Vì sao Tuấn Ngọc đổi lời nhạc của Lam Phương?

Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Vì sao Tuấn Ngọc đổi lời nhạc của Lam Phương?
Loading
/

Mạng xã hội Việt Nam bàn tán không ngớt từ chiều ngày 10 Tháng Ba (giờ Việt Nam) về chuyện ca sĩ Tuấn Ngọc trình bày bài hát Tình Bơ Vơ của nhạc sĩ Lam Phương nhưng không đúng lời. Nhiều đoạn video được khán giả nhạc vàng tìm thấy Tuấn Ngọc hát trong các show ở Việt Nam, đã chọn hát “trời vào thu, chiều nay buồn lắm em ơi”, bỏ đi hai chữ Việt Nam trong bài hát gốc.

Người mở lời đầu tiên về sự kiện này, được biết là từ trang Facebook của Ben Ngo, cựu phóng viên đài BBC. Viết trên trang của mình, Ben Ngo nhận định “Trong một show mới đây tại Sài Gòn, Tuấn Ngọc sợ câu “Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi” nên hát thành “Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi”. Thật buồn cho một “danh ca”, vì lý do nào đó mà hát không trọn ca từ của nhạc sĩ Lam Phương. Nhìn trong clip thì anh vừa hát vừa nhìn giấy in lời ca khúc nên không có chuyện quên lời mà đây là sự cố ý tránh câu hát bị cho là “nhạy cảm“. Để chứng minh cho chuyện mình nói, nhà báo Ben Ngo dẫn nguồn một đoạn video kèm theo.

 

Nhiều khán giả hâm mộ ca sĩ Tuấn Ngọc đã bàng hoàng hơn, khi tìm thấy không chỉ một – mà nhiều video khác – cũng bị ca sĩ Tuấn Ngọc hát với lời bị sửa lại như vậy. Sự kiện này như giọt nước tràn ly, âm ỉ về sự bất bình lâu nay của khán giả trung thành của dòng nhạc miền Nam tự do, mở màn cho những cuộc tranh cãi về chuyện nghệ sĩ trình diễn cần giữ tư cách của mình, giữ sự tôn trọng tác giả và giữ ý thức bảo tồn một nền văn hóa chế độ Việt Nam Cộng Hòa vốn luôn bị chà đạp.

Bài Tình Bơ Vơ của nhạc sĩ Lam Phương phát hành 18 Tháng Năm 1973, do nhà xuất bản Sống và Khai Sáng độc quyền phát hành. Ở trang ruột, có in dòng chữ “Cấm tất cả mọi sự trích dịch, in lại, sửa đổi lời ca, in nhạc bỏ túi”. Bài hát với câu than thở “Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi”, được tác giả từng tâm sự rằng đó là giờ phút ca sĩ Bạch Yến đi sang Pháp, và ông tỏ nỗi lòng của mình. Câu chuyện không có bất kỳ điều gì gọi là “chính trị” để nhà cầm quyền hôm nay phải ngán ngại. Nên chuyện đổi bỏ hai chữ “Việt Nam” bị coi là hoàn toàn vô lý – cho dù Hà Nội lâu nay vẫn có thói quen xấu là ghét bỏ vô cớ những nội dung nào nói về mùa thu không đẹp hay không hừng hực chiến thắng.

Có nhiều người bình luận trên mạng nhắc khéo rằng hệ thống kiểm duyệt của Hà Nội hết sức kỳ quặc, và có lẽ Tuấn Ngọc đã được nhắc nhở là phải thay chữ “Việt Nam” đi, cho vừa lòng một quan chức nào đó. Tương tự như  các ca sĩ hải ngoại khi về nước nếu muốn biểu diễn, ca sĩ Tuấn Ngọc cũng thường phải nộp lên một danh sách từ 10 đến 20 bài cho chương trình của mình để được đóng dấu xác nhận của cơ quan văn hóa, và chỉ được hát đúng những bài đó mà thôi.

Chuyện nhắc riêng ca sĩ phải đổi lời, thường lâu nay không thấy nữa, vì nếu không thích, bài hát đó đơn giản sẽ không được duyệt“, một người tổ chức diễn cho ca sĩ hải ngoại về nước nói, xin giấu tên, nói về sự kiện đang sôi động trên các trang mạng xã hội. Điều này dẫn đến suy luận rằng ca sĩ Tuấn Ngọc có thể đã đơn phương đổi lời – không chỉ một lần – cho mục đích nào đó chưa rõ.

Chuyện bắt buộc phải sửa lời là một hướng suy nghĩ, nhưng qua nhiều video trình diễn khác trên truyền hình nhà nước gần đây (từ 2021 đến nay), người ta nhìn thấy bài Tình Bơ Vơ vẫn đã được hát đúng nguyên bản. Thậm chí, có khán giả còn nhắc chuyện ca sĩ Như Quỳnh hát bài này trong chương trình Thần tượng Bolero cũng không có chuyện phải đổi lời.

Trong bài “Ca khúc xưa: những ‘án treo’ còn đó” của báo Tuổi Trẻ vào ngày 16 Tháng Tư 2017, có nhắc việc nhiều bài hát trước năm 1975 không được cấp phép, vì người kiểm duyệt không hiểu nội dung có “chống phá cách mạng” hay không. Riêng với bài Tình Bơ Vơ (Lam Phương) được cấp phép vào Tháng Tư 2008 nhưng chỉ sau một tháng, Tháng Năm 2008, sau khi đĩa phát hành thì bị thu hồi. Nhiều ca sĩ, hãng đĩa ở Sài Gòn phải gỡ bài, in lại toàn bộ bìa đĩa đã có tên ca khúc “bị thu hồi” trong danh mục CD. Ông Huỳnh Tiết – nguyên Giám đốc Bến Thành Audio-Video, đơn vị được nhạc sĩ Lam Phương ủy quyền khai thác toàn bộ tác phẩm của ông tại Việt Nam – cho hay ca khúc này bị rút phép chính vì cụm từ “trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi”.

Tuy nhiên, cánh cổng kiểm duyệt này – vốn luôn gây rắc rối giữa giới làm ăn và quan chức văn hóa – đã coi như đóng lại với Nghị định 144/2020/NĐ-CP, ban hành ngày 14 Tháng Mười Hai 2020, với nội dung bỏ quy định phải xin cấp phép phổ biến ca khúc sáng tác trước 1975. Chuyện quản lý biểu diễn thuộc về quyền địa phương kiểm soát chương trình xin biểu diễn.

Nhưng chuyện cố ý đổi lời của ca sĩ Tuấn Ngọc, được đông đảo người bình luận ở một góc độ khác, là có thể do ca sĩ quá lo sợ chính quyền địa phương đến mức làm chuyện không cần thiết, và không tham khảo những ca sĩ khác đã hát bài hát đó trên hệ thống truyền hình nhà nước như thế nào. “Quả thật, ông ta hèn”, một khán giả bình luận.

Cũng có người nói rằng nhiều khi ca sĩ Tuấn Ngọc bị vào “thế” phải đổi lời như vậy mới được biểu diễn. Nhưng cũng có bình luận rằng “đó không phải là sở hữu trí tuệ của ông Tuấn Ngọc, ông đổi để được việc mình mà không nghĩ đến người chủ của nó”. Một số các lời bình đứng về phía ca sĩ Tuấn Ngọc, nói có thể ông ta không muốn vậy nhưng đành phải hát. “Vậy thì sao không chọn bài khác mà không phải buộc đổi lời ?”, có ý kiến nói.

Các cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra, nhưng chưa thấy ca sĩ Tuấn Ngọc lên tiếng. Có lẽ, vẫn cần một tiếng nói của ông về chuyện vì sao lại đổi lời bài hát, nếu như quả thật có một nỗi khổ tâm cần bày tỏ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: