“Săn cáo”: Mỹ và đồng minh tăng cường truy lùng gián điệp Nga

Trụ sở BND, cơ quan tình báo liên bang Đức, nơi gián điệp Nga thâm nhập (ảnh: Christophe Gateau/picture alliance via Getty Images)

Cuộc chiến Ukraine đã nâng cao cảnh báo của Mỹ và đồng minh về hoạt động gián điệp, và nay việc săn lùng các điệp viên Nga đang được đẩy mạnh đến mức chưa từng có.

Vụ bắt giữ được báo trước

Trong số hành khách đang ngủ trên chuyến bay qua đêm từ Miami (Florida, Mỹ) đến Munich (Đức) vào Tháng Một 2023, có hai du khách không bình thường. Một người là công dân Đức sẽ bị bắt khi đến nơi để ra toà về tội phản quốc vì giúp Nga tuyển dụng và “sai khiến” một quan chức cấp cao của cơ quan tình báo Đức BND. Người kia là một đặc vụ FBI có mặt trên chuyến bay để bảo đảm rằng chính quyền Đức sẽ thực hiện cuộc bắt giữ.

Vụ bắt Arthur Eller vào ngày 21 Tháng Một (chủ yếu dựa trên bằng chứng buộc tội FBI thu thập được trong thời gian nghi phạm sống ở Florida) là phát súng mới nhất trong cuộc chiến “thầm lặng nhưng quyết liệt” đối phó với tình báo của Nga. Trong năm qua, các cơ quan tình báo Mỹ và châu Âu bí mật tiến hành một chiến dịch phối hợp nhằm làm tê liệt các mạng lưới gián điệp Nga hoạt động tại lục địa – The Washington Post cho biết.

Vụ bắt giữ nói trên liên quan đến vụ bắt giữ một quan chức cấp cao của cơ quan tình báo nước ngoài Đức BND và nối tiếp các vụ bắt giữ những kẻ nghi là điệp viên Nga ở Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Áo, Ba Lan và Slovenia. Chiến dịch săn lùng điệp viên Nga được tăng tốc sau vụ trục xuất hơn 400 điệp viên Nga khỏi các đại sứ quán Nga trên khắp lục địa châu Âu vào năm 2022.

Vụ bắt giữ mới đây tại Đức đã làm gia tăng mối lo ngại về các lỗ hổng còn tồn tại ở châu Âu và cho thấy Moscow vẫn tuyển được người tại BND, một trong những cơ quan tình báo lớn nhất châu Âu. Dù phía Đức tìm cách trấn an các quốc gia châu Âu, nhưng kẻ phản bội làm việc cho Nga có quyền truy cập vào dữ liệu rất nhạy cảm trao đổi giữa các đồng minh.

Sergei Naryshkin, Giám đốc Cơ quan tình báo hải ngoại Nga (Getty Images)

Cặp bài trùng bí ẩn

Một tháng trước khi Arthur Eller bị bắt ở Munich, chính quyền Đức cũng đã bắt giữ Carsten Linke, 52 tuổi, người phụ trách một đơn vị chịu trách nhiệm về an ninh nội bộ của BND với quyền truy cập vào hồ sơ nhân sự của cơ quan. Trước đó, Linke đã có nhiều năm làm việc tại một đơn vị tình báo lớn ở vùng Bavaria và chịu trách nhiệm về thu thập thông tin nhạy cảm từ các mạng thông tin toàn cầu.

Đức chỉ phát hiện vụ phản bội nhờ sự giúp đỡ của một cơ quan tình báo phương Tây mà họ không nêu tên. Tháng Chín 2022 sau khi một hoạt động chung giữa hai bên cho thấy tình báo Nga đã có trong tay một tài liệu mật của BND, cuộc săn lùng gián điệp mới tập trung vào Linke. Mức độ nghiêm trọng của vụ việc đã khiến Mỹ, Anh và các chính phủ khác phải hạn chế chia sẻ thông tin tình báo với Berlin. Trước mắt, BND bắt đầu thẩm tra kỹ lưỡng mối quan hệ của Linke với Eller, một nhà kinh doanh đá quý và kim loại 31 tuổi sinh ở Nga và sống cùng vùng Bavaria (nơi Linke làm việc lâu nhất). Các phương tiện truyền thông Đức đưa tin Linke và Eller gặp nhau lần đầu vào năm 2021 tại một sự kiện xã hội.

Nhưng trong cuộc phỏng vấn gần đây với The Washington Post, một quan chức Đức cho biết có dấu hiệu cho thấy người giới thiệu họ là một thành viên của đảng Alternative for Germany (AfD) cực hữu. Phát hiện này làm tăng khả năng Linke có thể đã bị thúc đẩy bởi các quan điểm chính trị cấp tiến. Công việc của Eller buộc ông ta phải đi lại liên tục (năm ngoái có 110 chuyến đi) và đến Moscow như con thoi.

Một quan chức an ninh cấp cao của Đức tham gia cuộc điều tra khẳng định “Eller gần như chắc chắn là đồng phạm”. Đầu Tháng Mười Một, ông ta đến Florida cùng vợ và con gái nhỏ để thăm họ hàng bên vợ ở Miami rồi trở lại Đức vào Tháng Mười Hai. Khi Linke bị bắt vào ngày 21 Tháng Mười Hai, Eller nhận được một cuộc gọi từ một đầu mối ở Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cảnh báo ông ta đang gặp nguy hiểm và thúc giục sớm bay qua Moscow. Thay vào đó, Eller lại đến Florida vào ngày Giáng sinh.

Vào rọ!

Chỉ cuộc điều tra sau đó của FBI mới làm sáng tỏ sự thật. Từ khi Eller bị BND giám sát, FBI cũng giám sát ông ta gần như liên tục, theo dõi mọi chuyển động và thông tin liên lạc của ông ta trong khi chính quyền Đức cung cấp cho FBI thông tin về cuộc điều tra đang diễn ra.

Lịch trình du lịch bận rộn của Eller đột ngột dừng lại vào ngày 12 Tháng Một khi ông ta sắp lên một chuyến bay về Munich và bị các đặc vụ FBI chặn lại tại sân bay Miami. Eller bị các đặc vụ FBI thẩm vấn và giao nộp máy tính xách tay, điện thoại di động. Ông ta thú nhận có liên hệ với BND và tiết lộ những chi tiết đáng kinh ngạc, gồm cả việc mang các hồ sơ mật của BND đến Nga, liên lạc với FSB và trở về cùng với những phong bì mà ông tin bên trong chứa số tiền mặt lớn cho Linke.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Bộ Tư pháp cân nhắc truy tố Eller nhưng vì không thấy bằng chứng nào ông ta phạm tội nghiêm trọng ở Mỹ nên cuối cùng họ cho phép ông ta trở về Đức để đối đầu với cuộc điều tra ở đó. Eller bị trục xuất và FBI hộ tống ông ta đến cổng lên máy bay (máy tính xách tay và điện thoại không được trả lại). Với thông tin nhận được từ FBI, cảnh sát Đức chờ sẵn tại sân bay Munich vào ngày 21 Tháng Một với lệnh bắt giữ ký hai ngày trước đó.

Trong khi đó, Linke bị buộc tội lạm dụng quyền hạn trong BND để giúp Eller không bị an ninh kiểm tra khi mang các tài liệu mật sang Nga và tiền mặt trở về. Điều tra phát hiện Eller đã chuyển cho Linke ít nhất bốn khoản tiền có tổng trị giá khoảng $100,000.

Đẩy nhanh chiến dịch tổng lực săn cáo tại châu Âu

Trong khi vụ án của Đức tập trung vào một người châu Âu bị buộc tội phản bội đất nước mình thì những vụ khác liên quan đến các công dân Nga tìm cách thâm nhập vào phương Tây. Trong số đó, có những người được gửi ra nước ngoài không phải với tư cách nhà ngoại giao được bảo vệ pháp lý mà là bất hợp pháp dưới vỏ bọc được thiết kế để che giấu mối liên hệ với Nga.

Tại Hà Lan vào năm 2022, an ninh phát hiện một hành khách mang hộ chiếu Brazil đến Sân bay Schiphol ở Amsterdam theo giấy chuẩn thuận thực tập tại Tòa án Hình sự Quốc tế nhưng trên thực tế là một sĩ quan quân đội Nga tên Sergey Cherkasov, người đã được cơ quan tình báo quân sự Nga GRU gửi ra nước ngoài hơn một thập niên trước để tạo vỏ bọc. Các quan chức cho biết tốc độ phát hiện nhanh điệp viên Nga là do sự hợp tác ngày càng hiệu quả giữa các cơ quan tình báo châu Âu, cũng như “thay đổi tư duy hậu Ukraine”, gồm cả Đức, vốn bị một số nước láng giềng từ lâu chỉ trích là “quá tự mãn” về mối đe dọa từ Moscow.

Năm 2022, trong một bài phát biểu, Ken McCallum, Giám đốc cơ quan tình báo nội địa MI5 của Vương quốc Anh tiết lộ chính phủ Anh đã “từ chối hơn 100 đơn xin thị thực ngoại giao của Nga vì lý do an ninh quốc gia” (nhiều nhất kể từ năm 2018, khi Anh trục xuất 23 điệp viên Nga để trả đũa vụ đầu độc một người chống đối Nga đào tẩu ở thành phố Salisbury).

Chiến dịch “săn cáo trong hang” tại châu Âu được thúc đẩy mạnh bởi tình báo Mỹ. Tìm cách tận dụng lỗ hổng của Moscow, CIA và FBI đã đẩy mạnh việc chuyển thông tin tình báo đến các đối tác châu Âu để loại bỏ tận gốc sự xâm nhập gián điệp Nga. Ngay cả trước khi xảy ra vụ bắt giữ ở Đức, chính phủ Thụy Điển, Na Uy và một số quốc gia khác đã nêu rõ sự đóng góp của tình báo Mỹ trong việc bắt giữ những điệp viên GRU, KSB và phá vỡ các mạng lưới của chúng. Tác động đầy đủ của thiệt hại đối với mạng lưới gián điệp của Nga ở châu Âu rất khó đánh giá nhưng nó cho thấy khả năng tình báo của Nga đã bị suy giảm nặng nề do vướng sâu vào cuộc chiến Ukraine, nơi FSB và cộng đồng tình báo Nga bộc lộ những thất bại lớn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: