Người tiêu dùng mất $8.8 tỷ cho kẻ lừa đảo, cách nào đề phòng?

Nạn lừa đảo đang hoành hành tại Mỹ. (minh họa: Kanchanara – Unsplash)

Nạn lừa đảo ở Mỹ đang hoành hành, mà theo báo cáo của Ủy Ban Thương Mại Liên Bang (FTC), số tiền người tiêu dùng bị lừa lên đến $8.8 tỷ trong năm 2022. Từ tình hình thực tế đáng báo động, cơ quan Dịch vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) hợp tác với FTC tổ chức cuộc hội thảo hôm 10 Tháng Ba, nhằm bàn luận các giải pháp để phòng ngừa nạn lừa đảo.

Cuộc họp diễn ra chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ nhưng đưa ra nhiều lời cảnh báo các đối tượng khác nhau về gian lận, lừa đảo người tiêu dùng, gần 100 người tham dự, đa số là giới truyền thông cả nước. Ba diễn giả là bà Maria Mayo, luật sư Rosario Mendez và bà Cristina Miranda thuộc Cục Bảo vệ Người tiêu dùng của FTC.

Ba diễn giả, từ trái: bà Maria Mayo, luật sư Rosario Mendez và bà Cristina Miranda. (ảnh chụp qua màn hình Zoom)

“Chúng tôi nhận thấy số lượng báo cáo gian lận, lừa đảo đã giảm so với năm 2021. Vào năm 2022, FTC nhận được 2.4 triệu báo cáo gian lận so với con số 2.9 của năm trước đó, có nghĩa là giảm được khoảng 500,000 vụ,” bà Maria Mayo nói. “Nhưng bất chấp sự sụt giảm đó, sự mất mát của đồng đôla thật đáng kinh ngạc. Người tiêu dùng báo cáo họ bị mất hơn $8.8 tỷ cho những kẻ lừa đảo, nhiều nhất từ trước đến nay.”

Bà Mayo nói kỹ hơn, rằng người tiêu dùng bị mất tiền vì lừa đảo đầu tư nhiều hơn bất kỳ hình thức lừa đảo nào khác và số tiền bị mất vào năm 2022 tăng hơn gấp đôi so với năm 2021. Mạo danh những người thuộc cơ quan chính phủ, hỗ trợ kỹ thuật hoặc lợi ích kinh doanh và mua sắm trực tuyến vẫn là hai kiểu lừa đảo hàng đầu. Những trò lừa đảo nhắm vào đầu tư và các doanh nghiệp, qua điện thoại, mạng xã hội và bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng và mua bán tiền điện tử (crypto currency), trong đó phần lớn là lừa đảo tiền điện tử, với số tiền mà người tiêu dùng mất là gần $3.8 tỷ. Tính ra, mỗi người bị lừa bị mất trung bình $5,000. Còn kiều lừa đảo bằng cách giả dạng khiến người bị lừa, mất đến $2.6 tỷ. Kẻ gian giả dạng thành một doanh nghiệp, nhân viên chính phủ, người tình, gia đình và bạn bè để lừa người dễ dụ.

Những trò gian lận này thường bắt đầu từ trên mạng xã hội, nơi người tiêu dùng bị dụ dỗ đầu tư vào tiền điện tử để kiếm tiền. Kẻ lừa đảo biết được tâm lý của người tiêu dùng, nên thường tạo ra các website cho thấy số tiền mà họ đầu tư không ngừng tăng lên, nhưng tất cả đều là giả.

Logo nền tảng giao dịch trao đổi crypto currency Binance được hiển thị trên điện thoại thông minh. (minh họa: Budrul Chukrut/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

“Phương tiện truyền thông xã hội là phương thức liên lạc có tổng thiệt hại về đồng đôla cao nhất, với $1.2 tỷ. Vì vậy, nếu một vụ lừa đảo thông qua một nền tảng truyền thông xã hội, thì đó là nơi mà người tiêu dùng bị mất nhiều tiền nhất,” bà Mayo nói. “Trong năm 2022, FTC nhận được tổng cộng hơn 275,000 báo cáo lừa đảo giả dạng, mà đa số là giả làm đại diện của Amazon.” Trước đó, trong thời đại dịch COVID-19 cũng có không ít người bị lừa, vì không ra ngoài để mua hàng được, họ mua hàng online, rồi chờ… dài cổ mà chẳng thấy hàng đâu.

Trong phần trình bày của mình, luật sư Rosario Mendez cho rằng những kẻ lừa đảo dùng “độc chiêu” nhắm mục tiêu vào các cộng đồng sắc tộc và nói ngôn ngữ của những người mà bọn chúng muốn lừa. Ví dụ: Đối với cộng đồng người Latinh, báo cáo cho thấy phần lớn người Latinh thường “dính” đến các vấn đề với ngân hàng và người cho vay cao hơn, liên quan đến việc đòi nợ, các vấn đề về xe hơi và cả cơ hội kinh doanh. “Chúng tôi đã gặp một số trường hợp liên quan đến các cơ hội kinh doanh không có thật, công việc không có thật tại nhà, đặc biệt nhắm vào người gốc Latinh. Từ dữ liệu có được, chúng tôi phân tích và nhận ra các cơ hội kinh doanh, kế hoạch kiếm tiền cũng là những thứ đang tác động đến cộng đồng người Latinh,” luật sư Mendez nói.

Trong năm 2022, FTC nhận được tổng cộng hơn 275,000 báo cáo lừa đảo giả dạng, mà đa số là giả làm đại diện của Amazon.(minh họa: Mateusz Slodkowski/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Với cộng đồng người da đen, số lượng báo cáo nhiều nhất là về các đơn xin vay ngắn hạn và các chương trình xóa nợ cho sinh viên.

Bà Cristina Miranda, Chuyên gia Giáo dục Người tiêu dùng, Phòng Giáo dục Người tiêu dùng và Kinh doanh thuộc Cục Bảo vệ Người tiêu dùng của FTC cho biết: “Chúng tôi biết rằng gian lận ảnh hưởng đến mọi cộng đồng và những kẻ lừa đảo đang thực hiện hành vi lừa đảo của chúng bằng nhiều ngôn ngữ, như tiếng Amharic, tiếng Ả Rập, tiếng Hoa (cả tiếng Phổ thông và tiếng Quảng Đông), tiếng Pháp, tiếng Hmong, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Somali, tiếng Tagalog, tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Ukraina. Và đó là lý do tại sao FTC hiện có thông tin với ngần ấy ngôn ngữ để giúp mọi người phát hiện và tránh những trò lừa đảo này.”

Bà Miranda cung cấp website có các thông tin bảo vệ người tiêu dùng: https://consumer.ftc.gov/features/languages, và cho biết: “Bạn sẽ thấy thông tin về cách phát hiện và tránh lừa đảo, cách bạn phải làm gì nếu bạn mất tiền cho kẻ lừa đảo và cách khôi phục cũng như những điều mọi người có thể biết, nếu bạn mới đến Hoa Kỳ. Bởi vì chúng tôi biết rằng những kẻ lừa đảo thường nhắm vào những người chưa quen với hệ thống và văn hóa của Hoa Kỳ.”

Bà Miranda cũng cung cấp ấn bản mà mọi người có thể tải xuống, được gọi là Cẩm nang Gian lận dành cho người tị nạn và người mới nhập cư: Phát hiện, Phòng Tránh và Báo cáo Lừa đảo (Spotting, Avoiding and Reporting Scams: a Fraud Handbook) Cẩm nang được viết bằng nhiều ngôn ngữ, có đồ họa bằng từng ngôn ngữ ở cuối mỗi trang để chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội, nhằm giúp mọi người trong các cộng đồng khác nhau biết cách phát hiện, tránh và cũng như báo cáo hành vi gian lận.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: