Licca-chan được gọi là “Barbie Nhật” đang trở thành “siêu sao” trên mạng xã hội khi thu hút không chỉ trẻ con mà cả người lớn.
Búp bê Licca-chan nổi tiếng từ khi được bày bán trong các cửa hàng đồ chơi ở Nhật Bản năm 1967. Nhà sản xuất Takara Tomy tới nay đã bán được hơn 60 triệu con búp bê. Trong tiểu sử do công ty công bố, Licca-chan là một cô bé 11 tuổi, có mẹ là nhà thiết kế người Nhật, bố là nhạc sĩ người Pháp.
Minami Murayama, 34 tuổi, người đang có 40 con búp bê và khoảng 1,000 bộ quần áo búp bê, cho biết giấc mơ trở thành nhà thiết kế thời trang của cô đã thành hiện thực nhờ búp bê Licca-chan. “Tôi thường thấy những phụ nữ sành điệu diện thứ gì đó mà tôi không thể mặc vì tuổi tác hay hình thể, nhưng Licca-chan vẫn mặc được và trông rất đẹp”, Murayama nói. Theo France24 đưa lại bản tin trên AFP.
Theo Murayama, Licca-chan cao 8.5 inches, nhỏ hơn “siêu mẫu” của búp bê Barbie và có vẻ ngoài bình thường. Cô thường dành nhiều giờ may quần áo cho búp bê và thích may bằng vải jean, nhìn bụi bụi, và được chồng giúp tẩy và xé cho các bộ trang phục. Murayama tạo hàng loạt bối cảnh, sử dụng đạo cụ nhỏ xíu để trang trí quán cà phê mini và studio thời trang cho búp bê.” Tôi muốn làm rất nhiều công việc như mở quán cà phê, quán bánh hay trở thành nhà thiết kế thời trang,” cô nói. “Tất nhiên, tôi không thể thực hiện tất cả việc đó trong đời thực, nhưng có thể làm hết trong thế giới búp bê”.
Cô là người hâm mộ của kênh Instagram “Licca-chan’s Real Life” với hơn một triệu người theo dõi. Kênh gồm nhiều video, ảnh búp bê trong cuộc sống thường ngày như đổ rác hay mặc đồ ngủ ở nhà. Người sở hữu kênh luôn ẩn danh vì không muốn gặp phiền phức ở chỗ làm.
“Licca-chan trong kênh này không sống hào nhoáng. Cô bé sống trong căn phòng bừa bộn, thường mắc sai lầm như đời thực,” người sở hữu kênh cho biết. “Nếu bạn cho mọi người thấy ngay cả Licca-chan cũng sống như thế, bạn sẽ giúp họ thêm can đảm để cảm thấy thoải mái với bản thân”.
Nhà sản xuất Takara Tomy không quan tâm đến kênh “Licca-chan’s Real Life”, nhấn mạnh các video trong đó là “thế giới khác” với hình ảnh của công ty tạo ra cho búp bê. Tuy nhiên, kênh thu hút rất nhiều người trưởng thành như Murayama. Họ thành lập một cộng đồng trực tuyến, trao đổi quần áo và phụ kiện tự chế cho búp bê.
Ryoko Baba, nhà thiết kế đồ họa 33 tuổi, hồi nhỏ từng chơi Licca-chan và sở thích này được khơi lại hai năm trước như một cách giải tỏa căng thẳng. Cô cho rằng ảnh hưởng kéo dài của COVID-19 khiến mọi người dành nhiều thời gian ở nhà, ít có cơ hội ra ngoài hơn. “Khi muốn ra ngoài nhưng không thể, bạn sẽ có ít có cơ hội diện quần áo mới,” cô nói. “Thay vào đó, nhiều người thỏa mãn khát vọng này bằng cách mặc quần áo cho búp bê”.
Takara Tomy nhận thấy lượng người hâm mộ búp bê ở tuổi thành niên đang tăng và đã tung ra bộ sưu tập búp bê sành điệu nhắm tới khách hàng ở độ tuổi này. “Bây giờ có rất nhiều người lớn chơi đồ chơi trẻ con ở Nhật Bản lắm, trong đó có cả Licca-chan,” Murayama nói.
Tomy tin rằng sức hấp dẫn của búp bê sẽ ngày càng tăng. “Gần đây tôi thấy rất nhiều người bình luận họ không ngờ thế giới búp bê có tồn tại. Tôi hy vọng có thể quảng bá búp bê với thế giới này,” Tomy nói.