Nghề gánh rác ở núi Yên Tử

Mỗi công nhân vệ sinh ở chùa Đồng (Yên Tử) phải gánh mỗi lần 50kg rác vượt qua nhiều bậc thang kéo dài 3km mà chỉ nhận được khoảng hơn $10 một ngày – Ảnh: Lao Động

Ba tháng đầu năm, có khoảng 100 công nhân vệ sinh dọn rác ở khu di tích núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. 

Trong số đó, đội dọn rác ở chùa Đồng (đỉnh núi) phải nhọc nhằn gánh 50kg rác (110 lb) đi qua những bậc thang cheo leo dài 3 km (1.8miles) mỗi lần. 

Chùa Đồng tọa lạc chỗ cao nhất trên núi Yên Tử, ở độ cao 1,068m (3503.9 feet) so với mực nước biển. Ba tháng đầu năm là thời điểm khu di tích Yên Tử đón nhiều du khách đến hành hương nhất. 

Mỗi ngày, một công nhân vệ sinh ở chùa Đồng phải gánh rác gần 20 lần như vậy, trong thời tiết thường có sương mù dày đặc và thay đổi từng giờ, lúc nắng, lúc mưa. Lao Động ngày 5 Tháng Ba 2023 mô tả: Nhiệt độ trên đỉnh núi thay đổi thất thường, nhiều hôm lạnh đến 0 độ C (32 độ F), có hôm thì nắng chói chang, nhiệt độ lên đến 35 – 36 độ C (95-96.8 độ F). 

Đội công nhân gánh rác phải đưa khoảng 8 tấn rác bằng đường bộ, từ chùa Đồng trên đỉnh đến chùa Hoa Yên bên dưới – là nơi tập trung rác, gom vào thùng vận chuyển xuống chân núi. Cả đội công nhân vệ sinh gồm 100 người, hầu hết là dân địa phương, được phân chia theo khu vực. Công việc của họ bao gồm thu dọn, quét và gánh rác về nơi tập trung chỗ chùa Hoa Yên. Nhọc nhằn, đồng lương không cao, thế mà có người gắn bó gần 20 năm với công việc này và bảo nhau luôn phải giữ gìn sức khỏe. 

Vài công nhân được nhắc đến trong bài như bà Trần Thị Ngát, bà kể: “Hàng ngày tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để đi từ nhà lên đỉnh Yên Tử, thời gian di chuyển khoảng một tiếng đồng hồ cho quãng đường từ chân núi lên đến chùa Đồng”. 

Bà kể gánh rác nặng thì mệt nhưng mệt nhất là trên đường đi cũng phải gom rác, ngay ở những nơi hóc hẻm của địa hình như hốc đá, khe đá…, vì khách thập phương thường vứt các ly, chai nhựa đựng nước và vỏ các loại trái cây xuống vực. 

Gánh rác từ chùa Đồng xuống chùa Hoa Yên phải đi qua hàng ngàn bậc thang trong thời tiết nhiều sương mù – Ảnh: Thanh Niên

Một công nhân khác, bà Bàn Thị Chinh phàn nàn: “Nhiều du khách không bỏ rác đúng nơi quy định, nên chỉ sau vài giờ buổi sáng là dọc tuyến đường hành hương đâu đâu cũng thấy vỏ lon nước, vỏ bánh kẹo và chúng tôi phải nhặt cho hết. Có rác chúng tôi mới có việc, nhưng ai cũng mong mọi người không xả rác, hoặc xả đúng nơi quy định để lúc nào nơi đất Phật cũng sạch đẹp, khang trang”.

Lao Động cũng dẫn lời ông Lê Trọng Thanh, Phó giám đốc công ty Tùng Lâm (đơn vị thầu dịch vụ thu dọn rác tại khu di tích Yên Tử) cho biết thêm, trung bình ngày thường đội vệ sinh sẽ thu dọn gần 5 – 8 tấn/ngày, đợt cuối tuần, cao điểm có hôm lên đến gần 20 tấn/ngày. 

Thanh Niên ngày 17 Tháng Hai 2019 cho biết thêm nhiều chi tiết về nghề này: Bắt đầu từ 5 giờ sáng, bà Triệu Thị Chính (45 tuổi, ngụ xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) lại cùng đồng nghiệp (tất thảy 30 người) leo bộ lên chùa Đồng để thu dọn rác, quét dọn vệ sinh. Bà Chính cho biết:

“Chúng tôi hầu hết là những lao động địa phương được ký hợp đồng theo mùa, vụ. Mỗi ngày gánh rác từ chùa Đồng xuống Hoa Yên, mỗi người được 275,000 đồng ($11.5)”. Công việc theo bà là rất nặng nhọc vì phải gánh rác đi bộ qua hàng ngàn bậc đá đường rừng, dốc núi, trong thời tiết khắc nghiệt. Bà kể: “Vào giờ nghỉ trưa, chúng tôi phải ăn cơm giữa đường rừng, cơm thì chuẩn bị sẵn ở nhà. Khi đến điểm nghỉ thì tranh thủ ăn, nhiều hôm vừa ăn mà hai hàm răng cứ va vào nhau vì lạnh”.

Một công nhân khác, ông Lý Văn Dân (36 tuổi) chia sẻ: “Công việc của chúng tôi bắt đầu từ 7 giờ và kết thúc vào lúc 18 giờ hàng ngày, mỗi người sẽ phải gánh khoảng 50 kg (110 lb) rác. Người khoẻ mạnh như tôi trung bình gánh được 18 chuyến/ngày”. Ông Dân kể thỉnh thoảng công nhân gánh rác cũng bị trượt ngã, ngay cả ông, rác đổ tung, phải nhặt lại hết và gánh tiếp xuống núi. 

Theo ông Phạm Văn Dược, Phó ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, nhà cầm quyền địa phương (TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cũng trích một phần tiền vé tham quan khu di tích để hỗ trợ cho công ty Tùng Lâm duy trì đội công nhân vệ sinh.

Các công nhân quét dọn vệ sinh trước chùa Hoa Yên, thuộc khu di tích Yên Tử – Ảnh Thanh Niên

Vnexpress ngày 3 Tháng Ba 2018 cho biết sau khi đầu tư sửa chữa khu di tích Yên Tử bằng tiền công đức của người dân góp lại, tỉnh Quảng Ninh đã lập trạm bán vé tham quan khu di tích này, giá 20,000 đồng/trẻ em (khoảng $1) – 40,0000 đồng/người lớn (khoảng $2) khiến người dân vừa bất ngờ vừa bất bình. Theo ông Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, việc trùng tu Yên Tử trong nhiều năm qua từ nguồn tiền công đức của dân. 

Ông nhấn mạnh: “Nhiều người không hiểu, bảo sao nhà chùa bán vé. Chúng tôi phải giải thích rằng đây là vé tham quan của chính quyền địa phương, được quyết định bởi hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh”. Ông Hiển cũng cho biết khoản thu từ việc bán vé tham quan sẽ chi 20% duy trì hoạt động của bộ máy (Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử); 80% còn lại nộp ngân sách cho TP.Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) để gọi là… trùng tu di tích! 

Nhưng thực tế 10 năm qua (trước Tháng Giêng 2018), khu di tích Yên Tử không thu tiền vé tham quan vẫn được các công ty và người dân thập phương góp tiền công đức trùng tu. 

Cũng tờ báo này cho biết trong hai tuần tết của năm 2018, khu di tích Yên Tử đã thu được hơn 10 tỷ đồng ($421,496) tiền bán vé tham quan, còn tiền công đức có năm thu được 30 tỷ đồng (hơn $1.2 triệu) – vì việc kiểm đếm hòm công đức ở các chùa tại núi Yên Tử có sự giám sát của nhà cầm quyền địa phương! Kinh doanh tâm linh khấm khá thật, hèn chi nhà cầm quyền Việt Nam ưu tiên cấp đất cho các công ty xây chùa ở phía bắc (như chùa Bái Đính và chùa Vàng ở Ninh Bình, chùa Tam Chúc ở Hà Nam).

Thu nhiều thế, mà không có cách nào vận chuyển rác tốt hơn, để người công nhân vệ sinh phải vất vả gánh rác với mức lương bèo bọt 275,000 đồng/ngày ($11.5, nguồn Thanh Niên 2019), như vậy có phải là bóc lột không? 

Năm 2018, khi trao đổi với Vnexpress, lãnh đạo công ty Tùng Lâm cho biết từ năm 2007 đến nay họ thầu toàn bộ việc dọn dẹp rác và làm sạch đẹp cảnh quan ở khu di tích Yên Tử. Trong ba tháng đầu năm, công ty Tùng Lâm huy động khoảng 100 công nhân dọn vệ sinh và từ Tháng Tư đến hết năm vẫn duy trì trên 20 công nhân, lương trung bình gần 6 triệu đồng/tháng/công nhân ($252/tháng/công nhân). 

Trong bài báo mới nhất ngày 5 Tháng Ba 2023, Lao Động chỉ mô tả công việc và nỗi nhọc nhằn của công nhân dọn rác khu di tích Yên Tử mà không cho biết mức lương họ nhận được. Trên trang web của công ty Tùng Lâm cũng không có thông tin này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: