Cả hai chuyện xem ra chẳng liên quan gì đến nhau, vì “chuyện tỉnh nào tỉnh đấy lo”, mắc mớ chi đang gộp lại rồi nặng nhẹ?
Suy cho cùng, hai chuyện dù không liên quan gì đến nhau, nhưng cách ứng xử của lãnh đạo hai tỉnh đều… khốn nạn như nhau. Không tiền thì chúng bỏ mặc di tích (cấp quốc gia) “trơ gan cùng tuế nguyệt” như ở Bình Định. Còn ở Thanh Hóa, một năm chúng “đẻ” ra tới ba khu tượng đài, mặc cho dân tự thắt bao tử nhỏ lại vì cơm không đủ ăn:
– Tượng đài Bà Triệu sẽ được xây trên mảnh đất 5 ha, với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành năm 2025
– Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc có quy mô hơn 40 ha, có tượng đài con tàu tập kết với tổng mức đầu tư gần 255 tỷ đồng. Dự án này hiện đang được thi công và theo kế hoạch sẽ được hoàn thành trong năm 2023.
– Và mới đây nhất, ngày 21 Tháng Hai, các nhà thầu đã san lấp mặt bằng để triển khai dự án công viên tưởng niệm 64 giáo viên và học sinh đã hy sinh khi bảo vệ đê sông Mã năm 1972, kinh phí hơn 125 tỷ đồng.
Tổng cộng ba dự án tiêu tốn mất 500 tỷ đồng, tương đương gần $21 triệu.
Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao tỉnh Thanh Hóa lại được trung ương ưu ái cho xây nhiều tượng đài trong một thời gian ngắn như thế?
Câu hỏi tuy không thể trả lời, nhưng người ta có thể hình dung bóng dáng to lớn của ông thủ tướng đương nhiệm đứng đằng sau các công trình vĩ đại này. Lý do dễ hiểu vì ông là người Thanh Hóa.
Dân xây dựng cũng dễ dàng phỏng chừng, nếu các đơn vị nhận thầu phải “lại quả” cho chủ đầu tư 30% giá trị công trình thì số tiền lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhận được cũng tròm trèm 150 tỷ đồng (tức hơn $6 triệu). Còn chia như thế nào cho phải đạo tôi tớ là chuyện của lãnh đạo Thanh Hóa.
Nói gì thì nói, khi làm lãnh đạo rồi thì cái tầm suy nghĩ của họ khác dân đen. Họ nhìn xa hơn, và lo nhiều hơn cho cái “tiền đồ của họ” mà thôi. Nói thẳng ra là nếu làm cái gì ra tiền thì họ bu vào nhận trách nhiệm, còn không thì cho dù đang quản lý di tích cấp quốc gia họ cũng bỏ mặc nó xuống cấp như ở Bình Định.
Di tích thành Hoàng Đế tại xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định) được xếp hạng cấp quốc gia ngày 24/12/1982. Và mới đây nhất, ngày 30/1/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận cặp tượng voi đá trong khuôn viên di tích là bảo vật quốc gia.
Thành Hoàng Đế tọa lạc tại xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định), được xây dựng vào năm 1776, trên cơ sở của thành Đồ Bàn, kinh đô của Vương quốc Champa (thế kỷ X – XV). Nơi đây một thời cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự của triều đại Tây Sơn. Thế nhưng hiện nay khu này giống như một bãi rác vô thừa nhận chứ không phải khu di tích.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao Bình Định cho biết do không có người trông coi nên nó mới xuống cấp, và người dân mới vào phóng uế, đổ rác, trồng cỏ chăn bò,… như khu đất hoang như thế.
Ông Chánh nói như ông không có chút trách nhiệm gì về khu di tích này. Khi được hỏi tại sao, thì ông trả lời gọn là do không có tiền. Sau đó ông cho biết sắp tới khu này sẽ được tôn tạo, chỉnh trang lại. Hiện dự án đã được trình lên Bộ VHTT&DL chờ duyệt. Hiện nay đã cắm mốc toàn bộ xung quanh khu di tích, việc xây dựng đền thờ Thái Đức-Nguyễn Nhạc đã chuẩn bị thông qua UBND tỉnh là chủ đầu tư.
Ông Chánh không cho biết dự trù kinh phí là bao nhiêu, nhưng có lẽ ông cũng được chút sơ múi chi đó vì có chân trong Ban Quản lý nên vui hẳn lên. Sắp có tiền rồi mà.