyện sống chung. Tôi chính thức ở với anh từ hơn một năm nay. Tôi vui lắm, ngày xưa tôi sống một mình, chiều buôn bán về nhà thui thủi, nay có anh, chuyện trò nhà ấm cúng hẳn lên. Ở đời nếu mọi chuyện cứ trôi thế thì nói làm gì.

Anh ở với tôi chừng ít lâu thì bố anh bệnh, anh đi thăm, ở với ông già một tháng thì về lại. Về chưa được bao lâu thì bố anh vào nhà thương, anh lại đi, và vì gần cuối năm nên anh ở lại ăn Tết luôn với bố. Sau Tết anh về, bố lại bệnh, anh lại đi lần thứ ba. Tôi cũng xin thưa là, ông già ảnh năm nay 85 tuổi, ông đang bệnh ung thư kỳ cuối, hiện ở với bà vợ thứ hai cũng xấp xỉ 80. Họ có hai con chung cũng ở gần đó, chồng tôi là con trai cả, con của bà trước.

Anh nói với tôi, anh mồ côi mẹ từ thuở bé, anh muốn trả hiếu cho cha, anh không muốn khi cha già mất mà anh không có mặt. Tôi biết nói sao đây. Tính đến hôm nay là anh đã đi hơn năm tháng. Tôi vì nhớ anh nên đã bỏ tiệm đi thăm bố anh khoảng một tuần. Nhưng tôi không thể đi hoài được, buôn bán càng ngày càng khó khăn. Mỗi lần đi, đâu phải chỉ là tiền vé, còn trăm thứ tiền, quà cáp, biếu xén… bà con thì quá đông, ai cho ai bỏ, nên có lẽ tôi chỉ đi lần nữa khi ông già mất.

Năm hết Tết đến, vậy mà anh vẫn phải hầu cha, không thấy nói năng gì chuyện về với tôi. Hỏi đến thì cứ nói, “Bố cần anh, bố không tin mấy đứa em.” Tôi biết ăn nói làm sao đây? Chúng tôi về với nhau mới hơn một năm mà anh đã thăm bố ba lần, tổng cộng gần tám tháng. Vậy là sao? Tôi thật hết sức muốn nói với anh, Tết này mà không về với tôi thì đi luôn đi.

Đó là chưa kể lúc anh ở với tôi, vì cũng gần nhà một cô con gái, chỉ đi bộ năm phút là đến, nên chiều nào dọn dẹp từ tiệm về là anh cũng chèo kéo tôi qua nhà con gái ăn cơm và chơi với cháu. Tôi thì phần mệt vì suốt ngày buôn bán, phần muốn về nhà nằm nghỉ để chuẩn bị ngày mai ra tiệm. Anh nại cớ tới nhà con ăn thì tôi khỏi phải nấu.

Tôi làm sao để thay đổi được tình trạng này. Tôi nghĩ chắc vì vậy mà anh không lấy ai được trong suốt 20 năm li dị vợ. Cái kẹt là tôi yêu và nhớ ảnh. (Hồng Khánh)

GÓP Ý

-Kiều Liên

Ông cụ bố chồng cô năm nay đã 85 tuổi, lại đang bị ung thư giai đoạn cuối, chắc cụ cũng không sống được bao lâu. Chồng của cô Khánh là con cả, theo lề thói của người Việt Nam ta, rất trọng trưởng nam, tất cả mọi việc trong gia đình đều phải hội ý với trưởng nam. Ý kiến của người mẹ không được tôn trọng bằng, huống chi là mẹ kế. Nói thế để cô Khánh hiểu, mà đỡ bớt phần nào phiền bực và không vui với anh ấy.

Tôi thông cảm vô cùng cái cảm giác của cô Khánh khi người chồng cứ bỏ mình mà đi, dù là đi vì lý do rất chính đáng, nhất là vào thời gian đầu sống với nhau.

Chắc là cô Khánh cũng đã từ chối đôi ba cuộc tình, phần vì thương các em, nhưng chắc cũng nhiều phần vì không tìm ra người ưng ý. Nay gặp anh ấy, cô Khánh đã sống rất vui, bỏ ngoài tai lời can ngăn của các em thì chắc anh ấy cũng phải có nhiều ưu điểm nổi trội. Có hiếu với cha mẹ già và ở vậy suốt 20 năm để nuôi các con trưởng thành cũng là một ưu điểm lớn, chỉ phải tội, anh ấy “phát huy” ưu điểm này hơi quá nên làm cô Khánh giận.

Cô Khánh yêu chồng, anh ấy là người tốt, thương cha mẹ và các con, người như thế cầm chắc trong tay sẽ rất thương yêu vợ. Hãy nghĩ như thế để bỏ qua mọi chuyện, huống chi là cô đang nhớ và thương anh.

-Kim Lý

Thưa chị Khánh, chuyện ba chồng chị, ông cũng đã 85 tuổi, cũng không còn sống bao lâu nữa. Chị Khánh cũng đã chịu được hơn tám tháng cảnh nhớ thương chồng, chị Khánh ráng thêm tí nữa để trọn nghĩa với người lớn và trọn tình với người phối ngẫu.

Nếu nay chị nói lời quyết liệt, thế nào anh cũng vì yêu chị mà về, nói dại miệng, lỡ ông cụ ra đi đúng vào lúc ấy thì mình mang tiếng cả đời đó chị!

Cách cư xử của chị, người tốt như anh ấy chắc sẽ thấu hiểu mà đền đáp lại bằng năm bằng mười.
Chuyện ăn cơm mỗi tối ở nhà con gái, chị nên nói thẳng với anh ấy mọi thứ, rằng là chị cần nghỉ ngơi và muốn có thời gian riêng tư với nhau.

Tôi tin với con người nhân ái, hiểu biết như anh ấy, mọi việc sẽ qua đi một cách tốt đẹp.

-Văn Tư

Tui nghĩ ba chồng của chị không còn sống bao lâu, chị nên xí xóa và kiên nhẫn. Nếu tôi là ảnh chắc tôi cũng sẽ làm như vậy.

-Huy Tưởng

Ðọc thư chị mà thấy thương thay cho chị quá lụy tình, lấy chồng chỉ hơn một năm mà chồng đã đi gần tám tháng, vậy chị lấy làm chi cho khổ, theo tui thì ở vậy cho sướng thân. Một mình tự do tự tại giống như lời các em chị đã nói.

Thời buổi bây giờ, chị mới 50, nghĩa là còn trẻ chán, thôi ông này chị vẫn còn thời gian để đi tìm ông khác, hạnh phúc khác và biết đâu người sau đó mới thực sự là của chị.

Tui mà là chị, tui chỉ coi ông hiện tại là bạn trai thôi, thích thì gặp mặt hẹn hò đi chơi, coi phim, ăn cơm… còn nếu thấy phiền quá thì tui “say goodbye.”

Theo tui mình phải thương mình trước, mình phải bỏ người ta trước khi người ta bỏ mình. Ðó chỉ là ý kiến của tui, còn chị, thì tất cả phụ thuộc vào tình cảm chị dành cho ông ấy sâu đậm cỡ nào để chị có thể hy sinh tất cả cho ổng hay không?

(Minh họa: Simon Godfrey/Unsplash)

VẤN ĐỀ MỚI

Ba má em lấy nhau hơn 40 năm. Má em rất yêu và lo cho chồng, trong bữa ăn, em thấy món gì ngon là má em dành cho ba. Ngày xưa mà còn thấy má thích cái này thích cái kia, bây giờ thì không còn thấy má thích nữa, mà chỉ thấy ba thích, má em chỉ ăn những đồ thừa của những ngày hôm trước. Nếu có rầy má thì má nói “bỏ tội trời.” Má rất ghét ăn cháo, nhưng từ ngày ba bị rụng mấy cái răng thì má cứ hay nấu cháo. Má em làm như trên đời này chỉ có ba em là cần phải phục vụ.

Má thương ba em ghê lắm, nhưng em không biết sao hình như ba em không thương má, ba em hay cằn nhằn, la rầy, khó chịu. Nhiều khi em thật bực ba. Ba em qua Mỹ đã lâu vậy mà không học được tí nào của đàn ông Mỹ. Trong nhà ba em cứ kiểu chồng chúa vợ tôi. Cả ngày chỉ đọc báo xem tivi, còn thì má em đầu tắt mặt tối, lo đủ các thứ trong gia đình. Ngay cả những việc nặng nhọc cần bàn tay người đàn ông thì má em cũng dành làm.

Em rất muốn nói thẳng với ba em là nên phụ má một tay, nên nói năng dịu ngọt với má, nhưng từ hồi nào đến giờ, cả nhà coi ba như ông trời con, cả em cũng vậy, em cũng sợ ba em, mặc dù em thấy khó chịu quá, mà cũng nhiều lần không dám nói. Rồi còn bị má cản, má không cho em nói, và lại tìm cớ này cớ nọ để bênh vực ba.

Câu mà má em thường dùng để chạy tội cho ba là: “Thôi ba già rồi, chiều chuộng ba đi, lỡ một mai không còn ba nữa mình sẽ hối hận.” Mỗi lần nghe vậy là lòng tức của em lại tan biến ngay. Nhưng chẳng lẽ cứ để má em chịu hoài cảnh như vậy.

Mà hình như càng già ba em càng khó tính. Thỉnh thoảng còn ghen bóng ghen gió nữa. Riết rồi má em ra đường chẳng dám ăn mặc đàng hoàng, vì ba em sẽ nói, già rồi ra đường ai nhìn mà còn diện.

Thưa cô, chịu đựng hoài như vậy có đúng không? Em có nên nói với ba em để ba em sống bớt ích kỷ không? Em xin cám ơn. (Hồng)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: