Khi các họa sĩ đi vào thế giới ngầm
Trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền, luật sư và nhà báo, các họa sĩ phản chiến Nga phải chuyển sang hoạt động ngầm và làm sống lại các cuộc triển lãm bí mật thời Liên Xô. Họ gặp nhau bí mật và lan truyền cuộc triển lãm bằng miệng. Đối với một số người, hoạt động nghệ thuật ngầm là “giải phóng”, còn đối với số khác, đây là một lựa chọn đau đớn khi nhà cầm quyền tăng cường đàn áp những người bất đồng chính kiến và mô tả cuộc chiến như “vì sự sống còn của nước Nga” mà chỉ những kẻ phản bội mới chống lại!
Đến với cuộc triển lãm trên, khách rời trạm xe buýt rồi đi một vòng lớn quanh nửa dãy nhà, chui qua khoảng sân có những vũng nước đầy tuyết, qua một quán cà phê và cuối cùng lách qua một cánh cửa và leo lên nhiều bậc thang hẹp. Khách được cảnh báo không nên nói chuyện với bất kỳ ai gặp trên đường đi. Bên trong hành lang căn hộ chật hẹp, có nhiều áo khoác và giày. Trong bếp, một nhóm các nhà hoạt động và bạn bè tụ tập uống trà cạnh chiếc bàn đầy đĩa đựng bánh ngọt, bánh quy và kẹo. Rồi ánh đèn mờ đi, người họa sĩ cùng đi từ bến xe buýt với khách đóng vai trò hướng dẫn.
Đây là cuộc triển lãm thứ hai trong căn hộ. Ban tổ chức là các họa sĩ từng bị bắt vì phản đối chiến tranh hoặc các tác phẩm của họ bị cảnh sát thu giữ trong các cuộc triển lãm sau ngày Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine. “Chúng tôi sợ nếu triển lãm công khai cảnh sát sẽ gây khó dễ nên chúng tôi quyết định hoạt động ngầm. Nó giống như quay trở lại những năm Liên Xô” – người hướng dẫn nói khi dẫn khách vào căn phòng có tranh chân dung của các nhà hoạt động bị bắt, tù chính trị và cảnh cảnh sát chống bạo động lôi người biểu tình lên xe.
Có những bức chân dung miêu tả Putin như một nhân vật ma quỷ bị bao vây bởi hỗn loạn và chiến tranh. Các tác phẩm không được trau chuốt, phần lớn nặng về phản kháng với màu sắc sống động xen kẽ một số biểu ngữ phản chiến từng giương cao tại các cuộc biểu tình chống đối. Nhà vệ sinh nhỏ, ẩm ướt cũng được trang trí bằng những hình ảnh đẫm máu của Putin và phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov.
“Tranh treo ở đây là của những người bị bắt vì tham gia biểu tình. Họ là những người chúng tôi biết. Họ chỉ đến và hoàn thành công việc của mình. Tất cả đều miễn phí, không có kiểm duyệt!”. Tuy nhiên, bản thân cuộc triển lãm là một “sản phẩm của sự sợ hãi”.
Các họa sĩ biết rất rõ chọn lựa bí mật của mình không được chế độ chấp nhận. Người hướng dẫn nói: “Sợ hãi là một trạng thái của tâm trí. Chúng tôi lớn lên cùng với nó và chúng tôi luôn sợ hãi. Bạn là một người nhỏ bé đối lập với một đất nước rộng lớn và chế độ xem bạn như một công cụ để phục vụ mục đích của họ. Muốn tồn tại, bạn phải tuân thủ các quy tắc và giữ im lặng. Nếu bạn khác biệt, họ sẽ nghiền nát bạn”.
Làm sống lại một vũ khí phản kháng có từ thời Liên Xô
Thế giới nghệ thuật của Nga đã bị kiểm soát chặt chẽ. Tháng trước tại Moscow, bà Zelfira Tregulova, Giám đốc Phòng trưng bày Tretyakov nổi tiếng của nhà nước bị thay thế bởi Yelena Pronicheva, con gái của một cựu quan chức cấp cao tại Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), sau khi Bộ Văn hóa yêu cầu bảo tàng của bà “hãy quảng bá đạo đức và giá trị tinh thần Nga”.
Vào Tháng Một, một bức tranh của Dmitry Shagin, họa sĩ đương đại nổi tiếng người St. Petersburg đã bị gỡ khỏi Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí Toàn Nga (All-Russian Decorative Art Museum) ở Moscow vì nó mô tả các nhân vật mang tấm biểu ngữ chứa “âm mưu chính trị” với khẩu hiệu “Mitki không muốn đánh bại bất kỳ ai”; ám chỉ Mitki, một nhóm họa sĩ hippie Xô Viết được yêu mến do Shagin thành lập vào thập niên 1980 với các tác phẩm sôi động, đầy màu sắc và chủ đề vui tươi trái ngược với cuộc sống Xô Viết khắc nghiệt khi Liên Xô đang chiến đấu ở Afghanistan.
Shagin cho biết khẩu hiệu này có từ năm 1984 và chỉ tóm tắt triết lý hòa bình của nhóm. “Ý tưởng chính của nghệ thuật Mitki là lòng tốt. Chúng tôi chỉ cố gắng mang lại niềm lạc quan cho mọi người bằng các tác phẩm rất nhân văn, hòa bình và tích cực” – ông nói. Shagin lớn lên với những cuộc triển lãm nghệ thuật bí mật trong căn hộ riêng. Cha ông, Vladimir Shagin là một họa sĩ ngầm theo chủ nghĩa bất phục tùng (nonconformist artist) bị bỏ tù sáu năm thời Liên Xô.
Sau khi tốt nghiệp trường mỹ thuật, Dmitry Shagin bắt đầu vẽ vào cuối thập niên 1970 khi đang làm công việc xúc than trong phòng nồi hơi giống như nhiều nghệ sĩ bất phục tùng khác. Ông vẽ trong thời gian nghỉ giữa các ca làm việc dày đặc. Ở nước Nga thời chiến lạm dụng luật yêu nước của Putin, ngay cả những họa sĩ “cây đa cây đề” cũng dễ bị tổn thương. “Đối với những họa sĩ như chúng tôi, không khí sáng tác hiện nay không tốt lắm và sự kiểm duyệt đang quay trở lại – Shagin nói – Tôi vẽ từ cuối thập niên 1970 và lần cuối cùng tranh của tôi bị cấm là năm 1986. Tôi không biết liệu họ sẽ cấm Mitki hay để chúng tôi yên”.
Yelena Osipova, một nữ họa sĩ 77 tuổi ở St. Petersburg và là nhà hoạt động vì hòa bình nổi tiếng, thường xuyên bị cảnh sát tạm giữ vì bị tố cáo kích động các cuộc biểu tình phản đối. Tháng trước, cảnh sát đột kích vào một cuộc triển lãm các áp phích phản chiến của bà và thu giữ chúng.
Bà bộc bạch với phóng viên The Washington Post: “Tôi đã mất tinh thần trước sự thờ ơ của người Nga đối với cuộc chiến và không gian làm nghệ thuật bị thu hẹp cho những người bất đồng chính kiến. Rất nhiều nghệ sĩ đã rời khỏi đất nước vì không muốn bị kiểm duyệt. Bây giờ có ít tự do hơn trước nhiều. Triển lãm đang đi sâu vào lòng đất. Không ai nói về chúng công khai, nhưng chúng vẫn diễn ra”.
Osipova cho biết bà không sợ bị bắt và vẫn công khai trưng bày tác phẩm của mình. Căn hộ bỏ trống ở St. Petersburg của một phụ nữ Nga chuyển đến Hoa Kỳ nay trở thành nơi trú ẩn ấm cúng cho các nghệ sĩ và nhà hoạt động ngầm. Chủ nhân căn hộ nói ban tổ chức triển lãm có thể sử dụng nó bất cứ khi nào cần, nhưng phải đóng rèm cửa và giữ im lặng vào ban đêm.
Một họa sĩ mẹ của hai con nhỏ có tranh trưng bày bộc bạch: “Xem các video và hình ảnh về thường dân bị lực lượng Nga sát hại ở Bucha của Ukraine giống như xem một trận động đất. Tôi cảm thấy cần phải lấy nó ra khỏi người và không thể giữ im lặng mãi mãi”. Bị bắt trong một cuộc biểu tình vào năm ngoái, nay bà không còn biểu tình nữa (vì sợ chính quyền bỏ tù và đưa con cái vào trại, một phương pháp trấn áp ngày càng phổ biến). Thay vào đó, bà dồn cảm xúc vào những bức phác thảo biểu tượng Đức Mẹ đang khóc khi nhìn một hoả tiễn đang bay. “Tôi vẽ chỉ để không phải im lặng. Tôi cảm thấy như thể từ ngữ không đủ để diễn tả những gì mình cảm thấy”, dẫn lại từ The Washington Post.