Vì sao trai ngoại quốc cuốn hút các mợ Việt Nam?

Việt Nam là quốc gia ở châu Á mở cửa sớm sau dịch Covid-19 để đón du khách ngoại quốc. Ảnh: Tidoo Nguyễn

Chính sách đổi mới của Việt Nam từ năm 1990 đã giúp chắp nối lại những mối tình giữa phụ nữ Việt – trai Tây tưởng chừng đã chia ly sau năm 1975, và cũng tạo cơ hội cho những cặp vợ chồng Việt – trai ngoại quốc mới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội của các mợ Việt Nam muốn đổi đời bằng “con đường tình yêu với trai ngoại quốc”.

Nghề dạy kèm tiếng Việt giúp tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với các chàng trai ngoại quốc đến từ nhiều nước như Anh, Úc, Canada, Brazil, Ý, Barbados, Nhật, Ấn Độ… v.v… Các chàng trai ngoại quốc thường hẹn tôi ở quán cà phê để học tiếng Việt. Đôi khi họ đến quán cà phê sớm để chờ tôi, và khi tôi đến thì thế nào cũng có một mợ Việt Nam đến làm quen và xin số điện thoại của họ.

Các mợ Việt “tấn công” các chàng trai ngoại quốc…

Có lần, một mợ Việt chiếm lố thời gian nên tôi không thể bắt đầu buổi học với học trò người Anh độ chừng 30. Tôi nhắc nhở mợ cho tôi bắt đầu buổi học. Mợ chưa muốn buông tha “đối tượng” nên đáp: “Anh chờ em thêm chút nữa. Để em xin số điện thoại của anh ấy”.

Chẳng bao lâu sau, người học trò tâm sự với tôi rằng anh đã hẹn hò với mợ này. Rồi sau đó ít tháng, chàng trai này cho tôi biết anh đã chia tay mợ ấy vì khám phá ra rằng mợ quen cùng lúc mười chàng trai ngoại quốc khác. Từ đó về sau, anh chàng người Anh này “cạch” (tránh) luôn các mợ Việt, và anh bắt đầu hẹn hò với một cô gái đồng hương.

Một trường hợp khác, anh học trò người Ý độ tuổi trung niên kể có hôm anh ra phi trường Tân Sơn Nhất để đi công tác thì có một mợ Việt đến khen anh mũi cao, đẹp trai, và hỏi anh có bạn ở Sài Gòn hay không. Anh nói chắc mợ ấy sợ anh không có bạn ở Sài Gòn, và hỏi tôi theo văn hóa Việt Nam thì mợ đó khen anh mũi cao, đẹp trai là có ý gì, vì theo văn hóa nước Ý thì nữ giới không bao giờ khen đàn ông đẹp trai kiểu đó trong lần đầu tình cờ gặp nhau. Tôi cũng “bó tay” luôn vì không biết phải giải thích làm sao, và cảm thấy xấu hổ.

Một học trò là người Babardos cho tôi biết nữ giới Cambodia không thích “trai Tây” và không “tấn công” trai Tây như các mợ người Việt ở Sài Gòn.

Trai Tây ngồi một mình dễ trở thành mục tiêu cho các mợ Việt Nam tấn công nhằm tìm đường thoát thân khỏi Việt Nam. Ảnh: Tidoo Nguyễn

Và “không buông tha” cả các bác ngoại quốc

Hồi trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Sài Gòn, cuối tuần tôi thường đến Grand Hotel trên đường Đồng Khởi ở quận Nhứt để giải trí. Một buổi tối, tại sảnh tầng trệt, có một bác ngoại quốc ngoài 70 tuổi đang chơi đàn piano – vốn đặt sẵn ở đây cho khách giải trí. Nhìn ngón tay ông chơi đàn rất điêu luyện và tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi tiếng đàn của ông. Dứt bản nhạc, ông vừa đứng lên thì bỗng có một nhóm các bà nói giọng Bắc (1975) ùa đến chung quanh.

Một bà ngoài 50 tuổi “tranh thủ” tự giới thiệu: “Em đã ly dị chồng rồi. Anh cho em làm quen được không?”. Mợ khác ngoài 30 tuổi nối tiếp: “Em chưa có chồng. Em làm quen với anh được không?”. Mợ khác cỡ hơn 40 có vẻ điềm đạm: “Anh có bạn gái ở Sài Gòn chưa, em làm mai cho anh nhé?”.

Bác ngoại quốc đáp: “Xin lỗi các bạn. Tôi đến đây để du lịch chứ không phải đi tìm bạn gái”.

Nghe họ vồn vã (thậm chí suồng sã) với người đàn ông ngoại quốc cao niên mới lần đầu gặp, tôi sửng sốt.

Khách sạn Grand có từ thời Pháp, sau khi sửa chữa và bổ sung thêm nhiều dịch vụ đã trở thành khách sạn 5 sao vừa đẹp vừa có giá dễ chịu nhất ở khu Đồng Khởi quận Nhứt. Đó là nơi dân Bắc (1975) tìm đến trú ngụ mỗi lần vào Sài Gòn. Mười năm trước ở bar-cà phê tầng 20 của khách sạn hầu hết là dân ngoại quốc đến nghe ban nhạc Philippines chơi và thưởng thức không gian ngoài trời lý tưởng của Sài Gòn về đêm khi nhìn ra toàn cảnh sông Bạch Đằng, nhưng giờ thì khách hàng là dân Bắc (1975) chiếm gần hết.

Trước 1975, tôi nghe nói nữ giới ở Sài Gòn lấy chồng Tây rất xấu hổ, thậm chí họ bị gọi là “me Mỹ” có hàm ý mỉa mai, nhưng ở Sài Gòn hiện nay thì gái Việt cặp kè với trai Tây lại là điều hãnh diện của họ và gia đình. Trong các buổi tối giải trí ở bar-cà phê khách sạn Rex, Majestic hay Grand hiện nay, tôi thường thấy các cô gái Việt tay trong tay với trai Tây đầy vẻ tự hào và có phần kiêu hãnh. “Trông họ thật kỳ quặc” – bạn gái tôi (người Sài Gòn) bình luận.

Các chàng trai Tây trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Tidoo Nguyễn

Chỉ vì muốn đổi đời

Nhiều lần tôi tận mắt chứng kiến cảnh các mợ Việt “tấn công” các chàng trai ngoại quốc mà không hiểu các chàng trai ngoại quốc có điểm gì “cuốn hút” các mợ Việt? Cho đến một hôm thì tôi cũng đã biết được lý do của họ: Do muốn đổi đời sống ở trời Tây mà thôi.

Đó là hôm tôi chứng kiến cuộc trò chuyện của sáu mợ Việt trong một quán ăn – hai mợ ngoài 50 tuổi đang “chỉ đường” cho bốn mợ ở độ tuổi khoảng đôi mươi tìm lối thoát thân ra ngoại quốc định cư với kế hoạch bài bản: Đầu tiên là học khóa tiếng Anh giao tiếp cấp tốc, bước tiếp theo là “tút tát” lại dung nhan, tìm trai Tây để làm quen và tiến đến hôn nhân, cuối cùng là qua “bên đó” (trời Tây) nhập tịch để làm kiều bào.

Vậy là đã quá rõ lý do tại sao các chàng trai ngoại quốc “hấp dẫn” các mợ người Việt đến như vậy. Mà tại sao các chàng trai ngoại quốc gốc Việt (hay thường gọi là Việt kiều) lại không phải là mục tiêu của các mợ? Rất dễ hiểu là các chàng “Việt kiều” (và ngay cả các chàng Việt Nam trong nước) về nước kiếm vợ thì đều thích “mấy em” còn trinh, cho dù đã qua mấy đời vợ rồi.

Điển hình là trong một chương trình “Bạn muốn hẹn hò” được phát sóng trên HTV7, một “Việt kiều” ở Hoa Kỳ đã qua hai đời vợ, về nước tìm vợ mới qua chương trình này đòi hỏi bạn đời phải là một mợ còn trinh – ở mốc thời gian 4:55 chàng “Việt kiều” cho biết tiêu chí tìm vợ của anh là “trong trắng, còn con gái”.

Và cũng chính vì các chàng “Việt kiều” (hay trai Việt trong nước) “khoái” mấy mợ còn trinh nên các dịch vụ “vá màng trinh” nở rộ ở Việt Nam như nấm mọc sau mưa. Tôi thử tìm trên Google với cụm từ khóa “dịch vụ vá màng trinh” thì có đến hơn 5 triệu kết quả có liên quan, nhìn hình thôi cũng “chóng cả mặt”!

Nói đi thì cũng phải nói lại, bên cạnh kiểu chinh phục trai Tây có mục đích thực dụng như kể trên, vẫn có không ít cuộc hôn nhân giữa nữ giới Việt và trai ngoại quốc có xuất phát điểm là tình yêu. Tất nhiên, tinh thần cầu tiến với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn là điều cần được khuyến khích, nhưng không phải như cách mà một số mợ Việt đang thể hiện với trai Tây ở Sài Gòn.

Cho dù các mợ đang tìm cách đổi đời bằng con đường tình với các chàng trai ngoại quốc thì chí ít xin các mợ “tém tém lại bớt”, chứ “làm lố” quá thì các chàng trai ngoại quốc “uýnh giá” (nhận xét) sai về nữ giới Việt Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: