20% trẻ em trên thế giới có dấu hiệu ăn uống lộn xộn (disordered eating). Ăn uống lộn xộn khác với rối loạn ăn uống (eating disorder) thế nào?
Từ ăn uống mất trật tự đến rối loạn ăn uống
Nhà trị liệu Jennifer Rollin, người sáng lập Trung tâm Rối loạn Ăn uống (The Eating Disorder Center) tại thành phố Rockville thuộc tiểu bang Maryland, cho biết can thiệp sớm rất hữu ích đối với cả người có dấu hiệu rối loạn ăn uống và ăn uống lộn xộn “không giống ai”.
Theo một nghiên cứu mới, cứ năm trẻ em và thanh thiếu niên trên khắp thế giới thì có hơn một trẻ có dấu hiệu ăn uống mất trật tự. Lý do có thể là bị ám ảnh bởi vóc dáng hay từ những gì nghe nói. Phân tích tổng hợp của nghiên cứu được công bố ngày 20 Tháng Hai trên tạp chí JAMA Pediatrics nêu rõ: “Ăn uống lộn xộn là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng nhưng không nghe nói đến nhiều và bị đánh giá thấp”.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét và phân tích 32 nghiên cứu từ 16 quốc gia và phát hiện trên thế giới có 22% trẻ em và thanh thiếu niên có hành vi ăn uống lộn xộn. Hành vi này ảnh hưởng nhiều hơn đến những cô gái tuổi teen, thanh thiếu niên (older adolescent) và những người có chỉ số cơ thể BMI cao. Nhà trị liệu Jennifer Rollin, người sáng lập The Eating Disorder Center cho biết: “Ăn uống lộn xộn cũng tương tự rối loạn ăn uống khi người bệnh tự đặt ra các quy tắc thực phẩm nghiêm ngặt: ăn bao nhiêu, ăn gì và tập thể dục bao lâu với loại thực phẩm vừa đưa vào.
Một người được chẩn đoán mắc chứng ăn uống lộn xộn sẽ thường xuyên đau khổ vì chưa ‘làm đúng, làm đủ’ những gì cần làm khiến chức lượng cuộc sống bị suy giảm nghiêm trọng. Bị ám ảnh lâu ngày, ăn uống lộn sẽ tiến triển thành rối loạn ăn uống. “Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là cả ăn uống lộn xộn và rối loạn ăn uống đều nghiêm trọng và cần được điều trị từ các nhà chuyên môn. Nhưng nghiên cứu, hành vi ăn uống lộn xộn thường không được điều trị đúng mức vì trẻ có thể che giấu các triệu chứng hoặc tránh tìm kiếm sự giúp đỡ do sợ bị kỳ thị,” Rollin viết trong email gửi tờ The Washington Post.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Jose Francisco López-Gil thuộc Viện Sức khỏe và Môi trường thuộc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội tại Đại học Castilla-La Mancha ở Tây Ban Nha cũng lưu ý: “Nghiên cứu chưa kết luận chính thức về vấn đề vì chỉ mới dựa trên dữ liệu “tự bạch” của những đối tượng tham gia. Vì vậy, các nhà nghiên cứu tiếp theo cần nghiên cứu kỹ nguyên nhân dẫn đến hành vi ăn uống lộn xộn. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, chúng tôi hy vọng các tổ chức và gia đình sẽ tập trung vào việc xác định và giúp đỡ những em có dấu hiệu ăn uống lộn xộn. Việc phát hiện và can thiệp sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa hậu quả sức khỏe lâu dài. Những phát hiện của chúng tôi cũng giúp các chuyên gia y tế, giáo dục và phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của vấn đề để xây dựng các chiến lược phòng ngừa và can thiệp”.
Tiến sĩ Jason Nagata, trợ lý giáo sư nhi khoa tại Đại học California San Francisco (không tham gia vào nghiên cứu) nhận định: “Tỷ lệ mắc chứng ăn uống lộn xộn đã tăng trong đại dịch nếu nhìn vào số trẻ tăng trọng bất thường sau khi dịch kết thúc. Số người phải nhập viện vì rối loạn ăn uống cũng tăng, nhưng vấn đề vẫn chưa kết thúc. Hành vi ăn uống lộn xộn rất nguy hiểm vì sẽ dẫn đến các biến chứng y tế nghiêm trọng cho tim, não, gan và thận”.
Cần phát hiện sớm các dấu hiệu của ăn uống lộn xộn
López-Gil khuyến cáo: “Người lớn nên nhận thức rõ và phát hiện sớm các dấu hiệu ăn uống lộn xộn ở cả bản thân mình và con cái. Nó có thể gồm nỗi ám ảnh về trọng lượng, vóc dáng cơ thể, thất vọng về bản thân, ảm ảnh về các quy tắc ‘ăn uống lành mạnh’ không được chứng minh và ám ảnh về ‘thanh lọc cơ thể’. Tập thể dục quá mức, quá nhiều thời gian khiến chất lượng cuộc sống bị suy giảm là dấu hiệu cảnh báo khác. Nếu thấy con bạn nhịn ăn, hạn chế nhiều calorie, nôn mửa, sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc giảm cân thì đó chính là những dấu hiệu cảnh báo khác.
Ăn uống lộn xộn gồm cả thu hẹp nhóm thực phẩm mà một người cần phải đưa vào cơ thể, luôn cảm thấy lo lắng khi vi phạm các quy tắc thực phẩm tự đề ra; đặc biệt là khi để cho các số đo cân nặng ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi; né tránh các cuộc gặp mặt hoặc chỉ ăn các loại thực phẩm đúng ý mình. Dù số người ăn uống lộn xộn nhiều hơn ở các cô gái tuổi teen và những người có chỉ số BMI cao, nhưng nó không từ bất kỳ ai thuộc mọi giới tính, chủng tộc, sắc tộc, khuynh hướng tình dục và cân nặng. Dù ăn uống lộn xộn không được chẩn đoán đúng mức ở các bé trai, những người thuộc các giới tính khác LGBTQ, người da màu và những người dư trọng nhưng chúng ta không thể dựa trên vẻ bề ngoài mà kết luận người đó mắc chứng ăn uống lộn xộn.
Tìm sự giúp đỡ ở đâu?
López-Gil cho biết, nếu bạn thấy con mình có dấu hiệu ăn uống lộn xộn thì hãy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. “Can thiệp sớm là rất quan trọng để chứng ăn uống lộn xộn không tiến triển thành rối loạn ăn uống đầy đủ,” Rollin khuyến cáo. López-Gil khuyên các gia đình nên hỗ trợ con mình bằng cách bắt đầu từ một thay đổi tích cực và không vội phán xét. “Những thanh thiếu niên lo lắng về hành vi ăn uống, giao tiếp khác thường có thể tiếp xúc với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc y tế và dinh dưỡng, cố vấn trường học, người thân hoặc giáo viên,” Nagata nói.
Rollin kết luận: “Rối loạn ăn uống và ăn uống lộn xộn đều lấy đi chất lượng cuộc sống vì bộ não của bạn chỉ chứa đầy những suy nghĩ về thức ăn và vóc dáng. Nên thoát nhanh khỏi nỗi ám ảnh. Tuổi trẻ xứng đáng được sống một cuộc sống trọn vẹn chứ không chỉ nghĩ đến ăn uống bài bản, tập thể dục và cân nặng”.