Nhà máy rèn đại bác từ thời “kỷ nguyên hơi nước” nay vẫn hoạt động

Một khẩu đại bác có đóng dấu “Watervliet Arsenal 1921”, tại Ft. Story, Virginia (ảnh: by Heritage Art/Heritage Images via Getty Images)

Tại khu nhà máy sản xuất vũ khí từ thời hơi nước nằm trong một căn cứ quân sự có tuổi đời hơn hai thế kỷ, Quân đội Hoa Kỳ đang rèn… đại bác cho kỷ nguyên kỹ thuật số và cuộc chiến Ukraine.

Được thành lập thời James Madison (Tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ), Watervliet Arsenal đã tạo ra những khẩu súng lớn cho mọi cuộc xung đột có Mỹ can dự kể từ Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha. Nay cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã giúp nó sống dậy một lần nữa. Watervliet bắt đầu phục vụ chiến trường trong cuộc Chiến tranh năm 1812 và xưởng sản xuất xây dựng năm 1828 được ví như “bảo tàng lịch sử chiến tranh”.

Nếu vào bên trong xưởng sản xuất cũ kỹ này ở thời điểm hiện nay, khách sẽ thấy các máy móc kỹ thuật số trông giống các khoang tàu vũ trụ khoa học viễn tưởng đang sản xuất các bộ phận cho xe tăng Abrams. Trong một nhà xưởng lớn khác, một lò rèn tự động nén các xi lanh kim loại nóng đỏ thành các nòng súng dài 20 foot cho các loại pháo có thể bắn đạn xa hơn 40 dặm. Cuộc chiến Ukraine đã làm sống lại sự quan tâm đến các hệ thống vũ khí trên bộ cũ kỹ mà cho đến gần đây vẫn bị một số chiến lược gia quân sự xem là “đồ cổ” chỉ đáng cho vào viện bảo tàng.

Kể từ Đại chiến Thế giới lần thứ II, Ngũ Giác Đài đã phải vật lộn trong việc cân bằng lực lượng quân sự khổng lồ với khả năng trang bị vũ khí. Khi Chiến tranh Lạnh “lạnh” hơn vào thập niên 1950, các nhà hoạch định quốc phòng tin rằng cách chiến đấu hiệu quả chống lại đội quân xe tăng đông đảo của Liên Xô là sử dụng là vũ khí hạt nhân và sau đó là các hệ thống công nghệ cao với khả năng tàng hình và dẫn đường bằng vệ tinh.

Vận chuyển súng và đạn được sản xuất từ lò Watervliet Arsenal, West Troy, New York vào những năm 1860 – tranh từ quyển Illustrated Almanac của Frank Leslie (ảnh: Buyenlarge/Getty Images)

Chiến tranh Lạnh kết thúc và cuộc chiến chống khủng bố đã chuyển hướng Ngũ Giác Đài sang phát triển các thiết bị như xe chở quân bọc thép có thể chịu được mìn. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ quyết định quay trở lại kế hoạch “địa chiến lược” truyền thống và bắt đầu lên kế hoạch cho cái mà họ gọi là “sự bù đắp thứ ba”: Tăng gấp đôi lượng vũ khí thông minh. Và bây giờ, khi việc can thiệp ở Iraq và Afghanistan kết thúc và cuộc chiến ở Ukraine diễn ra, Mỹ bắt đầu rút ra hai bài học mới.

Một, chiến tranh trong thế kỷ 21 là sự kết hợp giữa vũ khí tương lai và vũ khí lỗi thời: Máy bay không người lái và xe tăng, đạn tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh và súng cối.

Hai, trong khi các hệ thống vũ khí công nghệ cao đắt tiền là vô giá trong các cuộc xung đột ngắn hoặc để gây sốc và sợ hãi, chúng lại không thể chiến thắng các cuộc chiến tranh tiêu hao (như ở Ukraine) hoặc chống lại các cuộc nổi dậy dai dẳng của quần chúng (như ở Iraq và Afghanistan). “Để kiểm soát lãnh thổ, số lượng lớn binh lính và súng lớn vẫn là cần thiết. Các cuộc giao tranh chống quân nổi dậy ở Iraq và Afghanistan khiến cho pháo binh gần như bị lãng quên, nhưng rồi cuối cùng chúng ta có thể khẳng định rằng nó sẽ không bao giờ biến mất” – Tướng Darren Werner, cựu sĩ quan pháo binh từng phục vụ ở Afghanistan, Iraq, Jordan và Hàn Quốc, nhận định.

Tầm quan trọng của Watervliet đã tăng lên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Kho vũ khí Watervliet giữ vị thế đặc biệt vì là một cơ sở sản xuất công nghiệp hiếm hoi do Quân đội điều hành. Trong một thời gian dài, Watervliet từng bị thờ ơ khi ngành công nghiệp quốc phòng chịu những cắt giảm lớn, khi Ngũ Giác Đài dành ngân sách cho các chương trình cao cấp hơn. Tình hình nay đã khác, nhận ra nhiều khiếm khuyết về kho vũ khí Mỹ trong cuộc chiến Ukraine, Ngũ Giác Đài đang cấp tập tiến hành hiện đại hóa các cơ sở sản xuất và bảo trì nội bộ tốn kém hàng tỷ đôla.

Chương trình này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm hợp nhất các công nghệ mới với các hệ thống vũ khí cũ và áp dụng những phương pháp sản xuất hiện đại cho các thiết bị cũ.

Rất ít hệ thống quân sự hiện tại mang nhiều lịch sử hơn các hệ thống pháo mà Watervliet tham gia sản xuất. Pháo kéo M777, loại súng lớn đang sử dụng tại Ukraine, có nguồn gốc từ những khẩu pháo cuối thời Trung cổ. Nhưng M777 ngày nay có thể bắn các loại đạn xuyên giáp và dẫn đường bằng GPS biết đổi hướng bay giữa chừng. Pháo tự hành M109 sử dụng lần đầu vào thập niên 1960 nay được nâng cấp với nòng dài hơn được sản xuất tại Watervliet và dự kiến trở thành Pháo tầm xa M1299. Bên cạnh những nâng cấp đó, Watervliet đang cân nhắc cách biến kim loại cũ thành các bộ phận của súng.

Big Gun Shop, một kho vũ khí trải dài trên diện tích một phần tư dặm (từng là nhà máy lớn nhất của Mỹ khi nó khánh thành vào năm 1889 và là nơi cung cấp đại bác cho mọi cuộc xung đột kể từ Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ) cũng đang được hiện đại hoá. Big Gun Shop đã lên kế hoạch đặt hàng ba lò rèn quay mới thay thế các lò rèn cũ có từ năm 1976 để giúp tăng năng suất và tiết kiệm không gian.

Wall Street Journal miêu tả: Lò rèn có kích thước bằng đầu máy kéo đặt dưới lòng đất, đập và quay các xi lanh nóng rực. Chế tạo nòng súng lớn đòi hỏi phải gia công với độ chính xác tương tự như sản xuất máy bay hơn là thuần túy rèn; nếu không, đạn sẽ không bay đủ xa hoặc trúng mục tiêu. Mỗi ống súng rời xưởng Watervliet đều có đóng dấu tên viết tắt của chỉ huy kho vũ khí và được theo dõi trong suốt thời gian phục vụ của nó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: