Đó là cảnh thỉnh thoảng lại diễn ra trên bầu trời. Một hành khách ngang ngược khiến những hành khách đi cùng khiếp sợ khi ông ta cố mở cửa máy bay lúc máy bay đang bay trên bầu trời. Mọi sự can thiệp thường là quá muộn, nhưng may mắn, cửa máy bay khác với cửa nhà nên phần trăm thành công của hành động thiếu ý thức và vô trách nhiệm này là… số không!
Mới đây nhất, một người đàn ông đi trên chuyến bay nội địa từ thành phố Los Angeles đến thành phố Boston (Massachusetts) đã cố gắng mở cửa thoát hiểm và đâm hụt một tiếp viên ngăn ông ta lại bằng chiếc thìa gãy. Hành vi thiếu ý thức hay cố tình này đã xảy ra hai lần vào năm ngoái. Tất cả đều bị bắt. Nhưng cho dù không có tiếp viên hay hành khách nào can thiệp, kẻ gây rối cũng không thể mở cửa máy bay.
Doug Moss, một phi công đã nghỉ hưu và là người hướng dẫn chương trình an ninh và an toàn hàng không tại trường Viterbi School of Engineering thuộc University of Southern California giải thích: “Không ai đủ sức mạnh để làm việc này. Không hành khách nào có thể chiến thắng nổi áp lực khủng khiếp giữ cánh cửa yên vị”. Khoang máy bay được điều áp để cho phép hành khách hít thở bình thường ngay cả khi máy bay ở độ cao 35,000 feet trên không. “Ở độ cao bay điển hình này, lực đẩy lên tới 8 pound trên inch vuông bên trong máy bay hoặc hơn 1,100 pound đối với mỗi foot vuông của cửa!” – cây bút Patrick Smith chủ trang web ‘Ask a Pilot’ trả lời một câu hỏi.
Bob Thomas, giáo sư khoa học hàng không tại Embry-Riddle Aeronautical University, cho biết: “Chỉ với áp suất thuần thôi, lực cần thiết để mở cửa máy bay đã rất lớn”. Moss bổ sung: “Điều áp có tác động giống nhau đối với bất kỳ cánh cửa nào trên máy bay, gồm cả cửa thoát hiểm khẩn cấp, được thiết kế để sử dụng trong trường hợp sơ tán khi máy bay không còn ở trên không”.
Đó là cánh cửa mà một hành khách của Delta đã cố gắng mở trong chuyến bay từ thành phố Salt Lake đến Portland, Oregon vào Tháng Hai, 2022 khi máy bay gần tiếp đất với áp lực không còn. Người đàn ông 32 tuổi này tháo được tấm nhựa bọc tay cầm của lối thoát hiểm và kéo tay cầm (khi bị bắt, anh ta nói với cảnh sát rằng ông làm thế chỉ để mọi người lắng nghe ý kiến của mình về vaccine coronavirus!). Một tiếp viên đã ra lệnh cho kẻ phá bĩnh buông tay cầm và các thành viên khác của phi hành đoàn khống chế anh ta (theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp).
The Washington Post cho biết, tuần này, các công tố viên liên bang thụ lý vụ việc cho biết Francisco Severo Torres, 33 tuổi, đã cố mở cửa thoát hiểm trên chuyến bay từ Los Angeles đến Boston. Theo họ, khi chuyến bay đến gần điểm đến, phi hành đoàn nhận được báo động cho biết một trong các cửa đã bị vô hiệu hóa. Sau đó, một tiếp viên phát hiện tay nắm cửa đã mở được khoảng một phần tư. Một người đàn ông trên chuyến bay nói với Associated Press rằng ông là một trong số năm hoặc sáu hành khách đã lao vào khống chế Torres.
Trong một vụ khác xảy ra trong năm 2022, một người đàn ông đã cố gắng mở cửa chính dành cho hành khách trên chuyến bay của hãng American Airlines từ Los Angeles đến Washington DC trước khi hành khách và phi hành đoàn khống chế được ông ta. Chuyến bay chuyển hướng đến Kansas và FBI bắt giữ người đàn ông này.
Các chuyên gia cảnh báo, dù hành khách gây rối không bao giờ mở được cửa máy bay nhưng họ cần biết ngay cả nỗ lực này cũng là một hành vi phạm tội nghiêm trọng. Dennis Tajer, Cơ trưởng của American Airlines và là phát ngôn viên của tổ chức Allied Pilots Association đại diện cho các phi công của hãng nhấn mạnh: “Việc phá cửa máy bay đang bay là nguy hiểm và là hành vi tấn công an toàn bay từ bên trong. Dù không thành công về mặt kỹ thuật, nhưng hành vi này vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng”.